Điều đáng nói, tại nhiều địa phương, một bộ phận hộ nghèo ở
Nghệ An còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách hỗ
trợ của nhà nước, việc bình xét hộ nghèo có biểu hiện chưa chính xác.
* Nguy cơ tái nghèo
Nghi Quang là xã bãi ngang của huyện Nghi Lộc, 50% dân số là giáo dân. Một bộ
phận người dân trong xã sống bằng nghề đi biển đánh bắt hải sản, một bộ phận
sống bằng nghề thuần nông và nhiều hộ sống bằng nghề buôn bán nhỏ, nhìn chung
đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Những đối tượng hộ nghèo chủ yếu là do
thiếu tư liệu sản xuất (vốn, đất đai), do thiếu lao động, đông người ăn theo,
không có việc làm và do cao tuổi, bệnh tật, ốm đau, sa vào tệ nạn xã hội. Năm
2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 14%, tuy nhiên đến cuối năm 2014, tỷ lệ này giảm
xuống còn 9%.
Ông Nguyễn Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Quang cho biết: Nghi Quang là
địa phương đa ngành nghề như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, đánh
bắt và nuôi trồng khai thác thủy hải sản… Để giảm được 5% tỷ lệ hộ nghèo trong
năm qua, cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực vào
cuộc. Nghi Quang cũng xác định: Đối với người già, người bệnh tật là không thể
xóa nghèo vì họ không có sức lao động mà chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của
nhà nước. Còn đối với đối tượng trong độ tuổi lao động, chính quyền địa phương
đã tích cực xóa nghèo bằng cách mở lớp đào tạo nghề hàn, mộc, điện tử, thú y,
chăn nuôi… để họ đi học nghề. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn làm việc
với các Công ty có Nhà máy đóng tại Khu công nghiệp Nam Cấm để xin cho lao động
địa phương vào làm việc, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và
giảm các tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Thành Vinh là xóm đất chật người đông của xã Nghi Quang, không có đất sản xuất,
trước đây người dân chủ yếu làm nghề khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản. Tuy nhiên,
gần 10 năm nay, do nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, người dân không còn mặn mà
với nghề đi biển mà chuyển sang buôn bán và chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình.
Gia đình bà Trần Thị Hồ là hộ nghèo lâu năm ở xóm Thành Vinh có 7 nhân khẩu. Bà
Hồ năm nay đã trên 80 tuổi, con trai là Nguyễn Xuân Quế và con dâu là Nguyễn Thị
Thủy là lao động chính trong nhà, ngoài ra còn có 4 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi
học. Rất nhiều lần anh Quế, chị Thủy muốn thành lập trang trại vườn-ao-chuồng
nhưng ngặt nỗi không có quỹ đất và cũng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm làm ăn.
Trên địa bàn cũng có vài Nhà máy tuyển lao động địa phương, đang còn sức lao
động nhưng lại thuộc diện “quá tuổi” theo điều kiện tuyển chọn của Nhà máy nên
anh chị không thể vào làm việc. Bởi vậy, để nuôi 4 đứa con ăn học và một mẹ già,
vợ chồng anh chỉ có cách đi làm thuê làm mướn, ai thuê gì làm nấy, không có cách
gì để phát triển nghề bền vững.
Trường hợp anh Nguyễn Văn Việt là hộ nghèo độc thân. Năm nay mới ngoài 40 tuổi
nhưng sau một lần bị tai nạn lao động, anh đã không còn sức lao động để làm các
công việc nặng nhọc. Hàng ngày anh vẫn phải sống dựa vào chu cấp ít ỏi từ người
chị gái và các cháu. “Tôi cũng muốn làm một nghề gì đó phù hợp với sức lao động
của mình, vừa đỡ buồn vừa có thu nhập để nuôi sống bản thân, thế nhưng vẫn không
có cách gì cả”, anh Việt buồn bã nói.
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, tuy nhiên nguy cơ tái nghèo ở địa phương này
vẫn còn cao. Thực tế vẫn còn một số hộ nghèo là những hộ lười làm ăn, không có ý
thức vươn lên thoát nghèo. Khi xã Nghi Quang đưa vào triển khai một số mô hình
tạo công ăn việc làm cho các hộ nghèo để phát triển kinh tế, thoát nghèo, chỉ
sau một thời gian ngắn khi chương trình dự án hết hỗ trợ thì các mô hình ấy cũng
đều tan theo hoặc “chết yểu”. Đơn cử như mô hình mây tre đan xuất khẩu, xã Nghi
Quang đã trích kinh phí từ ngân sách xã 40 triệu đồng để mời thầy về tập huấn,
đào tạo nghề cho 100 lao động, thế nhưng khi học xong người dân cũng không làm.
