Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật trưng cầu ý dân
05:38 AM 13/05/2015 | Lượt xem: 2050 In bài viết |
Đối với Luật trưng cầu ý dân
Trình bày Tờ trình, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết,
Dự thảo Luật trưng cầu ý dân gồm 9 chương, 56 điều. Trưng cầu ý dân là một
phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với
các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Trưng cầu ý dân
đã được thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp
trong xã hội hiện đại và rất nhiều nước (167/214, tức là khoảng 78% quốc gia và
vùng lãnh thổ) đã có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng
về kinh tế và chính trị với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban
hành Luật trưng cầu ý dân là cần thiết, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham
gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng
của đất nước, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần bảo đảm
sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật trưng cầu ý dân và xem xét
báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về
bảo hiểm xã hội một lần chiều 12/5. Ảnh: Đỗ Thoa
Theo Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật trưng cầu ý dân của Ủy ban Pháp luật, dự
thảo Luật quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi toàn
quốc (Điều 7). Qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung quy định
của dự thảo Luật vì điều này thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý
dân và tổ chức việc trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội; đồng thời phù hợp
với nguyên tắc các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề có tầm
quan trọng lớn, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, quyền và lợi ích hợp
pháp của đông đảo nhân dân trong xã hội.
Đối với các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc
vùng lãnh thổ nhất định thì hiện nay pháp luật đã quy định cơ chế bảo đảm có sự
tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động. Tính chất và giá trị pháp
lý của các hình thức lấy ý kiến nhân dân theo nhóm đối tượng hay địa bàn này
khác so với trưng cầu ý dân thực hiện trên quy mô toàn quốc. Do đó, đề nghị
trong Luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến
hành ở phạm vi địa phương.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, có những vấn đề hệ trọng của quốc gia do
Quốc hội quyết định nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận dân cư
hay tác động trực tiếp đến một hoặc một số địa phương nhất định. Vì vậy, nếu chỉ
quy định phạm vi trưng cầu ý dân được thực hiện trên toàn quốc là chưa đầy đủ,
phù hợp, đề nghị dự thảo Luật quy định trưng cầu ý dân có phạm vi trên toàn quốc
nhưng cũng quy định mở để trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể quyết định
trưng cầu ý dân ở một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về vấn
đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội tác động trực tiếp đến các địa
phương này.
Cho ý kiến vào Dự án Luật trưng cầu ý dân, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ
Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật, thể hiện quyền dân chủ trực tiếp
của nhân dân và triển khai các quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, qua
thảo luận nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quy định rõ những vấn đề nào đưa ra
trưng cầu ý dân, cũng như thẩm quyền của Quốc hội trong việc trưng cầu ý dân;
giá trị pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân.
Đại biểu Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho
rằng, việc ban hành Luật trưng cầu ý dân là cần thiết, nhưng cần có quy trình
thực hiện. Việc tổ chức trưng cầu ý dân cũng cần được tổ chức chặt chẽ, hợp lý
nhằm thể hiện đầy đủ ý kiến của người dân.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thẳng thắn: “Có một số việc không thể
trưng cầu ý dân được, chẳng hạn các vấn đề liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ
quốc gia, hoặc vai trò lãnh đạo của Đảng”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị
Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm “xin ý kiến dân” và “trưng cầu ý dân”. Luật
này chưa thể hiện được sự khác nhau đó.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Ksor Phước, ông Hiển cho rằng các việc trưng
cầu ý dân là việc vượt qua thẩm quyền của Quốc hội hoặc thuộc thẩm quyền Quốc
hội nhưng nếu Quốc hội quyết định thì chưa đủ sức mạnh pháp lý. “Nếu đã trưng
cầu ý dân thì Quốc hội phải quyết định theo ý kiến của nhân dân”, ông Phùng Quốc
Hiển bày tỏ.
Bên cạnh đó, ông Hiển cho rằng vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và vai trò lãnh đạo của
Đảng tuyệt đối không phải trưng cầu ý dân. Điều này cần ghi và khẳng định trong
Luật.
