Sinh sống chủ yếu bằng nghề nông
nghiệp nương rẫy nên người Cống tổ chức nhiều nghi thức cúng lễ liên quan đến
lĩnh vực này. Tết cơm mới là lễ hội lớn trong năm của họ. Đồng bào quan niệm từ
khi phát nương, chọc lỗ, gieo hạt, họ đã nhận được sự giúp đỡ của ma lúa, linh
hồn tổ tiên, ma rừng nên khi thu hoạch lúa họ phải làm lễ xin phép. Đồng thời,
đây cũng là dịp để người Cống dâng lễ vật tạ ơn các thế lực siêu nhiên.
Thời gian tổ chức Tết cơm mới thường được tiến hành vào khoảng tháng 8 âm lịch.
Lễ vật bao gồm: thịt sóc, chuột, cá, quả dưa, bí, khoai sọ, mía… tất cả được sắp
theo đôi. Người Cống cho rằng ma tổ tiên chỉ nhận đồ lễ có số chẵn chứ không
nhận số lẻ. Ngoài ra, khi cúng cơm mới, người Cống còn để những dụng cụ lao động
như: lưỡi dao, lưỡi thuổng lên một chiếc mẹt và rắc chấu cốm lên trên, với quan
niệm, những vật dụng này đã giúp con người phát nương, cuốc rẫy nên khi con
người thu lúa nó cũng phải được chia phần. Trong đó, cơm cốm là lễ vật đặc biệt,
không thể thiếu. Nó còn là món quà biếu đầy ý nghĩa cho bố mẹ họ hàng.
Tết cơm mới của người Cống thường diễn ra trong hai ngày: Ngày thứ nhất cúng mời
tổ tiên, thần linh về nhận lễ lúa mới. Khi xưa, địa điểm cúng cơm mới thường
được tổ chức ở gốc cây trên rừng cạnh bản. Ngày nay, địa điểm cúng thường là nhà
của chủ dòng họ. Trước khi bắt đầu lễ cúng, ông chủ dòng họ buộc ta leo lên phía
trên các cửa ra vào nhà. Khác với người Thái, ta leo của người Cống không đan
hình mắt cáo mà được làm từ ba chiếc lạt đan vào với nhau. Mỗi chiếc được buộc
thắt ở hai đầu với ý niệm những nút buộc này sẽ trói chân ma dữ ở lại ngoài cửa,
không cho nó vào nhà; đồng thời buộc vía những người trong nhà, để vía của họ ở
lại với thể xác, giúp cho cơ thể khỏe mạnh, không bị ốm đau.
Giờ cúng cơm mới thường được bắt đầu từ 4 giờ chiều. Theo các cụ già người Cống
đây là giờ mà tổ tiên có thể về nhà nhận lễ cơm mới. Ông chủ dòng họ ngồi bên
cạnh mâm lễ vật, khấn mời ma tổ tiên về ăn lúa mới. Cúng xong, ông cầm con gà
lên dùng dao cắt tiết, rồi bôi một chút máu lên cây tre với ý niệm mời ma tổ
tiên ăn. Sau đó ông cúi người vít cần rượu mời tổ tiên uống. Bên cạnh việc cúng
tổ tiên, ma lúa, người Cống còn có nghi thức cúng gọi hồn và cầu sức khỏe cho
những đứa trẻ trong nhà nhân dịp Tết cơm mới.
Ngày thứ hai chủ yếu là ngày vui liên hoan cộng đồng, gia đình. Họ sẽ đến từng
gia đình trong bản để thăm hỏi. Các gia đình dù nghèo hay giầu đều mổ lợn hoặc
gà, vịt để ăn mừng. Mâm cơm liên hoan ngày cơm mới có thể ít thịt, thiếu cá,
nhưng nhà nào cũng phải có xôi cốm và các loại quả, rượu, măng để mời khách. Sau
những ngày đi nương, đi rừng miệt mài kiếm sống, Tết cơm mới là dịp họ gặp nhau
để tâm sự, trò chuyện. Cuộc liên hoan thường kéo dài hết cả ngày thứ hai, đến xế
chiều dường như men rượu đã ngấm, họ gõ chiêng, chụm chọe, hát múa tưng bừng.
Theo lí của người Cống, các cụ bà phải múa trước để mở màn cho cuộc liên hoan
văn nghệ, sau đó con cháu mới được múa theo. Bà chủ dòng họ vung gạo vào những
người đang múa với ý niệm cầu may mắn. Điệu múa trong ngày cơm mới diễn ra tuy
đơn sơ nhưng nồng hậu ấm áp. Động tác múa của nữ giới uốn lượn mềm mại, uyển
chuyển; động tác múa của nam giới mạnh mẽ, dứt khoát. Mọi người đến xem hò reo,
cổ vũ náo nhiệt, khiến không khí của ngày hội thêm tưng bừng.
Sau lễ cơm mới, người Cống yên tâm, tin tưởng, vui vẻ bước vào những ngày thu
hoạch lúa bận rộn miệt mài.
Theo TH (Nguồn: dantocviet.vn)