Anh Xuyến cho biết, ngày mới cưới nhau, 2 bên gia đình đều nghèo, nên vợ chồng
anh phải đi làm thuê, làm mướn vất vả, cũng không đủ ăn, nghèo vẫn nghèo. Với
quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, gia đình anh đã mạnh dạn tín chấp ngôi nhà để
vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đầu tư phát triển kinh tế.
Từ 7 triệu đồng vốn, cộng với số tiền 14 triệu đồng vay mượn thêm bạn bè, người
thân, anh Xuyến đầu tư mua 3 con trâu. Nhận thấy ở trên bản không có đất rộng để
chăn nuôi và có nguy cơ mắc dịch cao, anh đã chuyển xuống khu đất nương của gia
đình để tiện chăm sóc. Cùng với đó, anh đầu tư chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt, khai
hoang ruộng, trồng rau màu…
Không quản khó khăn, gian khổ, 2 vợ chồng anh Xuyến thay nhau chăm sóc đàn trâu
và gia cầm của gia đình, đẩy mạnh trồng rau màu với các loại rau: Cải, rền, cà
chua, khoai lang, ngô… mùa nào thức nấy, vừa bán ra thị trường tăng thêm thu
nhập, vừa để nấu cám phục vụ chăn nuôi. Thường xuyên phòng chống dịch bệnh, nên
đàn gia cầm nhà anh Xuyến phát triển tốt, lứa đầu, thu về hơn chục triệu đồng
tiền lãi. Ruộng bắp cải cũng kiếm được thêm 5 - 6 triệu đồng. Có thêm vốn, anh
Xuyến tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng, tăng đàn, mua thêm máy thái rau.
Hiện nay, anh chị có 8.000 ha ruộng rau khai hoang, hàng trăm con gà, vịt, mỗi
năm xuất bán trên 5 tấn lợn/năm. Trừ tri phí ước tính thu về 50 - 60 triệu
đồng/năm. Đến cuối năm 2014, anh chị đã thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá
trong bản.
Anh Lò Văn Xiên, Trưởng bản Phiêng Luông 1 nhận xét: “Gia đình anh Xuyến là hộ
điển hình về thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình, xứng đáng để mọi người
học tập và làm theo...”.
Bài và ảnh: Trần Hải (Nguồn: baotintuc.v)