Thống nhất sự cần thiết ban hành luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn
nhấn mạnh: “Chúng ta tuy chưa có luật về trưng cầu ý dân, nhưng đã tổ chức lấy ý
kiến nhân dân nhiều lần, vậy cần làm rõ sự khác biệt về giá trị pháp lý, chứ
không chỉ là cách thức.
Về phạm vi trưng cầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, có những
việc không cần thiết trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước, nên nghiên cứu khoanh
định rõ, tránh tiến hành tràn lan, lãng phí, mất công. Ông cũng lưu ý thêm: “Kết
quả trưng cầu ý dân chỉ có giá trị thực hiện khi có trên 2/3 phiếu thuận; vậy
nếu không đủ 2/3 phiếu thuận thì sau đó có tiếp tục tiến hành trưng cầu lại và
nếu có thì sau bao lâu”?
Tuy nhiên, về phạm vi trưng cầu ý dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại
ủng hộ phương án của dự thảo: “Trưng cầu ý dân nên tiến hành trên phạm vi cả
nước, ngay cả trong trường hợp chỉ liên quan trực tiếp đến một khu vực. Ví dụ
việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử, phải được xem xét trên quan điểm lợi ích
quốc gia chứ không nên nói là vì nhà máy xây dựng ở Bình Thuận nên chỉ cần trưng
cầu ý kiến nhân dân khu vực đó”. Ông Uông Chu Lưu cũng đề nghị chú trọng đến vai
trò giám sát của báo chí trong quá trình trưng cầu ý dân.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng luật cần
phải thể hiện rõ những việc trưng cầu ý dân và phạm vi. “Loại vấn đề đưa ra
trưng cầu là loại việc thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nhưng Quốc hội
thấy rằng cần thiết phải để dân trực tiếp quyết định. Khi trưng cầu ý kiến của
nhân dân thì phải để dân quyết định chứ Quốc hội không quyết định nữa. Do đó,
sau khi trưng cầu, ý dân phải là quyết định cuối cùng” – Chủ tịch Quốc hội khẳng
định.
Đối với quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
Điều 60 quy định, người lao động không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau khi
nghỉ việc như luật hiện hành mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm
dứt hợp đồng, người lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc
làm... Đến khi người lao động trở lại làm việc, thời gian đóng bảo hiểm xã hội
sẽ được cộng dồn, tích luỹ đủ để đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu theo quy
định. Không đồng tình với quy định trên, đầu năm 2015, hàng nghìn lao động tại
một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh đã ngừng việc tập thể để phản đối. Lãnh đạo
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phải đối thoại với công nhân, cam kết tiếp
thu những góp ý và kiến nghị sửa luật.
Tại phiên họp chiều nay, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị
Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo
hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian
đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục
đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc
tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm
xã hội năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối
với cả người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Việc sửa đổi như trên sẽ tạo sự linh hoạt trong giải quyết bảo hiểm xã hội một
lần, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã
hội ngắn có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống trước
mắt. Tuy nhiên, nếu người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần thì khi hết tuổi
lao động sẽ không có điều kiện để được hưởng lương hưu hàng tháng, không bảo đảm
ổn định cuộc sống khi về già, không bảo đảm an sinh xã hội và tạo thêm gánh nặng
cho ngân sách Nhà nước trong việc hỗ trợ những người không có lương hưu. Chính
vì vậy, cùng với việc sửa đổi như trên Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan
chức năng tăng cường tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ các lợi
ích của việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo đảm cuộc sống khi về
già để hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Cho ý kiến về vấn đề này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định
đây là chủ trương, chính sách pháp luật đúng, tuy nhiên cần phân tích nguyên
nhân, sớm hoàn thiện để phù hợp với nhu cầu và thực tế hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, quan điểm mục tiêu khi
xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội ở Điều 60 là đúng đắn. Việc phản ứng của một số
doanh nghiệp là cá biệt, nhưng dù nguyên nhân nào cũng cần bình tĩnh đánh giá,
sửa chữa, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu người lao động./.
Đỗ Thoa (Nguồn: CPV)