Tự thân tác nghiệp
So với đồng nghiệp làm báo trong cả nước, những người làm báo ở tỉnh vùng cao
Điện Biên còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi tác nghiệp ở vùng sâu, vùng
xa, khu vực biên giới. Và do nhiều nguyên nhân như địa hình chia cắt, giao thông
đi lại khó khăn nên dù là báo in, báo hình, báo nói, báo ảnh hay báo điện tử thì
phần lớn họ đều phải “tự thân tác nghiệp”, “độc lập tác chiến” trong quá trình
thực hiện nhiệm vụ, nghĩa là phải tự mình làm phần lớn các công việc: đi lại,
lắng nghe, ghi chép, chụp ảnh, quay phim...
Điện Biên là một tỉnh có địa bàn rộng với 130 đơn vị cấp xã, bao gồm 9 phường, 5
thị trấn và 116 xã. Hiện nay, phương tiện chính để đi lại của đội ngũ nhà báo,
phóng viên ở Điện Biên là xe máy và… đi bộ. Trong quá trình tác nghiệp, nhà báo
vùng cao đã không ngại khó, ngại khổ “lăn lộn” ở những khu vực vùng sâu, vùng
xa, vùng khó khăn nhất để kịp thời phản ánh hơi thở của cuộc sống, là “cầu nối”
đưa những tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc miền núi đến
với Đảng, Nhà nước và ngược lại. Quá trình đi cơ sở, ít được sự hỗ trợ từ đồng
nghiệp nên trong mỗi chuyến đi, phóng viên vùng cao đều chủ động lên lịch, sắp
xếp công việc từ trước, tránh lãng phí thời gian, công sức. Và để bảo đảm cao
nhất tính thời sự, sau mỗi sự kiện, trong lúc mọi người đã nghỉ ngơi thì họ -
những nhà báo vùng cao lại bắt tay vào viết, truyền tin bài về cơ quan để bộ
phận biên tập kịp thời sửa, truyền bài lên khuôn báo. Nhớ lại chuyến thực tế tại
huyện biên giới Mường Nhé, phóng viên trẻ Lê Văn Quyết (Báo Điện Biên Phủ) chia
sẻ: Lần đó, dù đã rất mệt sau một chặng đường dài và cả buổi tối dự buổi giao
lưu giữa cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng A Pa Chải với bà con dân tộc Hà Nhì của
xã Sín Thầu, nhưng mình vẫn cố gắng hoàn chỉnh bài viết và khi gửi đi thì đã hơn
1h sáng. Vất vả nhưng vui lắm!
Thiếu thốn đủ bề, hiểm nguy rình rập
Việc làm báo ở các tỉnh vùng cao đến bây giờ dù đã được quan tâm hơn trước song
vẫn còn rất nhiều thiếu thốn. Ở Điện Biên, nhiều địa bàn mãi tới đầu năm 2014
mới có mạng Internet. Trước đó, phóng viên tác nghiệp tại vùng sâu, vùng xa phải
đi ngược ra trung tâm xã hay thị trấn mới có thể gửi tin bài về tòa soạn. Chỉ
tính quãng đường này thôi đôi khi cũng đã đến vài chục km. Còn về phương tiện kỹ
thuật để tác nghiệp thì lại càng thiếu thốn, nhiều khi không phải vì không có mà
chỉ đơn giản là… không thể mang theo được. Điện Biên đến nay vẫn còn những xã
chưa có đường ô tô về đến trung tâm, còn muốn vào được tận bản để phản ánh tình
hình thì nhiều khi chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Vậy nên nhà báo tác nghiệp chỉ
có thể mang theo những vật dụng, phương tiện thực sự cần thiết, đôi khi chỉ là
duy nhất một chiếc máy ảnh, một chiếc máy quay... Đó là chưa kể đến những địa
bàn chưa có điện lưới thì việc tác nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Phóng viên ảnh Tiến Dũng nhớ mãi kỷ niệm về lần tham gia tác nghiệp tại bản
Noong Chuông, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông. Vào đến nơi buổi trưa thì chiều
trời mưa tầm tã 3 ngày liền, cũng may là đã tranh thủ chụp được ảnh. Vì yêu cầu
công việc, không thể đợi trời hết mưa, anh quyết định khoác áo mưa rời bản.