Hay như mô hình đan lưới, mô hình đánh bắt thủy, nuôi trồng thuỷ sản… do một số
nguyên nhân khách quan từ thời tiết hay sản phẩm không có đầu ra, nên chỉ sau
một thời gian học nghề, làm nghề, do không có môi trường để tồn tại nên người
dân cũng dần dần bỏ nghề.
Không chỉ riêng xã Nghi Quang của huyện Nghi Lộc mới tồn tại thực trạng trên mà
rất nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng có tình trạng tương tự.
Đại bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Nghệ An có nguồn thu chủ yếu từ sản xuất
nông nghiệp. Vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là vùng điều kiện sản xuất canh tác khó
khăn, tưới tiêu không chủ động, năng suất lao động thấp. Vùng miền núi, vùng
đồng bào dân tộc có diện tích đất sản xuất thấp, khó thu hút các doanh nghiệp
đến đầu tư sản xuất kinh doanh. Nghệ An nằm trong vùng thời tiết, khí hậu khắc
nghiệt, thiên tai bão lụt, dịch bệnh thường xảy ra cho nên một số hộ vừa thoát
nghèo năm trước, năm sau bị thiên tai, bão lụt lại tái nghèo trở lại.
Bên cạnh đó, việc nhiều hộ dân nghèo thiếu kiến thức nên việc tiếp cận các tiến
bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, năng suất lao động thấp. Phần
lớn hộ nghèo còn hạn chế trong việc tính toán cách làm ăn, không tích luỹ được
cho tái đầu tư sản xuất kể cả chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ… Một số hộ vẫn nặng
tư tưởng trông chờ vào nguồn lực hỗ trợ của nhà nước để ổn định cuộc sống, thiếu
quyết tâm để thoát nghèo. Một số hộ nghèo mắc các tệ nạn xã hội, nghiện ma túy
nên rất khó để thoát nghèo. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác
giảm nghèo của một số cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị các cấp còn hạn chế, năng
lực một số cán bộ làm công tác giảm nghèo tại một số địa phương còn yếu, nhất là
cấp xã.
Nói về vấn đề này, ông Trần Hữu Lam, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cũng thừa
nhận: Chất lượng xác định đối tượng hộ nghèo và đối tượng thụ hưởng các chính
sách giảm nghèo trên địa bàn huyện Nghi Lộc chưa cao. Hiện nay, việc rà soát hộ
nghèo ở nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng quy trình theo quy định, do đó
danh sách hộ nghèo theo báo cáo của cơ sở vẫn còn một số hộ không đúng thực chất.
Đặc biệt, vẫn tồn tại hiện tượng hộ nghèo không chịu học nghề, ngại ly hương,
chỉ thích đi buôn nhỏ lẻ, tư tưởng trông chờ ỷ lại, lợi dụng các chính sách hỗ
trợ của nhà nước đối với người nghèo, chưa chủ động phát triển kinh tế để tự
vươn lên thoát nghèo. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhưng vẫn
chưa muốn thoát khỏi danh sách hộ nghèo, họ đã “giấu” đi nguồn thu của họ, không
khai báo thật với cán bộ chính sách, với chính quyền địa phương để được hưởng
chính sách ưu đãi của Nhà nước (như trợ cấp gạo, tiền, chính sách học phí, xin
việc làm… cho con em mình). Một bộ phận khác có đi làm việc tại các Khu công
nghiệp thì vẫn không chịu đóng bảo hiểm mà chỉ thích “chân trong chân ngoài”,
thích thì đi làm không thích thì bỏ ra làm ngoài. Bởi thế, nguy cơ tái nghèo và
phát sinh hộ nghèo mới trên địa bàn còn cao.
* Làm gì để xóa đói giảm nghèo bền vững?
Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 22,89% năm 2011 xuống còn 10% -
11% vào cuối năm 2014, bình quân hàng năm giảm 3,02%/năm, số hộ nghèo giảm tương
đương 20.000 hộ/năm. Riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a (Kỳ Sơn, Tương
Dương, Quế Phong) giảm từ 6%-7%/năm. So với cả nước, tốc độ giảm nghèo của tỉnh
Nghệ An nhanh hơn (tỉnh Nghệ An giảm 3,02%/năm, toàn quốc chỉ đạt 2%/năm), tỷ lệ
hộ nghèo của tỉnh Nghệ An ngang với các tỉnh trong khu vực.
Để xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, theo ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Nghệ An đang đẩy mạnh tuyên truyền,
nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo cho các cấp, các ngành và người dân.
Quan trọng nhất là làm cho bản thân người nghèo tự biết vươn lên thoát nghèo là
chính, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, Nghệ An tiếp tục tổ chức tốt công tác điều tra,
rà soát hộ nghèo hàng năm và phân loại hộ nghèo theo từng nhóm hộ nguyên nhân
nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trong đó, cần tách riêng đối tượng hộ
nghèo diện chính sách bảo trợ xã hội như già cả đơn thân, trẻ em mồ côi, người
tàn tật để có chính sách hỗ trợ các đối tượng này ổn định cuộc sống. Song song
đó, Nghệ An thực hiện tốt công tác thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư
sản xuất kinh doanh vào những vùng có điều kiện nhưng kinh tế còn chậm phát
triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao để tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho người
lao động và nhân dân. Xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, chuyển
đổi cơ cấu cây, con hiệu quả kinh tế, giá trị thu nhập cao. Đặc biệt vùng miền
núi đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hộ gia đình, chăn nuôi trang trại, gia trại,
bảo vệ khoanh nuôi, chăm sóc phát triển kinh tế rừng.
Các huyện miền núi và miền biển là địa bàn có nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ
nghèo mới cao. Bởi vậy, Nghệ An đang tập trung huy động và ưu tiên nguồn lực đầu
tư cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, thực hiện Đề án giảm nghèo và nâng
cao mức sống nhân dân vùng miền Tây và ven biển Nghệ An đến năm 2020 để đầu tư
hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống dân
sinh, nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo các vùng này nhanh và bền vững hơn; đẩy
mạnh công tác xã hội hóa huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo,
đặc biệt là công tác vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ, hỗ
trợ ủng hộ người nghèo, xã nghèo.
Ngoài những giải pháp chung của tỉnh, mỗi địa phương lại có chính sách giảm
nghèo riêng như thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội,
đồng thời lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức đoàn thể nhằm
xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Thiếu vốn là một trong
những nguyên nhân chủ yếu của đói nghèo. Việc cung cấp vốn với lãi suất thấp là
một trong những giải pháp cơ bản để giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo một
cách bền vững. Cơ bản các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn và có khả năng sử dụng vốn
đều đã được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống,
từng bước vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Hầu hết các hộ vay vốn đều đúng đối
tượng, sử dụng vốn đúng mục đích và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hàng năm các hộ nghèo đều được cấp Thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí để được khám chữa
bệnh miễn phí. Hệ thống khám chữa bệnh từ huyện đến xã đã được tăng cường đầu tư
về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, thuốc men và đội ngũ y bác sĩ nên đã đáp
ứng được phần nào nhu cầu khám chữa bệnh và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức
khỏe khác của nhân dân nói chung, người nghèo nói riêng. Chính quyền địa phương
cũng đã giao cho UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch lập danh sách hộ nghèo
khó khăn về nhà ở để đề nghị hỗ trợ. Mỗi năm các huyện đã hỗ trợ từ 65-70 hộ với
mức bình quân 10 triệu đồng/hộ.
Thiếu kiến thức cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu của đói nghèo. Nghệ
An đã triển khai nhiều lớp tập huấn truyền thụ kinh nghiệm, chuyển giao kiến
thức, mô hình trình diễn, qua đó cung cấp cho người nghèo kiến thức, kinh nghiệm
làm ăn để vươn lên thoát nghèo, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, cách làm ăn cho
người nghèo.
Khuyến khích người nghèo tham gia vào các hoạt động cộng đồng, tham gia xây dựng
kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp để họ tự vươn lên thoát khỏi đói
nghèo, bên cạnh đó chính quyền địa phương cũng xây dựng mối quan hệ hợp tác với
doanh nghiệp trên địa bàn để đào tạo lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp,
giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn./.
Các từ khóa theo tin:
Bích Huệ (Nguồn: TTXVN)