Sơn La phát huy giá trị các điệu xòe cổ
08:33 AM 12/06/2015 | Lượt xem: 2111 In bài viết |Tỉnh Sơn La đã triển khai đề án "Bảo tồn, phát huy các điệu múa cổ dân tộc Thái". Đây là một trong các đề án được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ, nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh Sơn La, đồng thời tăng cường giao lưu sản phẩm văn hóa đặc sắc của các dân tộc Sơn La với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ông Trần Đại Tạo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La cho biết:
Hội đã mở trại sáng tác, gồm 25 hội viên tham gia, diễn ra trong 9 ngày cuối
tháng 5. Mục đích của trại sáng tác là sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao một số điệu
xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La.
Trải qua nhiều năm, xòe Thái đã phát triển thành nhiều điệu xòe khác nhau, tên
gọi mỗi vùng cũng khác nhau, nhưng đều bắt nguồn từ những điệu xòe cơ bản đó là
xòe vòng tròn (36 điệu xòe). Không phân độ tuổi, giới tính, không hạn chế số
người tham gia, có thể xếp thành nhiều vòng tròn tùy theo số lượng người tham
gia. Về động tác xòe, đều có những động tác cơ bản như cầm tay nhau, vỗ tay,
tung khăn, chuyển chân, nhấc chân, người nghiêng phải, nghiên trái và nhiều động
tác khác đều được cách điệu từ thực tế lao động sản xuất của cư dân vùng thượng
nguồn sông Đà, cư dân trồng lúa nước và mang tính cộng đồng sâu sắc.
Qua nghiên cứu một số điệu múa cổ dân tộc Thái, các nhà nghiên cứu cho rằng, tất
cả các vòng xòe đều xuất phát từ quan niệm Mặt Trời mọc từ hướng đông dịch
chuyển sang hướng tây và Trái Đất thì xoay ngược lại, như vậy mới thuận theo đất
trời, mưa mới thuận, gió mới hòa, mọi sự suôn sẻ, tốt đẹp. Các điệu xòe cổ đều
được tổ chức vào những dịp mừng nhà mới, đám cưới, chúc thọ, xên bản, xên mường
(cúng bản, cúng mường).
Các nghệ nhân còn cho biết, nhạc cụ dùng phục vụ xòe cổ gồm: 1 trống, 2 cồng, 1
đôi chũm chọe. Âm nhạc cho múa xòe thể hiện quan điểm về thế giới quan, nhân
sinh quan của người xưa. Tiếng trống là âm thanh của mặt đất, tiếng cồng là sự
vang vọng của bầu trời, tiếng chũm chọe là biểu tượng “phồn thực” của muôn loài.
Nhịp điệu múa xòe có 3 giai điệu lặp đi lặp lại theo tiếng nhạc là “tùng tùng
rinh, rinh rinh tùng” để tượng trưng cho 3 vía là trời - đất - con người.
Ở giữa vòng xòe của người Thái xưa được dựng lên một cây cột gọi là “cây xén
xính” nghĩa là cây vạn vật. Trên cây “Xén xính” được treo hình thù các con vật
trên cạn, dưới nước, hình mặt trăng, mặt trời được đan bằng tre hoặc đẽo bằng gỗ.
Về đêm có thể múa xòe quanh đống lửa, vừa làm tâm điểm của vòng xòe vừa lấy ánh
sáng cho đêm xòe.
Theo: Điêu Chính Tới (Nguồn: baotintuc.vn)