Đưa lúa nước hai vụ lên đỉnh núi

04:54 AM 22/12/2014 |   Lượt xem: 1919 |   In bài viết | 

Năm 2010, phát hiện ra những thung lũng thấp trên dưới 700 mét có thể trồng lúa nước vụ đông xuân, cán bộ nông nghiệp huyện Phong Thổ đã lập dự án phối hợp với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu giúp dân trồng thêm những ha lúa vụ đông xuân.

Đóng hàm sĩ quan cấp tá, Đội trưởng Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 (gọi tắt là Đội sản xuất số 1) của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 đóng tại khu vực 8 xã biên giới Bắc Dào San nhưng Trung tá Nguyễn Văn Thời không phải là tuýp cán bộ…chỉ tay năm ngón.

Vừa dẫn chúng tôi xuống mảnh ruộng của anh Ly Thò Dé, người Hà Nhì, bản Hoang Thèn, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, trung tá Thời chạy loanh quanh chỉ đạo một hồi, thoắt cái, anh đã cởi bỏ ngay bộ quân phục còn nếp đang mặc ngoài, xắn quần áo, rồi đánh trâu xuống ruộng cày bừa ngay. Các chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện của Đội cũng tuần tự, người thì đi nhổ mạ, người thì xuống ruộng cấy cùng bà con…

Trưởng bản Hoang Thèn Lý A Gì tâm sự, hồi đó anh đã được cán bộ tuyên truyền, nghe ra hiểu ra rồi, nhưng đến khi xuống nói với dân bản thì ai cũng lắc đầu vì sợ mạ chết rét, vì ngại ngùng không quen, không tin tưởng...Quyết không bỏ cuộc, Đoàn 356 cử một tổ công tác xuống lập lán tại bản Hoang Thèn, mượn đất của dân rồi trồng thử.

Những ngày rét, các chiến sĩ phải căng bạt, ni lon để giữ cho mạ mới cấy khỏi chết rét. Đến vụ thu hoạch, Đoàn lại huy động chiến sĩ xuống gặt rồi…cho dân thóc. Bà con sung sướng và tin nghe lời cán bộ nông nghiệp, cán bộ Đoàn 356.

Năm sau, số hộ tham gia trồng lúa đông xuân tăng lên 12ha. Cho đến vụ 2013 – 2014, cả hai xã Vàng Ma Chải và Ma Ly Chải đã có 80 hộ dân tham gia trồng lúa đông xuân trên diện tích khoảng 30ha. Phòng Nông nghiệp huyện Phong Thổ tham mưu giống và hỗ trợ kỹ thuật, Đoàn 356 hỗ trợ giống, phân bón và cả nhân lực. Mỗi hộ tham gia trồng trung bình được thu thêm trên một tấn thóc/1vụ.

Trước đây, xã Ma Ly Chải và Vàng Ma Chải là hai xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, nay đều giảm xuống chỉ còn 48% hộ nghèo, một phần cũng nhờ trồng thêm được vụ lúa đông xuân…

Bên mảnh ruộng sắp thu hoạch được cán bộ chiến sĩ Đoàn 356 giúp đỡ trồng lúa hai vụ, anh Ly Thò Dé, người Hà Nhì ở bản Hoang Thèn, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ phấn khởi cho biết, vụ xuân hè năm ngoái, nhà tôi thu được 30 bao thóc, mỗi bao 50kg, tất cả là tấn rưỡi, cộng với lúa vụ mùa nữa thì thừa ăn.

Gia đình tôi đã có thêm điều kiện để mua sắm vài thứ đồ dùng cho gia đình, cuộc sống khá lên rất nhiều. Vậy mà từ xưa đến nay, bà con trong bản cứ bỏ không ruộng mùa khô, lên rừng xuống suối mót được cái gì ăn cái nấy, phí đất quá mà đói vẫn hoàn đói…

Tại Lai Châu, diện tích đất vùng cao có thể trồng lúa hai vụ được vẫn còn khá nhiều, nhưng mới chỉ khai thác được ở một số vùng như xã Sơn Bình, xã Tả Lèng, xã Khun Há (huyện Tam Đường); một số xã thuộc khu vực 8 xã bắc Dào San (huyện Phong Thổ) với độ cao 600 - 700m. Trong số diện tích trồng lúa của toàn tỉnh Lai Châu là 19.700 ha, thì mới chỉ có 6.200 ha trồng được lúa hai vụ.

Theo ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu thì nếu chương trình mở rộng vụ lúa đông xuân trên vùng cao được phát triển đồng đều, thì ước tính có thể được thêm khoảng 1.500 ha ruộng thâm canh hai vụ.

Cái khó đầu tiên của việc trồng lúa hai vụ trên vùng cao là việc chống rét. Bởi vụ đông xuân thường xuất hiện rét đậm, rét hại khiến cây lúa non bị chết rét, hoặc sinh trưởng chậm, khiến ảnh hưởng đến thời gian gieo cấy vụ mùa. Để đối phó với khó khăn tự nhiên này thì những giống lúa chịu lạnh được ưu tiên thử nghiệm.

Nhưng còn có một khó khăn hơn cả khó khăn tự nhiên đó là…khắc phục thói quen trồng lúa một vụ ngàn đời của bà con dân tộc thiểu số ở những vùng này. Để thực hiện việc vận động đó, thì tất cả cấp ủy, chính quyền, bộ đội, biên phòng đều phải vào cuộc, vận động bà con, miệng nói, tay làm, tất cả xuống đồng như các Đội sản xuất của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 đã thực hiện…

Quang Duy (TTXVN)