Giảm nghèo - Thành tích nổi bật của Việt Nam

09:20 AM 09/06/2014 |   Lượt xem: 1989 |   In bài viết | 

Theo UBTVQH, trong giai đoạn 2005-2012 công tác giảm nghèo đã bước sang giai đoạn mới, chuẩn nghèo thay đổi 2 lần tạo điều kiện nâng cao mức sống của hộ nghèo; cơ bản không còn hộ thiếu đói kinh niên; tình trạng nghèo từ diện rộng cả nước thu hẹp lại chỉ còn ở vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, trong một số nhóm dân cư… chất lượng giảm nghèo chuyển sang mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015), tương ứng với khoảng 2,1 triệu hộ nghèo…

Việc giảm nghèo được thực hiện thành công là nhờ Đảng, Nhà nước ban hành một loại các chính sách hỗ trợ hiệu quả và sự tham gia thực hiện tích cực của các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội.

Trong đó, các chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo được thực hiện chủ yếu thông qua Ngân hàng chính sách xã hội với 15 chương trình tín dụng dành cho người nghèo với mức lãi suất ưu đãi làm một trong những chính sách đạt hiệu quả thiết thực nhất.

Là công cụ chính của Nhà nước trong đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Ngân hàng Chính sách đã có nhiều nỗ lực trong huy động, tạo nguồn vốn, đến nay tổng nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội đã tăng gần 8 lần so với những năm mới thành lập. Tổng dư nợ đến hết năm 2012 tăng gấp 6,2 lần so với năm 2005 (đạt 113.921 tỷ đồng).

Bên cạnh chính sách tín dụng ưu đãi trực tiếp cho người nghèo, Chính phủ cũng thực hiện một loạt giải pháp dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo hiệu quả. Giai đoạn 2006-2010 ước tính có khoảng 150.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí (đạt 100% kế hoạch), 60% số lao động này đã tự tạo được việc làm hoặc tìm được việc làm.

Việc đảm bảo chăm sóc y tế cho người nghèo ngày càng thiết thực. Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo, 70% cho người cận nghèo. Từ 2006-2010 có 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; năm 2011-2012 có 29 triệu lượt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đến 2012, 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được mua thẻ bảo hiểm y tế (khoảng trên 15 triệu người).

Với chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình, khuyến nông-lâm-ngư nghiệp và xây dựng mô hình giảm nghèo đã có 3,7 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn (đạt 88% kế hoạch), xây dựng 8.500 mô hình trình diễn và hội nghị đầu bờ với trên 3 triệu lượt người nghèo tham gia. Đã có 218 xã thuộc 35 tỉnh triển khai các mô hình giảm nghèo với hơn 27.500 hộ tham gia (trong đó hộ nghèo chiếm 77%, 21.300 hộ).

Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách khác liên quan đến hỗ trợ đất ở, đất canh tác cho người nghèo, chính sách giáo dục đào tạo, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ thông tin… Bên cạnh đó, nhiều chính sách đặc thù cũng được ban hành để áp dụng giảm nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn…

Với những kết quả đạt được, cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là 1 trong 38 quốc gia có thành tích nổi bật về xóa đói giảm nghèo. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 18 quốc gia được trao Bằng khen của Tổ chức Nông Lương (FAO) về xóa đói giảm nghèo và chứng nhận việc sớm đạt được cả các mục tiêu thiên niên kỷ.

Ngoài những thành tựu trên, công tác giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, thách thức: Mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao; chênh lệch giàu-nghèo có xu hướng gia tăng (từ 8,1% lên 9,4% năm 2012); tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước, công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như nguồn lực đối với chính sách giảm nghèo còn hạn chế...

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020”, tập trung vào việc định hướng điều chỉnh chính sách giảm nghèo sau 2015 thông qua việc thay đổi chuẩn nghèo đa chiều; ưu tiên các chính sách đối với những địa bàn khó khăn nhất, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, sửa đổi, sắp xếp hợp lý các văn bản pháp luật có liên quan đến giảm nghèo theo hướng tập trung chính sách, giảm số lượng văn bản, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp; đảm bảo cân đối nguồn lực trung hạn cho các chính sách; nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo...

Chính phủ cũng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giảm nghèo, nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo và chính sách giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, sau 2015 nhằm bảo đảm an sinh tối thiểu cho người nghèo về việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, trợ giúp pháp lý và thông tin để đảm bảo cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Chính phủ ưu tiên giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở đối với hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn khó khăn, thúc đẩy việc thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ rủi ro, khuyến khích đầu tư, chính sách khuyến công để thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm tại các địa bàn nghèo, địa bàn khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo chinhphu.vn