Cần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nhận quản lý, bảo vệ rừng

08:54 AM 09/04/2015 |   Lượt xem: 1625 |   In bài viết | 

Tuy Đức là huyện vùng biên giới, mới thành lập của tỉnh Đắk Nông. Huyện còn trên 50% diện tích rừng, tuy nhiên rừng nơi đây đã bị suy thoái do nạn khai thác lâm sản quá mức và tình trạng phát rừng làm nương rẫy tràn lan. Khảo sát thực tế các buôn người dân tộc M’Nông tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã lắng nghe các ý kiến của già làng, thôn trưởng và người dân về những bất cập trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Hiện ở Quảng Tâm có 120 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán hơn 1.000 ha rừng để quản lý và bảo vệ. Tuy nhiên, những chính sách đối với người nhận quản lý, bảo vệ rừng hiện còn nhiều bất cập, nhất là thu nhập của bà con còn thấp. Hiện mỗi hộ nhận quản lý, bảo vệ rừng được nhận số tiền 2,5 triệu đồng mỗi năm. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tỉnh Đắk Nông và huyện Tuy Đức cần tìm ra giải pháp để giúp bà con dân tộc thiểu số nhận quản lý, bảo vệ rừng có mức thu nhập cao, cải thiện đời sống. 
 
Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần chọn lựa những loại cây trồng dài ngày, phù hợp với môi trường sinh thái, điều kiện thổ nhưỡng để người dân có thể trồng xen vào khu rừng của mình quản lý, hoặc cho phép bà con canh tác, sản xuất ở phần đất sát bờ suối, những nơi có độ dốc thấp và canh tác các loại cây trồng, vật nuôi dưới tán rừng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Đời sống của người nhận quản lý, bảo vệ rừng phải được đảm bảo trung bình hoặc khá hơn với những hộ khá, có như vậy bà con mới gắn bó với rừng và rừng mới được bảo vệ tốt". 
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến thăm và khảo sát vườn ươm cây giống của Công ty Cổ phần Mắc ca Nữ hoàng tại xã Quang Tâm. Sau khi nghe đại diện công ty và lãnh đạo địa phương báo cáo thực tế về 400 ha mắc-ca đã trồng và bắt đầu cho trái bói, cũng như việc tiếp tục triển khai trồng gần 200 ha các loại giống mắc-ca mới, Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo địa phương, các ngành chức năng cũng như nông dân cần thận trọng trong việc phát triển loại cây trồng này. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: "Chính quyền cần phổ biến kỹ thuật cho người dân biết khi chọn giống, không được chạy theo phong trào vì cây mắc-ca đầu tư rất nhiều tiền, mất 6 năm mới cho thu hoạch, không chọn đúng chủng loại thì nguy hiểm, gây lãng phí và thiệt hại rất lớn. Nhà nước đã có vai trò định hướng, doanh nghiệp phải làm tốt việc kết nối thị trường với người dân". 
 
Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã trồng gần 1.500 ha mắc-ca, trong đó có gần 600 ha đã cho thu quả bói, nhưng chưa khảo sát hiệu quả. Chủ trương của tỉnh sẽ phát triển cây trồng này, đến năm 2020 tăng diện tích lên 14 nghìn ha. Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, trước mắt phải khẳng định được cây mắc-ca có hiệu quả hay không cần triển khai các mô hình thử nghiệm có hiệu quả mới phát triển trên diện rộng. Hiện tại, Đắk Nông chưa có chính sách khuyến khích người dân đẩy mạnh việc trồng cây mắc-ca. 
 
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thăm và kiểm tra tiến độ thi công tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ; Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông. Phó Thủ tướng chỉ đạo, cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trong mùa khô để thi công nhà máy trong mùa mưa sắp tới, phấn đấu đến đầu năm 2016 Đắk Nông sẽ có sản phẩm Alumin đầu tiên. 
 
Cũng trong chiều 8/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thăm và kiểm tra dự án mở rộng, nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông./. 

Ngọc Minh/TTXVN