Đổi thay ở Cư Pơng giữa đại ngàn Tây Nguyên

09:53 AM 20/01/2015 |   Lượt xem: 1801 |   In bài viết | 

Phát huy truyền thống vẻ vang trong quá khứ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng ủy xã, Cư Pơng-địa bàn có nhiều đồng bào Êđê sinh sống, hiện là điểm sáng về phát triển kinh tế, xã hội bền vững, đời sống đồng bào không ngừng được nâng cao, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo. 

Quá khứ hào hùng
 
Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ xã Cư Pơng, từ những năm 1940, đồng bào Êđê ở Cư Pơng đã giác ngộ cách mạng. Lúc này, tuy đời sống vô cùng nghèo nàn, lạc hậu nhưng đồng bào Cư Pơng đã đoàn kết, cùng chung “một bụng” để cống hiến sức người, sức của cho cách mạng. 
 
Căn cứ địa cách mạng Cư Pơng ngay từ cuối năm 1945 đã thành lập được các tổ chức đoàn thể như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Mặt trận cứu quốc, đội quân du kích... Với tinh thần một lòng theo cách mạng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, người dân Cư Pơng đã anh dũng ngoan cường, kiên trung bất khuất nuôi giấu cán bộ, giữ vững cơ sở, tiếp tế hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho bộ đội. 
 
Trong quá trình đấu tranh vũ trang, quân và dân Cư Pơng cùng với các lực lượng khác đã phá ấp chiến lược, giải phóng cho hàng ngàn người dân, tiêu diệt trên 163 tên địch, làm bị thương hàng trăm tên khác, đốt cháy 1 xe quân sự, thu gần 196 khẩu súng các loại, cùng nhiều quân trang, quân dụng. 
 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bọn tàn quân Fulrô tiếp tục quấy rối làm mất an ninh chính trị ở một số nơi. Thế là quân và nhân dân Cư Pơng lại tiếp tục đánh dẹp đám tàn quân Fulrô này và tiêu diệt tổng cộng 25 tên, đồng thời, đấu tranh, vận động, gọi hàng hàng chục tên khác, bóc gỡ hết các cơ sở Fulrô cài cắm ở các buôn làng mang yên bình đến cho đồng bào Cư Pơng. 
 
Với những thành tích đã đạt được trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân và lực lương vũ trang Cư Pơng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994.
 
Rạng danh hiện tại
 
Bí thư Đảng uỷ xã Cư Pơng Y Kha Mlô khẳng định, nếu trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Cư Pơng cùng nhau đoàn kết một lòng đi theo Đảng, đứng lên đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ buôn làng, thì ngày nay đồng bào càng phát huy được tinh thần đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi đói nghèo. 
 
Thực tế, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như các buôn làng khác ở Tây Nguyên, cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo bám với đồng bào. Thế là Đảng, Chính phủ, mà cụ thể là các cấp lãnh đạo ở tỉnh Đắk Lắk đã xuống cùng với Đảng bộ, chính quyền xã Cư Pơng mở các công trường khai hoang xây dựng cánh đồng, đầu tư xây dựng trên 11 công trình thủy lợi, hướng dẫn đồng bào đi vào định canh định cư, đưa các giống cây, con có năng suất, hiệu quả kinh tế vào gieo trồng, chăn nuôi giúp đồng bào từng bước cải thiện đời sống. 
 
Đặc biệt, hơn 10 năm trở lại đây, Cư Pơng đã thực hiện khá tốt việc lồng ghép các chính sách, dự án trong các chương trình mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ như Quyết định 132, 134 như giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, Chương trình 135, 167, 168…để ưu tiên nguồn lực đầu tư nhằm tạo điều kiện cho trên 2.100 hộ gia đình, với hơn 10.000 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, Gia rai… ở 18 thôn, buôn nhanh chóng chủ động đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Hiện nay, Cư Pơng có trên 3.500 ha cà phê kinh doanh, hàng trăm ha cao su, hồ tiêu, cánh đồng gieo sạ lúa nước…, mỗi năm đạt tổng giá trị sản xuất hàng trăm tỷ đồng. 
 
Theo báo cáo, trên 90% số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, trong đó, có 20% số hộ thuộc diện giàu có (giàu có theo tiêu chuẩn ở đây là thu nhập từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, có nhà biệt thự, xe du lịch 4-7 chỗ ngồi…). 
 
Đi đến đâu trong những ngày này, trên địa bàn Cư Pơng cũng bắt gặp các vườn cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn quả… đang lên xanh mướt, nhà kho, sân phơi nhà nào cũng đầy ắp cà phê. 
 
Anh Y Huắt Êban ở buôn A Drơng Lớn hồ hởi cho biết, trước đây gia đình cũng nghèo lắm, sản xuất chỉ biết chọc lỗ tra hạt, mỗi năm gieo một vụ lúa rẫy, được chăng hay chớ nên đói cơm, nhạt muối quanh năm. 
 
