Học trò nghèo nuôi chí lớn

10:57 AM 02/06/2014 |   Lượt xem: 1725 |   In bài viết | 

Ước mơ vượt núi

Mẹ bị bệnh không làm được việc nặng, hai chị gái lấy chồng xa, mình bố làm lụng vất vả nhưng vẫn không đủ cho mấy miệng ăn. Cậu bé Lai sớm nghĩ “mình sẽ học thật giỏi, có nghề, có tiền để bố mẹ đỡ khổ”. Học hết lớp 8, Lai quyết tâm thi vào Trường Dân tộc Nội trú huyện Mường Ẳng (Điện Biên) để bố mẹ không phải nuôi ăn học.

Giữa kỳ hai của lớp 9, Công an tỉnh Điện Biên cử cán bộ về Trường DTNT Mường Ẳng tuyển người đào tạo thiếu sinh quân, Lai liền đăng ký và làm hồ sơ thi tuyển. Về nhà, em báo với mọi người, ai cũng vui mừng, nhưng đi khám sức khỏe thì chiều cao không đạt. Thấy con buồn, bố mẹ động viên con đừng buồn, cố gắng để học cho tốt là được. Lai nghe kể trên tỉnh có nhiều xuất học bổng đi nước ngoài, lên tỉnh sẽ có điều kiện để giao tiếp xã hội, rèn luyện bản thân nên hết lớp 9, em quyết chí thi đỗ vào Trường DTNT tỉnh Điện Biên.

Lên lớp 11 thì mẹ bị bệnh thoái hóa cột sống, một bên chân bị liệt nên phải nằm điều trị ở tỉnh. Buổi chiều học xong, em xin thầy cô giáo phụ trách nội trú ra bệnh viện chăm sóc mẹ, đỡ đần cho bố. Nhìn mẹ bị bệnh, gia đình khó khăn nên nhiều lúc em muốn khóc, em nghĩ mình cố gắng hơn nữa để học thật giỏi làm quà cho mẹ, mong mẹ nhanh khỏi bệnh.

Cô giáo Nguyễn Bích Nga, Phó hiệu trưởng cho biết: “Em Lai là một học sinh ngoan, chịu khó, tự giác vươn lên trong học tập và cuộc sống. Nhận được tiền học bổng, tiền khen thưởng, em không tiêu mà gửi về cho mẹ chữa bệnh. Bữa sáng cũng bữa có, bữa không”.

Áp dụng kiến thức đã học

Chỉ là cậu học sinh 18 tuổi, đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng Lường Văn Lai luôn ước mơ biến kiến thức học được, áp dụng vào cuộc sống để mang lại lợi ích cho chính mình, người thân và xã hội.
Mười hai năm liền, Lường Văn Lai đều đạt học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 10, đạt giải nhì cấp tỉnh môn vật lý; lớp 11 đạt giải nhì máy tính cầm tay và giải ba về văn hóa cấp tỉnh; lớp 12 đạt giải nhì văn hóa và giải khuyến khích máy tính cầm tay cấp tỉnh.

Xã Xuân Lao (huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên) có nhiều sông suối, bà con đi lại rất khó khăn. Mùa lũ, dòng nước chảy xiết, cây cối trôi dạt về nhiều rất nguy hiểm cho người qua sông. Dù Nhà nước đã đầu tư làm cầu treo để người dân qua lại, nhưng đi đường cầu thì mất thời gian, bà con vẫn muốn đi thuyền, bè tre qua sông cho nhanh. Ở xã Xuân Lao đã có nhiều trường hợp người dân, học sinh qua sông, suối bị nước cuốn trôi. Bước vào lớp 10, khi học bài vật lý “chuyển động thẳng biến đổi đều”, Lường Văn Lai bắt đầu yêu thích và say mê học môn này. Lai muốn áp dụng vào thực tế để về quê phổ biến cho bà con khi đi qua sông suối sao cho an toàn. Những ngày được nghỉ về thăm nhà, Lai rủ các em nhỏ ra sông, chặt từng khúc tre, bó lại thả trôi sông để làm thí nghiệm theo kiến thức học được từ thầy, cô giáo.

Lường Văn Lai cho biết: “Muốn đến được điểm bờ bên kia, người ta phải tính được vận tốc của dòng nước và áp chế được vận tốc của thuyền, bè mình điều khiển thì sẽ không bị dòng nước cuốn trôi”.

Tết âm lịch vừa rồi, thấy bố mẹ lo lắng vì đất lún, nhà bị nghiêng một bên mà không có tiền sửa lại. Suy nghĩ, tính toán cách giúp bố mẹ, Lai đã tìm ra: áp dụng thuyết đòn bẩy của Acsimet, chọn một cây gỗ đường kính khoảng hơn 20 cm và cao bằng sàn nhà để làm điểm tựa, lấy một cây gỗ chắc, dẻo có đường kính trên 20 cm để làm đòn bẩy. Một đầu đòn bẩy cho xuống xà sàn nhà, sát cây cột nhà bị lún, mọi người dùng sức bám vào đầu còn lại để kéo xuống, cột nhà nổi lên và kê đá tảng, sao cho cân bằng như cũ... Anh Lường Văn Thành, 43 tuổi nghe con nói có chút băn khoăn, nhưng ủng hộ và làm theo. Gia đình vui mừng vì kết quả rất tốt, vừa không mất tiền mà lại tốn ít sức, chỉ cần sáu người làm trong một ngày là xong.

Nói về cậu học sinh hiếu học, cô giáo Hà Phương tâm sự: “Lớp 10, Lai học lớp chuyên văn nhưng em học giỏi môn vật lý nên tôi đưa em vào đội tuyển vật lý của trường để bồi dưỡng. Từ đấy em phát huy tốt khả năng học các môn tự nhiên. Trong tiết học, không hiểu ở chỗ nào là em dơ tay, xin phép hỏi. Chưa hiểu, giờ ra chơi em tranh thủ nhờ tôi giải thích cặn kẽ từng vấn đề. Ba năm liền, em Lai luôn đứng đầu thành tích của đội tuyển đi thi cấp tỉnh, là tấm gương vượt khó để các bạn trong trường noi theo”.

Ước mơ của Lường Văn Lai còn vươn xa hơn, bay cao hơn khi em ấp ủ sau khi tốt nghiệp cấp ba sẽ theo học ngành quản lý Tài nguyên & Môi trường, vì môi trường xung quanh chúng ta đã thay đổi rất nhiều. Lường Văn Lai cho biết: “Lúc nhỏ, ở quê cây cối nhiều, xanh tốt, mát mẻ nhưng bây giờ bị chặt phá trơ trụi, môi trường thay đổi theo hướng tiêu cực. Em muốn có kiến thức để làm thế nào cho môi trường trở lại, xanh, sạch và không khí trong lành. Mặt khác, ở đô thị, rác thải với khối lượng lớn, em muốn biết cách phân loại và tận dụng chế biến nó thành sản phẩm phục vụ đời sống”. Lai còn mơ ước, nghiên cứu tạo ra túi nilông phân hủy, sử dụng tốt, vì nó là vật dụng cần thiết. Hiện nay, người dân thường dùng túi nilông không phân hủy được, ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Bài và ảnh:Việt Hoàng (Nguồn: baotintuc.vn)