Về nơi đồng bào quý 'con chữ' như hạt gạo, hạt bắp

10:16 AM 17/11/2014 |   Lượt xem: 2827 |   In bài viết | 

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dê và Đắc Tôi nằm trên một quả đồi cao thuộc xã La Dê. Từ vị trí này có thể nhìn thấy các bản làng của người Cơ Tu, Tà Riềng ẩn mình trong những cánh rừng xung quanh. Ít ai nghĩ rằng ở một xã biên giới khó khăn như La Dê lại có trường học khang trang và đẹp như vậy.

Ngôi trường hai tầng được hoàn thành vào năm 2011 gồm 6 lớp học cùng với các phòng chuyên môn của giáo viên, thư viện, phòng máy tính. Trường còn có một dãy nhà bán trú ngay phía sau lớp học làm chỗ ở, sinh hoạt của 13 thầy giáo, cô giáo và học sinh ở xa. Theo cô giáo Kring Lưu, Hiệu trưởng nhà trường, trường cũ được làm bằng gỗ lợp mái tôn do chính quyền, bộ đội biên phòng và phụ huynh học sinh chung tay xây dựng nhưng đã bị xuống cấp.

Năm 2010, từ nguồn vốn hỗ trợ thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, huyện Nam Giang đã đầu tư xây dựng trường để con em đồng bào vùng cao biên giới nơi đây có điều kiện học tập tốt hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã La Dê Chơ Rum Nguốn cho biết: Đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã vùng biên này chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng, làm nương rẫy. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà các em học sinh ở đây sao nhãng việc học.

Ở đây nhà nào có con em đạt thành tích học tập tốt, có nhiều giấy khen treo trên tường là một niềm vinh dự, tự hào, mà theo cách nói của bà con người Cơ Tu và Tà Riềng thì “có được con chữ cũng quý như có được hạt gạo, hạt bắp ở trong nhà”.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dê và Đắc Tôi có 187 học sinh là người dân tộc thiểu số Cơ Tu và Tà Riềng. Khoảng cách từ trường tới nóc nhà xa nhất là hơn 10km đường rừng nên phần lớn các em học sinh phải ở lại bán trú. Điều đặc biệt tại xã vùng cao này là các em học sinh rất ham học, đầu năm học mới các thầy giáo, cô giáo không phải đến từng nhà để vận động các em tới lớp. Nhiều năm qua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dê và Đắc Tôi luôn đảm bảo huy động 100% học sinh trong độ tuổi đến trường.

Do các em học sinh ở bán trú nên tất cả việc học hành và sinh hoạt đều nhờ tới sự chăm sóc của các thầy giáo, cô giáo. Vì vậy, đồng bào rất quan tâm tới việc xây dựng trường lớp để con em mình có môi trường tốt nhất. Phụ huynh đã tự nguyện mua sắm bàn ghế, tủ lạnh đựng thức ăn trong khu nhà bếp, đóng góp tiền để mua ti vi và dựng hẳn một ngôi nhà Gươl nhỏ trong khuôn viên trường để làm nơi sinh hoạt truyền thống cho thầy cô và học sinh.

Thư viện nhà trường hiện có hơn 3.900 bản sách với 35 đầu sách các loại cùng với phòng máy tính gồm 10 chiếc máy để phục vụ việc dạy và học của thầy, trò nhà trường.

Thầy giáo Chơ Rum Lập, người đã có hơn 10 năm gắn bó với trường chia sẻ, bà con nơi đây rất yêu quý những thầy cô giáo từ miền xuôi hay dưới thị trấn lên đây để bám lớp, bám trường, dạy cái chữ cho con em đồng bào. Chính sự quan tâm, gắn bó và đùm bọc của đồng bào nơi đây là nguồn động viên rất lớn để những thế hệ giáo viên của trường kiên trì gieo chữ nơi miền biên cương này.

Những tuần đầu của năm học mới là thời gian vất vả nhất của các thầy cô giáo để giúp những em học sinh lớp 1 thích nghi với cuộc sống tự lập, xa gia đình. Các thầy cô giáo và các em học sinh giống như một gia đình. Vào buổi tối các em được thầy cô hướng dẫn ôn lại bài cũ, được xem phim. Vào mùa mưa, việc đi lại khó khăn nên nhiều em ở lại trường trong nhiều tháng.

Những năm gần đây, cuối năm học 100% học sinh toàn trường luôn đạt chuẩn được lên lớp và số học sinh khá, giỏi không ngừng tăng lên. Trường đang trong quá trình xét duyệt để trở thành trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đầu tiên ở các xã vùng biên của tỉnh Quảng Nam.

Đỗ Trưởng (TTXVN)