Ngày Quốc tế Khoan dung (16/11/2014): Khoan dung – động lực thúc đẩy đối thoại và hòa bình trên thế giới

10:09 AM 17/11/2014 |   Lượt xem: 2714 |   In bài viết | 

Thực tế trên thế giới hiện nay, biểu hiện đặc trưng của sự không khoan dung chính là bất công, bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử và gạt ra ngoài lề xã hội những người hay nhóm người với những dị biệt nhất định. Vì vậy, giáo dục và tạo dựng lòng khoan dung nhằm mục đích chống lại các ảnh hưởng dẫn con người đến sự sợ hãi và có hành động loại trừ những người khác; giúp những người trẻ phát triển khả năng của chính mình, thực hiện quyết định độc lập trong suy nghĩ và có nhận thức đúng đắn về đạo đức. Sự đa dạng về tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa và chủng tộc hiện tồn tại trên hành tinh không phải là lý do để dẫn đến xung đột, mà thay vào đó chính là một kho báu làm phong phú thêm cho cuộc sống của tất cả chúng ta.

Cách đây 19 năm, ngày 16/11/1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Ngày Quốc tế Khoan dung và lấy ngày 16/11 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Khoan dung. Đại diện của 185 quốc gia đã ký vào bản Tuyên bố đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28 của UNESCO, theo đó cam kết “Tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng, phong phú các nền văn hóa của thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người”. Các quốc gia cũng công nhận một thực tế là con người khác nhau về hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị, song đều có quyền được sống trong hòa bình và duy trì cá tính của riêng mình.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là, trong suốt những năm vừa qua, Ngày Quốc tế Khoan dung vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống khi rất nhiều người dân thậm chí còn chưa biết tới ngày kỷ niệm này cũng như những ý tưởng cao đẹp của nó. Trên thế giới, tình trạng con người dễ bị tổn thương trước mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, ngôn ngữ, giới tính… vẫn là một thực trạng nhức nhối và phổ biến. Hàng triệu người dân vẫn đang phải hàng ngày đấu tranh chống lại tệ phân biệt đối xử nhằm giành quyền tiếp cận với công bằng về giáo dục, y tế và việc làm. Việc thực hiện các quyền con người, kể cả các quyền xã hội, kinh tế, văn hóa, dân sự và chính trị, đang bị ngăn cản do phân biệt đối xử. Trong đó, phụ nữ vẫn là những người bị phân biệt và thiệt thòi nhất.

Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: Hiện nay chúng ta vẫn đang phải chứng kiến tình trạng gia tăng chủ nghĩa cực đoan bạo lực và thuyết cấp tiến cũng như tình trạng mở rộng các cuộc xung đột mà đặc tính là hoàn toàn không màng đến sự sống của con người. Hiện nay, số lượng những người dân phải di cư do các cuộc xung đột nhiều hơn bất cứ thời kỳ nào kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2. Những người dân vô tội chết trong các cuộc chiến đấu vô nghĩa trên thế giới. Hầu hết những người trẻ tuổi đang bị tước đoạt tuổi thơ, bị lạm dụng và cưỡng chế tuyển mộ, bắt cóc…

“Xã hội dân chủ và hòa bình không tránh được các định kiến và bạo lực. Tăng sự thù địch và phân biệt đối xử xảy ra đối với những người phải qua biên giới để xin tị nạn hoặc tìm kiếm những cơ hội mà họ không thể có được ở nơi quê nhà. Các tội ác gây ra bởi lòng căm thù và các hình thức không dung nạp khác đang tác động tới quá nhiều cộng đồng,..” – Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ.

Nhân Ngày Khoan dung Quốc tế năm nay, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc lên tiếng “kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới bảo vệ tất cả mọi người chống lại khủng bố và thúc đẩy sự khoan dung không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, ngôn ngữ, chủng tộc, khuynh hướng tình dục hoặc bất kỳ sự phân biệt khác che khuất toàn nhân loại”. Ngày Quốc tế Khoan dung là một cơ hội để tái khẳng định cam kết của chúng ta cùng công nhận và bảo vệ các quyền con người và tự do phổ quát cần thiết cho một nền hòa bình lâu dài.

“Nhân ngày Quốc tế Khoan dung này, tôi kêu gọi tất cả các dân tộc và các chính phủ tích cực đấu tranh chống lại sự sợ hãi, hận thù và chủ nghĩa cực đoan thông qua đối thoại, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau” – Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh.

Còn theo Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc Irina Bokova, khoan dung là một nguyên tắc cốt yếu của đời sống xã hội, sinh ra một cách tự nhiên từ việc tôn trọng các quyền con người và phẩm giá con người. Nguyên tắc này hiện cần thiết hơn bao giờ hết và nó đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đa dạng văn hóa là mục tiêu của các nhóm cực đoan đang tìm cách áp đặt thế giới quan giáo phái của họ cho thế giới, các dân tộc thiểu số bị ngược đãi và nạn nhân của việc "làm sạch văn hóa". Trong xã hội, khủng hoảng kinh tế và xã hội đôi khi được sử dụng như một cái cớ cho xung đột và loại trừ lẫn nhau. Đối mặt với tất cả những thách thức này, chúng ta phải tái khẳng định mạnh mẽ sự cần thiết của lòng khoan dung, đồng thời nhắc lại rằng mọi nền văn hóa đều xứng đáng được tôn trọng, và không có điều gì có thể biện minh cho sự hận thù hoặc khinh bỉ người khác.

Bà Irina Bokova cho biết thông điệp này là trọng tâm trong các hoạt động của UNESCO, được tạo ra một cách chính xác dựa trên niềm tin rằng hòa bình lâu dài phải được xây dựng trong tâm trí của những người đàn ông và phụ nữ thấm nhuần các nguyên tắc của lòng khoan dung và tôn trọng lẫn nhau thông qua giáo dục, đối thoại giữa các nền văn hóa, hợp tác trí tuệ. Trong một thế giới toàn cầu hóa, chỉ sống bên cạnh nhau là chưa đủ, mà còn cùng chung sống trong sự khác biệt và lòng khoan dung lớn lên mỗi ngày sẽ giúp chúng ta chống lại sự bài ngoại, phân biệt đối xử và thù hận. Khoan dung dạy chúng ta dung hòa các quyền phổ quát cùng tập hợp chúng ta lại và sự đa dạng làm phong phú thêm cho mỗi chúng ta. Nó cũng cho chúng ta thấy rằng chúng ta luôn cần đến người khác trong sự đa dạng của họ, để hoàn thiện chính bản thân mình.

Nhân Ngày Quốc tế Khoan dung, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc Irina Bokova kêu gọi tất cả các nước thành viên UNESCO và các đối tác để tái khẳng định sức mạnh chuyển tải của lòng khoan dung như một động lực thúc đẩy đối thoại và hòa bình trên thế giới./.

Khánh Linh (Nguồn: CPV)