Nhìn lại 6 năm thực hiện chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc
08:55 AM 19/05/2015 | Lượt xem: 2205 In bài viết |Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, đã khẳng định đây là một chủ trương lớn, một quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân, được nhân dân nói chung đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số mong đợi và tích cực tham gia; đã và đang thực hiện đạt kết quả trên nhiều mặt.
Thành tựu ấn tượng
Vào thời điểm cuối năm 2006, trong khi tỷ lệ nghèo chung của cả nước chỉ còn
18,1% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2005-2010 (200.000 đồng/người/tháng khu vực
nông thông và 260.000 đồng/người/tháng khu vực thành thị) thì cả nước vẫn còn 61
huyện có tỷ lệ nghèo trên 50%, trong đó có những huyện tỷ lệ hộ nghèo tới trên
70%. Đây là những huyện miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh
sống, điều kiện kinh tế xã hội hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, để tập
trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, nhằm thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững,
cải thiện đời sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa các huyện này với các
vùng khác, ngày 27/12/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về
Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 64
huyện do quá trình điều chỉnh địa giới hành chính các huyện nghèo và thành lập
các huyện mới).
Mục tiêu chung mà Nghị quyết 30a đặt ra là tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời
sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các
huyện nghèo, bảo đảm đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực. Mục
tiêu cụ thể là đến năm 2010 giảm tỷ lệ nghèo xuống dưới 40%, cơ bản không còn hộ
dân ở nhà tạm, đẩy mạnh một bước xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đến năm
2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống ngang bằng mức trung bình của tỉnh, bước đầu phát
triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô vừa và nhỏ, người dân tiếp
cận được các dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi; đến năm
2020 giảm tỷ lệ nghèo xuống ngang bằng mức trung bình của khu vực; nâng cao đời
sống của người dân ở các huyện nghèo lên gấp 5-6 lần so với năm 2006, phấn đấu
có khoảng 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các
chính sách giảm nghèo chung, Chính phủ đã ban hành 4 nhóm chính sách đặc thù hỗ
trợ các huyện nghèo (chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho
các hộ nghèo; chính sách hỗ trợ trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân
trí; chính sách thu hút, tăng cường cán bộ cho các xã nghèo, huyện nghèo; chính
sách và cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng đối với huyện nghèo và các xã, thôn bản đặc
biệt khó khăn); ban hành cơ chế, chính sách đặc thù; huy động sự tham gia của cả
hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, sau 6 năm thực hiện Nghị
quyết đã khẳng định đây là một chủ trương lớn, một quyết sách đúng đắn của Đảng
và Nhà nước, hợp lòng dân, được nhân dân nói chung đặc biệt là đồng bào các dân
tộc thiểu số mong đợi và tích cực tham gia.
Về kết quả giảm nghèo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho hay, đến cuối năm 2010,
tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 62 huyện nghèo đã giảm xuống còn 35% theo chuẩn
nghèo cũ (bình quân giảm 5%/năm), đạt mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo
xuống mức dưới 40%. Trong đó, có 40/62 huyện đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ
nghèo cuối năm 2010 xuống dưới 40%; chỉ còn 22 huyện thuộc 6 tỉnh có tỷ lệ hộ
nghèo trên 40% là Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam và Ninh
Thuận.
Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2014 của các huyện nghèo cơ bản đều đạt mức giảm
bình quân khoảng 6%/năm, cao hơn mục tiêu 4% của Nghị quyết 30a. Chương trình
mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 đặt mục tiêu phấn đấu
đến cuối năm 2015 có 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn,
thì đến nay theo đánh giá sơ bộ đã có 8/64 huyện (chiếm hơn 12%) có tỷ lệ hộ
nghèo ngang bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo
bình quân của 64 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả
nước. Tại một số huyện, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao trên 50%, cá biệt có huyện
cao trên 60-70%. Điều này cho thấy kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ
lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng; số hộ nghèo dân tộc
thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo (do trên địa
bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số); hệ thống cơ sở hạ tầng đã được quan
tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và địa phương, cơ cấu sản
xuất, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm.... Đến nay, tuy có 8 huyện tỷ lệ hộ
nghèo đã đạt mức ngang bằng với tỷ lệ nghèo chung của tỉnh nhưng hạ tầng cơ sở,
nhất là giao thông, sản xuất và đời sống vẫn còn nhiều khó khăn.
Khắc phục tình trạng chồng chéo chính sách
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, mục tiêu giảm nghèo thời gian tới là
phấn đấu đến cuối năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo
ngang bằng mức trung bình của tỉnh; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt
trên 40%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 14-15 triệu đồng/người/năm, có ít
nhất 6 huyện cơ bản thoát khỏi tình trạng huyện nghèo.
Đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo ngang bằng
mức trung bình của khu vực; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%;
thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2015; có ít nhất 50% số
huyện nghèo thoát khỏi tình trạng huyện nghèo.
Để đạt được mục tiêu trên, nhiều giải pháp đã được đặt ra. Một trong những giải
pháp quan trọng là trên cơ sở chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp
dụng trong giai đoạn 2016-2020, xây dựng tiêu chí rà soát, đánh giá để xác định
đối tượng, địa bàn của chương trình giai đoạn tới; xác định mức độ nghèo, mức độ
khó khăn của từng huyện, xã, thôn bản, để đề xuất chính sách và cơ chế hỗ trợ
phù hợp.
Về bố trí vốn, trên cơ sở thực hiện Luât Đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu
tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, thực
hiện việc bố trí, thông báo vốn trung hạn trong 5 năm, tạo điều kiện cho các
huyện chủ động sắp xếp các danh mục theo thứ tự ưu tiên, tổ chức huy động, lồng
ghép các nguồn lực khác hoàn thành mục tiêu đề ra.
Về cơ chế, chính sách, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ chính
sách giảm nghèo hiện hành trên cơ sở đó, đề xuất chính sách nào tiếp tục thực
hiện, chính sách nào tiếp tục thực hiện nhưng cần phải sửa đổi, điều chỉnh,
chính sách nào cần kết thúc; tích hợp các văn bản chính sách trên cùng lĩnh vực,
cùng nội dung để giảm bớt số lượng văn bản chính sách, khắc phục tình trạng
chồng chéo chính sách trên địa bàn các huyện nghèo./.
Theo: K.Thanh (Nguồn: CPV)