Gia đình chị Thạch Thị Thiên ở ấp
Cần Giờ 1, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, là một trong những hộ thoát nghèo nhờ mô
hình chăn nuôi bò sữa, kết hợp với trồng lúa và cây màu.
Trước đây kinh tế gia đình chị Thiên rất khó khăn. Do ít đất sản xuất, lại không
có vốn, nên cái nghèo cứ đeo bám. Hơn 1 năm trước, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tham
Đôn đã làm cầu nối, giúp gia đình chị được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội
30 triệu đồng để đầu tư mua bò sữa về nuôi.
Nhiều nông hộ ở Sóc Trăng thoát nghèo từ nuôi bò sữa.
Nhờ được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cộng với tính cần cù, chịu khó,
đàn bò sữa của gia đình chị Thiên đã nhanh chóng phát triển và mang lại hiệu quả.
Đến nay, bò đã cho sữa được 3 tháng. Mỗi tháng trừ chi phí, gia đình lãi hơn 5
triệu đồng. Từ lợi nhuận của bò sữa, kết hợp sản xuất lúa, cây màu trên diện
tích của gia đình, cuộc sống đã khấm khá hơn trước nhiều.
Còn gia đình chị Sơn Thị Thương hiện sống trong ngôi nhà khang trang, nhưng ít
ai biết rằng gần 10 năm trước, đây là một trong những hộ nghèo nhất của ấp Phnô
Cam Bốth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên. Gần 20 năm lập gia đình, nhưng do không
có đất sản xuất, nên dù vợ chồng chị chăm chỉ làm thuê, làm mướn quanh năm vẫn
thiếu trước hụt sau.
Năm 2010, gia đình chị được Hội Phụ nữ xét cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã
hội 3 triệu đồng, chị Thương cùng gia đình quyết định thuê đất sản xuất, thực
hiện tiết kiệm, lấy công làm lời để vươn lên. Chị Thương cho biết: Được vay 3
triệu đồng, gia đình mướn 2 công đất, mỗi công 1.300m2 để làm ruộng. Lợi nhuận
từ vụ thu hoạch đầu tiên, hai vợ chồng tiếp tục mướn đất sản xuất, cứ thế, lấy
công làm lời, hai vợ chồng càng có vốn để phát triển sản xuất và mua được ruộng
để ổn định sản xuất.
Giờ đây, gia đình chị Sơn Thị Thương không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên là
một trong những hộ khá giả nhất trong phum sóc với hơn 11 ha đất ruộng và 1 ha
đất rẫy.
Thành công của chị Thiên và Thương là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, cùng
nhau vượt khó, vươn lên thoát nghèo, góp phần vào sự phát triển kinh tế ở địa
phương của người phụ nữ Khmer vùng sâu, vùng xa.
Bài và ảnh: Chanh Đa (Nguồn: baotintuc.vn)