Thế rồi, được Đảng, Chính phủ quan tâm, anh cấp đất sản xuất, được hướng dẫn chuyển đất nương rẫy gieo trồng lúa cạn năng suất thấp sang trồng cà phê, cộng với chịu khó học hỏi, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cây cà phê của khuyến nông mở trên địa bàn. 
 
Khi về, anh liền áp dụng ngay trên vườn cà phê của mình, từ chỗ cái tay cái đầu chưa quen dần dần anh thành thục áp dụng các biện pháp thâm canh cây cà phê từ khâu chọn giống, đào hố, trồng âm, tưới nước, cắt, tỉa cành… 
 
Đặc biệt, anh Y Huắt Êban còn cho biết thêm, mỗi niên vụ anh còn bón bổ sung thêm từ 10 đến 15 kg phân chuồng ủ hoai mục/ cây và tăng thêm lượng phân hóa học chia làm 3 đợt: đầu mùa mưa, giữa, cuối mùa mưa, nuôi thêm cành hữu hiệu, cắt bỏ chồi vượt, cành sâu bệnh, hoặc cành ra quả những năm trước chỉ còn 2- 3 cặp lá ở đầu cành…
 
Nhờ vậy, với vườn cà phê 3,5 ha, niên vụ nào, anh Y Huắt Êban cũng thu hoạch được từ 21 đến 23 tấn cà phê nhân, doanh thu từ 800 đến 900 triệu đồng, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã, của huyện.
 
Anh Ama Hậu ở buôn Adrơng Điết cũng vui vẻ cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ), đầu những năm 1990, sau khi lập gia đình chuyển về định canh, định cư ở Cư Pơng. Ngoài 1 ha đất nương rẫy do một số hộ gia đình ở đây nhường lại để gieo trồng cây lúa rẫy, cây ngô để có cái “no” cái bụng, Ama Hậu còn nhận chăm sóc, quản lý, bảo vệ 10 ha rừng của Lâm trường Cư Pơng... 
 
Khi Lâm trường giải thể, anh quay về lo chuyện kinh tế gia đình, từ chỗ 1 ha lúa rẫy chuyển sang trồng cà phê có của ăn, của để, Ama Hậu tích cóp dần dần, nói như người Kinh là lấy ngắn nuôi dài để mở rộng diện tích tăng lên trên 4,5 ha. 
 
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, tăng cường học hỏi kỹ thuật thâm canh cây trồng, nhất là cây cà phê, cây ăn quả, hồ tiêu của đồng bào Kinh, đọc thêm tài liệu, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cà phê, hồ tiêu do các cấp Hội Nông dân phối hợp với Khuyến nông tổ chức, Ama Hậu trở thành một trong những nông dân tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí thu lãi từ 300 triệu đồng trở lên. 
 
Theo Ama Hậu dự tính, sang năm 2015, nếu thời tiết thuận lợi, với 900 gốc tiêu (gần 1 ha) và hơn 4,5 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh, với thời giá như hiện nay, thì sau khi trừ các khoản chi phí cũng còn thu lãi từ 500 triệu trở lên, sẽ được gia nhập vào “câu lạc bộ” những người giàu có của xã …
 
Hiện nay, sản xuất dù trên đồng ruộng hay trên nương rẫy ở Cư Pơng không còn cảnh chọc lỗ tra hạt hoặc con trâu đi trước cái cày đi sau mà đã thay vào đó là máy cày, máy xới làm việc, bà con nông dân đi xe máy tay ga, xe số loại "xịn” hoặc ô tô ra cánh đồng. 
 
Khi thu hoạch, đồng bào đưa xe ô tô tải, hoặc xe máy cày vận chuyển hàng hóa, nông sản cà phê, cao su, hồ tiêu chạy bon bon trên các tuyến đường thôn, buôn được láng nhựa, trải cấp phối để về sân phơi, nhà kho. 
 
Nhà nào cũng được sử dụng điện lưới quốc gia. Đặc biệt, đồng bào đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để đưa điện về phục vụ tưới cho cây cà phê thay cho tưới dí, vừa giảm được công lao động vừa tăng độ đồng đều về nước cho cây cà phê để đạt năng suất cao…
 
Ở Cư Pơng, hầu hết các cháu trong độ tuổi đều được đến trường và học ở các ngôi trường xây dựng khang trang, ốm đau, bệnh tật, đồng bào được các y, bác sĩ ở Trạm y tế xã chăm sóc tận tình,chu đáo, các đội cồng chiêng ở các buôn làng cứ đến mùa lễ hội hay các dịp lễ, Tết đều mang ra trình diễn phục vụ cho cộng đồng…
 
Với bề dày truyền thống cách mạng, đồng bào Cư Pơng càng chung tay hăng say lao động sản xuất để nông thôn mới Cư Pơng ngày càng hiện hữu, xứng danh là địa phương Anh hùng giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Quang Huy (TTXVN)