Thủ tướng chấn chỉnh việc thực hiện chính sách giảm nghèo

03:04 AM 22/05/2015 |   Lượt xem: 2256 |   In bài viết | 

Đó là một trong những nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 năm (2009-2014) triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.

Loại bỏ chính sách kém hiệu quả

Theo ý kiến của Thủ tướng, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững, lãnh đạo các địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo trong phát triển bền vững, đề cao trách nhiệm của ngành, địa phương mình, thể hiện trách nhiệm chính trị đối với nhân dân thông qua quyết tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo.

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo bền vững phải được tiến hành khẩn trương theo hướng tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hiệu quả; sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ chính sách trùng chéo, kém hiệu quả.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng phương án rà soát, sắp xếp lại từng nông, lâm trường, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015. Trong đó lưu ý việc gắn với chính sách giao khoán bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng đối với hộ nghèo, người nghèo.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 59/TB-VPCP ngày 14/2/2015 của Văn phòng Chính phủ để sớm triển khai việc điều chỉnh chính sách cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và các Bộ liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các huyện nghèo, các địa bàn đặc biệt khó khăn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn, nhất là người thuộc hộ nghèo.

 

Ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Về huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực, Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, bố trí thêm nguồn lực cho Chương trình giảm nghèo bền vững nói chung và Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo nói riêng trong kế hoạch trung hạn 2016-2020.

Cùng với đó, các địa phương quan tâm, ưu tiên bố trí và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn cho công tác giảm nghèo bền vững với các chương trình, đề án khác trên từng địa bàn, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc đầu tư hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền nêu gương để nhân rộng và phát huy những mô hình, điển hình, kinh nghiệm giảm nghèo tốt, hiệu quả, đồng thời phê phán những tổ chức, cá nhân chưa đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

* Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a, tỷ lệ hộ nghèo ở 62 huyện nghèo đã giảm nhanh, vượt kế hoạch đề ra (giai đoạn 2011-2014, bình quân giảm 6%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra bình quân 4%/năm), góp phần vào tỷ lệ giảm nghèo bình quân cả nước là 1,8%; thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo thuộc các huyện nghèo tăng gấp hơn 2 lần (từ khoảng 6 triệu/người năm 2010 lên 13 triệu đồng/người năm 2014); kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện nghèo đã có sự thay đổi rõ rệt, kinh tế có bước phát triển.

Tuy nhiên, một số nơi giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; một số chính sách còn trùng chéo, hiệu quả thấp, huy động và sử dụng nguồn lực còn nhiều hạn chế; có nơi nhận thức về công tác giảm nghèo còn chưa đúng, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đối với công tác quan trọng này.

(Nguồn: chinhphu.vn)