Việt Nam đóng góp tích cực cho đoàn kết và thống nhất của ASEAN
10:38 AM 10/11/2014 | Lượt xem: 2302 In bài viết |Một năm trước ngưỡng cửa hình thành Cộng đồng ASEAN, các Hội nghị Cấp cao lần
này có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới
của ASEAN sau năm 2015. ASEAN nỗ lực hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và
tích cực chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo; củng cố đoàn kết, phát huy trách
nhiệm và vai trò chủ đạo về các vấn đề chiến lược ở khu vực và trong cấu trúc
khu vực đang định hình; thúc đẩy mạnh mẽ tiếng nói chung của Hiệp hội trên những
vấn đề toàn cầu thuộc quan tâm chung; mở rộng liên kết và kết nối khu vực; tiếp
tục tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác...
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Hội nghị Cấp cao liên quan sẽ tập
trung trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và định hướng
giai đoạn sau năm 2015; kiểm điểm và đề ra biện pháp tăng cường hợp tác giữa
ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1 (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ
và Liên hợp quốc), ASEAN+3 (với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) và Cấp cao
Đông Á (EAS) lần thứ 9, cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế quan
tâm. Cấp cao Mê Công - Nhật Bản dự kiến tập trung thảo luận về tình hình triển
khai Kế hoạch Hành động Mê Công - Nhật Bản 2013-2015 và phương hướng thúc đẩy
hợp tác Mê Công - Nhật Bản thời gian tới.
Bên lề các Cấp cao, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ gặp Hội đồng Tư vấn kinh doanh
ASEAN (ABAC). Trước đó, để chuẩn bị cho các Hội nghị, có họp trù bị của các Bộ
trưởng Ngoại giao ASEAN và các Quan chức Cấp cao ASEAN (SOM). Hội nghị Cấp cao
ASEAN-25 sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy tiến độ cũng như nâng cao chất
lượng triển khai. Định hướng Cộng đồng ASEAN sau 2015: Nhóm Công tác về xây dựng
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 đang hoàn tất các thành tố chính về định hướng
phát triển của ASEAN sau 2015 trên cả 3 trụ cột: Chính trị - an ninh, kinh tế và
văn hóa - xã hội. Hiện nay, tỷ lệ triển khai Lộ trình ASEAN đạt trên 80%, trong
đó trụ cột chính trị -an ninh đạt 85%, kinh tế đạt 81% và văn hóa - xã hội đạt
97%.
Về tổng thế, Tầm nhìn sau 2015 sẽ kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được,
đồng thời đề ra chiến lược dài hạn nhằm phát triển Cộng đồng ASEAN vững mạnh
trên cả ba trụ cột trong các thập kỷ tiếp theo, phát huy vai trò của ASEAN đối
với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên các vấn đề toàn cầu,
hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng
chia sẻ trách nhiệm xã hội. Các thành tố chính sẽ được trình lên cấp cao ASEAN
xem xét, chỉ đạo Nhóm tiếp tục cụ thể hóa nội hàm các thành tố này và xây dựng
thành văn kiện định hướng cho giai đoạn sau 2015.
Trước yêu cầu liên kết và hợp tác đặt ra ngày càng cao, ASEAN chú trọng việc
nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức. Hội nghị Cấp cao lần này, Nhóm
Đặc trách Cao cấp (HLTF) sẽ trình các kiến nghị về tăng cường năng lực Ban Thư
ký ASEAN và nâng cao hiệu quả của các cơ quan ASEAN lên cấp cao ASEAN xem xét và
chỉ đạo. Trong quan hệ đối ngoại và cấu trúc khu vực, ASEAN tiếp tục mở rộng và
làm sâu sắc quan hệ với các đối tác; khuyến khích các đối tác tham gia hiệu quả
và tích cực vào hợp tác khu vực, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, mở rộng liên
kết và kết nối ở khu vực, nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức an ninh
truyền thống và phi truyền thống cũng như hợp tác trên các lĩnh vực cùng có lợi
như: Thương mại, đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng...
Hiện nay, các đối tác ngày càng quan tâm và coi trọng hợp tác với ASEAN, ủng hộ
vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, vai trò chủ đạo của ASEAN
trong các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+... và cam kết ủng hộ, hỗ
trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như triển khai các
trọng tâm và ưu tiên khác của Hiệp hội (hiện có 81 nước cử đại sứ tại ASEAN và
46 Ủy ban ASEAN tại nước thứ 3). Dự kiến Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác
sẽ tập trung bàn, kiểm điểm và đề ra định hướng tăng cường quan hệ giữa ASEAN
với các đối tác và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Đáng
chú ý, Việt Nam sẽ cùng với Australia thúc đẩy các nước ASEAN ủng hộ và tham gia
Liên minh các nhà Lãnh đạo Châu Á - Thái Bình Dương về chống sốt rét (APLMA)
trong nỗ lực hợp tác giảm thiểu các nguy cơ của dịch sốt rét, hướng tới loại trừ
bệnh sốt rét vào năm 2030.
Dự kiến, Hội nghị Cấp cao ASEAN-25 và các Hội nghị cấp cao liên quan lần này sẽ
thông qua nhiều văn kiện quan trọng. Duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và
hàng không ở Biển Đông tiếp tục là những vấn đề được quan tâm tại hội nghị lần
này. Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Hội nghị Cấp cao
liên quan nhằm đóng góp tích cực cho đoàn kết và thống nhất của ASEAN; phát huy
vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình, thúc đẩy
hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và định hướng cho giai đoạn
phát triển của Hiệp hội sau 2015, cũng như tham gia đóng góp xây dựng về các vấn
đề khác thuộc quan tâm chung của khu vực./.
Thanh Hải/TTXVN