“Trái đất là tương lai của chúng ta, hãy bảo vệ nó trước biến đổi khí hậu”
04:12 AM 18/06/2014 | Lượt xem: 2779 In bài viết |Hạn hán và sa mạc hóa được xem là thảm họa của thiên nhiên, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới đời sống con người. Diễn biến ngày càng nghiêm trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu trong thời gian vừa qua ngày càng cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên trái đất.
Cộng đồng quốc tế từ lâu đã nhận thấy hạn hán và sa mạc hóa
là vấn đề rất rộng, liên quan tới cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường
của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1977, Hội nghị về sa mạc hóa của Liên hợp
quốc (UNCOD) đã thông qua một kế hoạch hành động chống sa mạc hóa (PACD). Tuy
nhiên, theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vào năm
1991, thoái hóa đất vẫn gia tăng ở các khu vực khô hạn, bán khô hạn và vùng ẩm
nửa khô hạn. Vì vậy, chống sa mạc hóa vẫn là một vấn đề chính tại Hội nghị
thượng đỉnh về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc (UNCED) tại Rio de
Janeiro (Brazil) năm 1992. Hội nghị đã nhất trí thông qua một phương pháp tiếp
cận đa ngành mới, tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững
ở cấp cộng đồng, đặc biệt là thông qua Công ước chống sa mạc hoá (UNCCD).
Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố lấy ngày 17/6 hàng năm để kỷ niệm
Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán, đánh dấu ngày thông qua Công ước
chống sa mạc hóa. Ngày kỷ niệm này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng
đồng xung quanh các vấn đề về hạn hán, sa mạc hóa và khuyến khích thực hiện
UNCCD tại các quốc gia bị tác động nghiêm trọng bởi hạn hán và hoặc sa mạc hóa,
đặc biệt là ở châu Phi.
Theo Liên hợp quốc, khoảng 1,5 tỷ người trên toàn thế giới có sinh kế phụ thuộc
vào các khu vực bị suy thoái, trong đó gần một nửa (42%) là những người rất
nghèo. Điều này dẫn đến tình trạng bất ổn đáng kể trong các khu vực này, có thể
trong một số trường hợp, còn gây ra bất ổn chính trị toàn bộ khu vực.
Mặc dù các khu vực này dường như rất xa xôi đối với nhiều người trong chúng ta,
những người sống ở các thành phố hoặc các nước phát triển song những khó khăn,
bất ổn ở đây lại có ảnh hưởng trên toàn thế giới. Ước tính đến năm 2020, khoảng
60 triệu người sẽ di cư từ khu vực bị sa mạc hóa của châu Phi cận Sahara đến Bắc
Phi và châu Âu.
Trước tình hình đó, Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2014 được kỷ
niệm với chủ đề: "Trái đất là tương lai của chúng ta, hãy bảo vệ nó trước biến
đổi khí hậu". Chủ đề năm nay được lựa chọn để nâng cao nhận thức của cộng đồng
về những cơ hội mang lại từ việc thích ứng với các hệ sinh thái như là chiến
lược để ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở khu vực khô
cằn. Thích ứng với các hệ sinh thái có nghĩa là tăng cường các hệ thống tự nhiên
với mục đích giảm thiểu các tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Khi các hệ
sinh thái khỏe mạnh, chúng sẽ ít bị tổn thương trước những tác động và rủi ro
của biến đổi khí hậu.
Sa mạc hoá là một vấn đề toàn cầu có ảnh hưởng đến an ninh sinh thái của thế
giới, xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế xã hội và phát triển bền vững.
Những người dân nghèo sống ở các vùng đất khô cằn đang phải đối mặt với nhiều
thách thức: mất thu nhập, bất ổn lương thực, sức khỏe ngày càng xấu đi và canh
tác đất trở nên bấp bênh. Họ thường bị buộc phải di chuyển đến các khu vực không
bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa với hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2014,
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ: “Đất đai thuộc về các thế hệ tương
lai, hãy chắc chắn rằng nó có khả năng chống lại biến đổi khí hậu".
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, bắt nguồn hoặc bị làm trầm trọng
thêm từ biến đổi khí hậu, suy thoái đất đe dọa không chỉ sinh kế, mà còn hòa
bình và ổn định, như chúng ta có thể bắt đầu thấy điều đó trong cuộc cạnh tranh
giữa những người chăn nuôi và nông dân đối với các vùng đất có năng suất cao
nhất và trong các cuộc xung đột giữa các cộng đồng đối với tài nguyên nước ngày
càng khan hiếm. Biến động tại các thị trường lương thực toàn cầu, di cư ồ ạt là
những minh chứng rõ rệt của tình trạng mất an ninh trong lĩnh vực này.
Nếu hiện tượng suy thoái đất đặc biệt diễn ra ở các vùng đất khô cằn nhất thì có
khoảng 80% các biểu hiện của nó được thực sự nhìn thấy ở những nơi khác trên thế
giới. Hơn 1,5 tỷ người phụ thuộc vào những vùng đất đai đang suy thoái để tồn
tại. Đó là điều thiết yếu đối với các nông dân nhỏ vốn có năng suất bị ảnh hưởng
trực tiếp bởi biến đổi khí hậu. Ở nhiều khu vực, nguồn nước ngọt đang giảm dần,
khu vực canh tác cây lương thực bị thay đổi và mùa màng ngày càng kém năng suất.
Tổng thư ký Ban Ki-moon nêu rõ: Trên phạm vi toàn cầu, các sự kiện thời tiết
khắc nghiệt và không thể đoán trước được dự kiến sẽ có tác động nghiêm trọng
hơn tới sản xuất lương thực. Trong khi dân số thế giới đang ngày càng gia tăng,
điều bắt buộc là chúng ta phải nỗ lực thúc đẩy khả năng phục hồi của tất cả các
nguồn tài nguyên đất sản xuất và các cộng đồng phụ thuộc vào chúng. Cần quản lý
đất đai bền vững, ngăn chặn đất tiếp tục xấu đi và khắc phục những thiệt hại đã
xảy ra. Việc cải tạo đất là phương cách nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất
của biến đổi khí hậu, sản xuất lương thực và làm giảm các cạnh tranh về tài
nguyên. Nó cũng là một cách để bảo tồn hệ sinh thái thiết yếu như giữ nước, bảo
vệ chúng ta khỏi lũ lụt và hạn hán. Cuối cùng, một cách tiếp cận toàn diện và
cải tạo đất quy mô rộng lớn có thể là một cơ hội để tạo ra việc làm mới, cơ hội
và sinh kế, để mọi người có nhiều sự lựa chọn hơn cho cuộc sống của chính mình
thay vì chỉ đơn giản là cố gắng để tồn tại./.
Hải Lê (Nguồn: CPV)