Gia đình anh Hồ Văn Bình, ở xã Trà Thanh, huyện Tây Trà sở hữu trên 1 héc ta cây
đót gần 2 năm tuổi. Đầu năm 2014, anh đã thu hoạch lứa đót đầu tiên được trên 20
triệu đồng. Vườn đót của anh Bình phát triển tốt, được trồng xen với cây quế để
lấy ngắn nuôi dài.
Anh Bình cho biết: “Mình nhổ cái gốc từ trên núi về trồng. Cây quế còn nhỏ nên
mình trồng đót thu hoạch trước, vừa tiết kiệm đất vừa dễ chăm sóc. Mà sau này
quế lớn thì giữa đót và quế cũng không ảnh hưởng gì nhau”.
“Chỉ cần lấy gốc về trồng, không cần tưới nước, nếu muốn cây sinh trưởng phát
triển nhanh hơn thì bón thêm ít phân, chỉ khoảng 1 năm sau là đót ra hoa và cho
thu hoạch. Có cây đót trong vườn rồi, người Cor không còn sợ đói như trước nữa”,
anh Hồ Zĩn, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, chia sẻ.
Cây đót dễ trồng, nguồn giống có sẵn trên rừng nên người dân không cần đầu tư
mua giống. Thực tế, điều kiện thổ nhưỡng lại phù hợp nên nhiều hộ dân ở huyện
Tây Trà đã trồng cây đót trên diện tích hàng chục héc ta.
Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Trà Thanh, huyện Tây Trà, cho hay: “Cây đót là
cây tự nhiên. Cách đây 5 năm, khi tư thương mua với số lượng lớn thì người dân
bắt đầu lấy gốc về trồng. Thấy rõ hiệu quả nên bà con trồng trên diện rộng. Chủ
trương của xã là khoanh vùng mỗi hộ dân có một vườn đót; nếu người dân ở đây
không có cây đót thì rất khó khăn về thu nhập. Cây đót cũng đã được các huyện
Trà Bồng, Tây Trà, đưa vào loại cây hàng hóa, là một trong những cây chủ lực để
xóa đói giảm nghèo, đồng thời có chính sách hỗ trợ người dân tiền công để vào
rừng lấy giống về trồng”.
Theo đánh giá của những hộ trồng đót, sau mỗi vụ thu hoạch, cây đót tái tạo lại
rất nhanh và vụ sau sẽ cho năng suất cao hơn vụ trước, thu nhập mỗi héc ta sẽ
đạt khoảng 50 triệu đồng. Ông Hoàng Xuân Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà
cho biết: “Chúng tôi xây dựng phương án trồng cây đót trong vườn và trồng xen
với cây quế, cây lồ ô để tăng thu nhập. Ngoài cây quế, cây keo thì cây đót cũng
được xem là cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo”.
Chủ trương đưa cây đót vào trồng trên diện tích lớn ở các huyện miền núi Trà
Bồng, Tây Trà cho thấy, người dân và chính quyền địa phương đã chọn đúng loại
cây trồng phù hợp với điều kiện ở miền núi, một loại cây dễ trồng, đầu tư kinh
phí ít, đầu ra ổn định và cho thu nhập cao, góp phần giúp đồng bào Cor xóa đói,
giảm nghèo.
Bài và ảnh: Đinh Thị Hương (Nguồn: baotintuc.vn)