Mục tiêu tổng quát của chương trình giảm nghèo giai đoạn mới là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh…), góp phần giảm số hộ nghèo bình quân cả nước từ 1- 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó số hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân trên 4%/năm.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự kiến tổng kinh phí
hỗ trợ thực hiện Chương trình trong 5 năm tới là khoảng 42.800 tỷ đồng, trong đó,
vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 12.800 tỷ đồng và chủ yếu là
từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Tổng số vốn này sẽ được thực hiện ở 6 dự án: Hỗ trợ đầu tư xây
dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven
biển và hải đảo, ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các
thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế,
giảm nghèo dựa vào cộng đồng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; hỗ trợ cho
lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc
có thời hạn ở nước ngoài; giảm nghèo về thông tin cơ sở; truyền thông, nâng cao
năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
Cho ý kiến bước đầu về Chương trình này, Phó Thủ tướng Vũ Văn
Ninh đề nghị các bộ, ngành tiếp tục xác định cụ thể hơn các dự án thành phần
phục vụ cho công tác giảm nghèo. Về tổng nguồn lực cho Chương trình, Phó Thủ
tướng cho rằng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cố gắng cân đối để bố trí mức
tối đa cho Chương trình, đồng thời không được cắt giảm vốn khi lồng ghép nguồn
lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (vào Chương trình giảm nghèo và xây
dựng nông thôn mới).
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh, dù
ngân sách bố trí được đến đâu nhưng dứt khoát phải ưu tiên cho giảm nghèo ở vùng
có tỷ lệ nghèo cao. Các bộ, ngành xác định nhu cầu đầu tư ở địa phương để tính
toán tỷ lệ vốn cho đầu tư giảm nghèo. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương chú ý
tăng nguồn lực cho phát triển sản xuất. “Kinh nghiệm là đầu tư cho sản xuất bền
vững thì giảm nghèo mới bền vững và kéo theo nhiều hiệu quả xã hội khác”, Phó
Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch
và Đầu tư tăng nguồn cho vay và mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ nghèo, hộ
cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. “Đừng có lo khi cho người nghèo vay vốn. Nợ xấu
khi cho hộ nghèo vay của Ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại
rất thấp, chỉ khoảng 0,4- 0,5%”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho ý kiến về việc tiếp
cận chuẩn nghèo theo hướng đa chiều, trong đó có lưu ý việc lựa chọn chuẩn nghèo
mới để tính toán số hộ nghèo sẽ thay đổi ra sao, định hướng đầu tư cho hạ tầng
vùng nghèo, nhất là hướng tới phát triển sản xuất./.
Theo Mạnh Hùng (Nguồn: CPV)