Báo chí Ấn Độ đưa tin đậm nét về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
10:16 AM 28/10/2014 | Lượt xem: 2099 In bài viết |Dưới nhan đề bài viết “Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
thăm Ấn Độ từ ngày 27/10”, tờ NewKerala.com dẫn lời phát ngôn viên Bộ Nội vụ Ấn
Độ (MEA) Syed Akbaruddin cho biết, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ lần
này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao của nước chủ nhà
gồm Phó Tổng thống, Tổng thống, Thủ tướng Ấn Độ…và tham gia vào một loạt các sự
kiện quan trọng như đến thăm Rajghat - đài tưởng niệm vị lãnh tụ của nhân dân Ấn
Độ Mahatma Gandhi và dinh Tổng thống (Rashtrapati Bhavan)…
Nhấn mạnh tầm quan trọng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông
Akbaruddin nêu rõ, Ấn Độ coi đây là một sự kiện góp phần mở ra thời cơ thắt chặt
mối quan hệ với Việt Nam – một trong những đối tác thân thiết nhất và mạnh mẽ
nhất của New Delhi trong khối ASEAN.
Bên cạnh đó, người phát ngôn MEA cũng nhấn mạnh, đây là lần thứ 3 Thủ tướng Việt
Nam có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, đồng thời nêu bật những cột mốc đáng
nhớ, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai nước. Ông Akbaruddin cho biết,
nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Ấn Độ vào năm 2007, MEA đã ra Tuyên
bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Năm 2012, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng đã tới tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN
- Ấn Độ tại thủ đô New Delhi. Mới đây nhất, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee
cũng đã tới thăm Việt Nam vào tháng 9/2014.
Trong một bài viết khác về chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng tới Ấn Độ, tờ NewKerala.com tiếp tục dẫn lời ông Akbaruddin, trong đó đặc
biệt nhấn mạnh tới mối quan hệ gần gũi giữa New Delhi – Hà Nội, cũng như mức độ
tăng trưởng trong quan hệ thương mại giữa hai nước. “Các mối quan hệ giữa Việt
Nam và Ấn Độ đang không ngừng được tăng cường và lớn mạnh. Kim ngạch thương mại
giữa hai nước trong giai đoạn 2013 - 2014 đạt 8 tỷ USD, tăng trưởng hơn 30% so
với trước đó. Hai nước cũng duy trì các mối quan hệ tốt đẹp trên các diễn đàn
quốc tế và Việt Nam đã ủng hộ việc đề cử Ấn Độ vào vị trí nước ủy viên thường
trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng tôi xem chuyến thăm này của Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng là một cơ hội để tăng cường các mối quan hệ giữa Ấn Độ và
một trong những nước đối tác mạnh mẽ, gần gũi nhất trong khối ASEAN” – ông
Akbaruddin nêu rõ.
Trong khi đó, tờ Oneindia news cũng có bài viết về sự kiện quan trọng trong quan
hệ giữa hai nước. Bài viết cho biết, nhân sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới
thăm Ấn Độ, các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước sẽ tập trung vào các nỗ lực
tăng cường hợp tác kinh tế.
Cùng chia sẻ với chủ đề được đề cập tới trên tờ Oneindia news, tờ The Economic
Times có bài viết “Tăng cường các mối quan hệ hợp tác kinh tế - trọng tâm chuyến
thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. Bài viết dẫn số liệu thống kê của MEA
cho biết, hai nước đã đạt mục tiêu đề ra về kim ngạch thương mại trong năm 2015
(7 tỷ USD) trước thời hạn. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục tập trung vào tăng cường các thành quả mà hai bên đã
đạt được trong thời gian qua. Ông Akbaruddin cho biết: “Chúng tôi đang thảo luận
về các mục tiêu này và đây cũng là vấn đề sẽ được Thủ tướng của hai nước đưa ra
khi tiến hành đối thoại”. Ngoài ra, phát ngôn viên MEA cũng nêu rõ, mối quan hệ
Việt Nam - Ấn Độ không mang tính chất phụ thuộc lẫn nhau mà là một mối quan hệ
song phương và hai nước đang tập trung vào những vấn đề mang tính song phương
này.
Cuối tuần trước, tờ The Hindu đã có bài viết về sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ. Bài viết dẫn lời Vụ trưởng
Phương Nam Bộ Ngoại giao Ấn Độ Sanjay Bhattacharyya đánh giá cao quan hệ thương
mại giữa hai nước đã vượt chỉ tiêu 7 tỷ USD trước thời hạn đề ra. Tuy nhiên, ông
Bhattacharyya cũng lưu ý rằng, con số này vẫn còn khiêm tốn và hai nước vẫn còn
“tiềm năng” để tiến xa hơn mục tiêu trên. Đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết,
quan hệ hợp tác kinh tế sẽ là chủ đề chính được đề cập tới nhân chuyến thăm cấp
Nhà nước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. “Mục tiêu của chúng tôi là biến quan hệ
hợp tác kinh tế trở thành một trụ cột mạnh mẽ trong quan hệ giữa hai nước. Việt
Nam đang trong lộ trình đa dạng hóa nền kinh tế và điều đó đã mở ra thời cơ để
hai nước cùng mở rộng, đa dạng hóa các quan hệ về hợp tác kinh tế” – ông
Bhattacharyya khẳng định.
Ông Bhattacharyya nêu rõ, hiện Việt Nam và Ấn Độ đã xác định rõ những lĩnh vực
chủ chốt để thúc đẩy quan hệ về thương mại, điển hình gồm: Dệt may, công nghiệp
hóa chất nhuộm, công nghiệp chế biến, máy móc, giày da và các dịch vụ khác như:
Tài chính, du lịch, công nghệ thông tin…Chính vì thế, chuyến thăm của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng lại càng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh vào năm 2015,
Việt Nam sẽ trở thành nước điều phối của ASEAN trong quan hệ với Ấn Độ và mở ra
những thời cơ mới cho New Delhi trong khuôn khổ diễn đàn khu vực này.
Tờ The Times of India có bài viết nêu rõ bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực
hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ vào thời điểm quan hệ giữa hai nước đang
không ngừng được cải thiện. Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ trong
các ngày 27-29/10 được đánh giá là một chuyến thăm đáp lễ việc Tổng thống Ấn Độ
Pranab Mukherjee tới thăm Việt Nam hồi tháng trước. Bài viết cho rằng, việc các
nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Ấn Độ liên tiếp có những chuyến thăm viếng
lẫn nhau là một tín hiệu cho thấy tầm quan trọng không ngừng lớn mạnh của mối
quan hệ giữa hai nước.
Theo tác giả Indrani Bagchi của bài viết, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tăng cường quan hệ hợp tác trong nhiều
lĩnh vực và chia sẻ nhiều mối quan tâm chung, đặc biệt là cách tiếp cận “mạnh mẽ”
của Việt Nam và Ấn Độ trong giải quyết các vấn đề gây tranh cãi trên Biển Đông.
Nhân sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Ấn Độ, tác giả bài viết nhắc lại
quan điểm đã được hai nước thống nhất chung, đó là “tự do hàng hải trên Biển
Đông cần được tôn trọng và các bên có liên quan cần kiềm chế, tránh sử dụng vũ
lực, giải quyết bất đồng thông qua con đường hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc
tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982”./.
T.L (tổng hợp) (Nguồn: CPV)