Ông tâm sự: "Những lúc rảnh rỗi,
hoặc trong các ngày lễ hội, tôi thường được nghe bố vợ là cố nghệ nhân Y Kril
đánh cồng, đánh chiêng, diễn tấu nhiều nhạc cụ dân tộc”.
Vừa tự học vừa được bố vợ và những người lớn tuổi trong buôn truyền dạy, ông
Y’mip Ayun đã học cách sử dụng và diễn tấu thành thạo các loại nhạc cụ, từ cồng,
chiêng, đến các nhạc cụ làm bằng tre nứa như đing năm, đing tặc tà, đing puốt...
Năm 30 tuổi Y'mip Ayun đã diễn tấu thành thạo và chế tác được cả chục nhạc cụ
truyền thống, được công nhận là nghệ nhân giỏi. Nhạc cụ do ông chế tác được đánh
giá là âm phát ra chuẩn, hình thức được cải tiến đẹp mắt, phù hợp với biểu diễn,
nhưng vẫn giữ được nét nguyên bản của nhạc cụ Tây Nguyên.
Tiếng tăm của ông về tài nghệ diễn tấu, chế tác nhạc cụ truyền thống đã vang xa
khỏi buôn làng bé nhỏ, vang khắp núi rừng Tây Nguyên. Ngoài tham gia đội chiêng
ở buôn Kô Siêr, ông còn tham gia nhiều chương trình biểu diễn của thành phố, của
tỉnh Đắk Lắk và ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và nước ngoài.
Ông đã đoạt nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như: Nghệ nhân xuất sắc tại
Liên hoan Văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên; giải Bông sen Vàng tại Liên hoan Hòa
tấu âm nhạc dân tộc TP Hồ Chí Minh lần thứ 2; giải nhất diễn tấu chiêng của Buôn
Ma Thuột năm 1997; huy chương vàng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng toàn quốc;
Huy chương vàng các tiết mục hòa tấu nhạc cụ đing năm, đing pă, đinh bút, đinh
tắc ta... Năm 2007, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Thu Loan (Nguồn: baotintuc.vn)