Mô hình dạy và học song ngữ cho học sinh các dân tộc Tây Nguyên
02:28 AM 10/12/2014 | Lượt xem: 2711 In bài viết |Hiện các tỉnh như Ðác Lắc, Kon Tum, Gia Lai đã đưa tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Ê Ðê vào giảng dạy ở hơn 200 trường học từ bậc tiểu học đến các trường THPT dân tộc nội trú. Bên cạnh đó, nhiều lớp dạy tiếng nói, chữ viết cũng được tổ chức, dành cho cán bộ, công chức, những người làm việc trong vùng đồng bào DTTS.
Mô hình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được Trung tâm Nghiên cứu Giáo
dục Dân tộc (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc
UNICEF hỗ trợ, lần đầu tiên đưa vào thực nghiệm trên địa bàn Tây Nguyên từ năm
học 2008 - 2009. Tại Gia Lai, dự án chọn triển khai thí điểm tám lớp học song
ngữ tiếng Gia Rai - Kinh cho 148 học sinh thuộc ba trường tiểu học có tỷ lệ 100%
số học sinh là đồng bào Gia Rai gồm các Trường tiểu học Ngô Mây, Lý Tự Trọng (xã
Ia Der, huyện Ia Grai) và Ia Phí (xã Ia Phí, huyện Chư Pah).
Thầy Puih Mlun, giáo viên Trường tiểu học Lý Tự Trọng cho biết: "Ðối với các
học sinh là người DTTS khi mới bắt đầu đi học, rào cản ngôn ngữ khiến các em bỡ
ngỡ nhưng khi được học bằng tiếng mẹ đẻ, các em thích thú và hiểu bài hơn. Các
em mạnh dạn và tự tin, tiếp thu bài khá nhanh,...". Em Puih H'Tuyết, dân tộc Gia
Rai, học sinh lớp 4B, Trường tiểu học Lý Tự Trọng chia sẻ, bố mẹ thấy em viết
được tiếng Gia Rai vui lắm, nên luôn động viên em đến trường và học thật giỏi...
Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Tự Trọng Dương Thị Thoa cho biết, nhà trường còn
xây dựng một nhà rông nhỏ ngay tại khuôn viên trường. Ðây cũng là không gian
hoạt động ngoài trời để các em có thể tìm hiểu về những lễ hội, nhạc cụ, văn hóa
truyền thống của đồng bào Gia Rai.
Mô hình song ngữ giúp các em tiếp cận với văn hóa của dân tộc mình ngay từ rất
nhỏ. Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Ðào tạo Gia Lai Nhan Thị Hằng Nga cho biết: "Ðây
là một cách phát huy cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ Gia Rai và bảo tồn, phát huy
những nét văn hóa truyền thống của người Gia Rai một cách tự nhiên nhất. Ðó cũng
là một trong những mục tiêu lớn mà ngành giáo dục muốn hướng đến khi áp dụng mô
hình này". Trên thực tế nhờ học song ngữ, bình quân số học sinh DTTS đến trường
tăng 10%/năm; riêng năm học 2014 - 2015, đã thu hút hơn 461.230 học sinh trong
độ tuổi đến trường, chiếm hơn 32% trong tổng số học sinh.
Bài và ảnh: Phan Hòa (Nguồn: Báo Nhân dân)