Đường trơn, bùn đất dính đầy xe, không thể đi được, anh phải dắt xe máy đi bộ,
cứ đi được 15m thì phải dừng lại bẻ cây rừng để cậy đất, vất vả dắt bộ được 2km
thì gặp 2 thanh niên trong bản đi bộ ra xã. Hai người này thay nhau dắt, đẩy xe
giúp “nhà báo”, còn anh Dũng đeo túi máy ảnh sau lưng đi bộ theo họ. Cứ như thế,
cả 3 người và xe máy ra đến đường liên xã thì đã mất tới hơn 5 tiếng đồng hồ…
Còn một điều nữa cũng cần sẻ chia với nhà báo vùng cao đó là trong quá trình tác
nghiệp, họ luôn phải đối diện với những nguy hiểm, phải đối mặt với những tình
huống không được báo trước. Đặc biệt là tác nghiệp trong mùa mưa, khi lũ về bất
ngờ hay nước suối đột ngột dâng cao… Hơn 10 năm trước, nhà báo Trọng Linh là
phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lai Châu (cũ), đi công tác theo
đoàn cán bộ của Ủy ban Dân số huyện Mường Lay (nay là huyện Mường Chà) để đưa
tin hoạt động trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn người dân tộc Mảng Ư ở
bản Nậm Manh thuộc xã vùng sâu, vùng xa Nậm Hàng. Trên đường trở về, lúc vượt
sông Đà vì cố gắng cứu máy quay phim mà anh đã bị nước lũ cuốn trôi cách đó gần
140 km, 4 ngày sau đồng nghiệp và gia đình mới tìm được thi thể. Ghi nhận sự hy
sinh đó, năm 2009, nhà báo Trọng Linh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt
sỹ... Ngay ở Đài phát thanh và Truyền hình Điện Biên, trong 3 năm gần đây đã có
ít nhất 4 phóng viên bị tai nạn trong khi đi công tác. Đó là chưa kể chỉ vì một
vài sơ suất nhỏ trên đường tác nghiệp ở vùng cao như không chằng buộc cẩn thận,
hay do không quen đường, đường xóc, đường trơn… thì việc đánh rơi mất đồ nghề
cũng có thể xảy ra.
Với nhà báo là nam giới đã vất vả, phụ nữ làm báo ở vùng cao lại càng vất vả
hơn. Đường xa, khó đi, quá trình tác nghiệp tại cơ sở lại thường chỉ có một mình
khiến công việc của họ lại càng trở lên khó khăn, nguy hiểm. Song, như nữ nhà
báo Minh Thùy (Báo Điện Biên Phủ) chia sẻ: “Niềm vui khi những “đứa con tinh
thần” được độc giả đón nhận chính là động lực lớn nhất giúp “phái yếu” chúng tôi
vượt qua khó khăn, vất vả trong khi làm báo. Hơn nữa, được đến với đồng bào,
phản ánh và sẻ chia những khó khăn của đồng bào… đó không chỉ là công việc,
nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm, tình cảm của những người làm nghề báo chúng
tôi!”
“Nhiều điều thú vị, thiêng liêng”
Nghề báo vất vả, nhọc nhằn “nhưng cũng có rất nhiều điều thú vị, thiêng liêng” -
đó là tâm sự của phóng viên trẻ Lê Văn Quyết sau hơn 2 năm bước chân vào nghề.
Thực tế cho thấy, cùng với những khó khăn, thiếu thốn thì công việc làm báo ở
vùng cao luôn chứa đựng những nét độc đáo, thú vị rất riêng mà nhiều đồng nghiệp
miền xuôi khó có cơ hội được trải nghiệm. Đó là được hòa mình trong nhịp đập
cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao, được đặt chân trên những dải biên
cương hùng vĩ của Tổ quốc, được tận mắt nhìn thấy những công việc giản dị mà cao
đẹp của những cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng đang từng ngày từng giờ gìn giữ
chủ quyền đất nước… Và còn nhiều, rất nhiều điều bổ ích khác mà các nhà báo,
phóng viên có thể thu lượm được sau mỗi chuyến tác nghiệp ở vùng cao.
Làm báo ở vùng cao thật nhọc nhằn và đầy gian khó, nhưng ở đó lại luôn luôn ẩn
chứa hơi thở cuộc sống và thấm đẫm tình người. Dù ở Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường
Chà hay Nậm Pồ…, dù là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Dao hay Hà Nhì… thì
họ vẫn luôn là những con người giàu lòng hiếu khách. Nhà báo bao giờ cũng sẽ là
khách quý của bản, luôn được đồng bào quý trọng. Chính điều này đã thôi thúc,
động viên những phóng viên, nhà báo vùng cao không ngừng nỗ lực trong công việc,
thực hiện ngày càng tốt hơn nữa trọng trách là “cầu nối” giữa Đảng và Nhà nước
với đồng bào các dân tộc vùng cao, góp phần xây dựng quê hương./.
Tạ Quang Đạo