Ý nghĩa các lễ cúng giỗ của người Thái đen Tây Bắc
10:41 AM 30/06/2015 | Lượt xem: 2066 In bài viết |
Nhằm ôn lại truyền thống lịch sử dân tộc, khẳng định
ranh giới, bờ cõi bản mường, biểu dương lực lượng, tăng cường sự đoàn kết nhất
trí trong cộng đồng, củng cố niềm tin, tạo đà phấn khởi bước vào sống và lao
động trong một năm mới.
Hàng năm, mỗi gia đình có bốn ngày cúng giỗ lớn:
- Xên hươn: Cúng ma nhà, giỗ tổ tiên. Pạt tông khảu máư: Giỗ cơm mới. Hổm xánh:
Chuẩn bị cho tổ tiên lên chầu trời. Xên kẻ: Cúng giải tội, giải hạn. Trong đời
sống, người Thái rất coi trọng "phì hươn" và "Phì khuồn" (Tổ tiên và linh hồn).
Cứ 10 ngày cúng cơm tổ tiên một lần, gọi là "pạt tông". Ngày pạt tông gọi là "Mự
Vên tông" (ngày giỗ tổ): Khi bố mất, con phải chọn ngày tốt cho hồn bố lên nhập
tổ tiên và thay ông làm chủ tổ tiên, gọi là "po đẳm". Ngày gọi hồn lên nhập tổ
tiên có thể 3 ngày, 7 ngày... nhưng không được quá một vòng thiên can 10 ngày.
Ví dụ: gọi hồn bố nhập tổ tiên ngày giáp thì cứ đến ngày giáp là ngày giỗ tổ (mự
vên tông). Như vậy, mỗi tháng người Thái Đen giỗ tổ ba lần. (Trước đây người
chết chôn xong, sau ba ngày hoặc trên ba ngày gọi hồn về nhập "đẳm" (au phì khửn
hươn) thì thôi không cần chăm sóc đến mồ mả nữa). Ngày sinh (mự vên ók) cũng
tính theo vòng 10 ngày. Chủ nhà dù không ốm đau hàng năm vẫn cúng vía một, hai
lần. Mỗi khi sầu muộn, mệt mỏi, ốm đau, người ta thường đi bói xem: hồn ra sao,
ma nào đến đòi ăn (Phì khuồn pên neo xư, chuốp phì xằng ma hà kin)...
Hình thức cúng bái của dân tộc Thái căn cứ vào nội dung, thời gian và chi phí mà
có tên gọi khác nhau nhưng chung quy có ba hình thức chính:
Tam: Cúng, giỗ với nội dung ngắn, thời gian ít, tốn kém không đáng kể, một con
gà hoặc một con lợn nhỏ. Ví dụ: Tam pành khuồn (cúng vía); Tam tế ta (cúng ma
bến nước); Tam chák (cúng ma cửa khe, chân núi)...
Xên: Cúng, giỗ với nội dung lớn hơn, thời gian lâu hơn, có thể hết một ngày, chi
phí lớn, mời cả bản hoặc họ hàng đến ăn. Ví dụ như: Xên phì hưon (giỗ tổ tiên
hàng năm).
Xên, cúng giỗ loại cao nhất, tốn nhiều tiền của và thời gian: Xên chuồng: Cúng
ma người tình đến quẫy nhiễu, hết một ngày rưỡi. Xên mướng: Cúng giỗ mường hết
ba ngày. Xên tống ký: Cúng giỗ cầu phúc cho cộng đồng của một vùng từ năm đến
bảy ngày. Loại cúng này, cả đời quý tộc mới tổ chức được một lần.
Các loại xên còn lưu lại trong sách chữ Thái cổ cho đến nay:
Xên (cúng giỗ lớn) có hai hình thức:
Xên một lao (còn gọi là một chai): Lời cúng có người thổi sáo họa theo. Thầy
cúng hầu hết là đàn ông. Xên á ni (còn gọi là một nhinh): Lời cúng không có sáo
họa theo. Thầy cúng hầu hết là đàn bà.
Các loại xên (cúng giỗ lớn) gồm:
Xên hươn: Cúng ma nhà, giỗ tổ tiên hàng năm
Xên bản: Giỗ bản
Xên mướng: Giỗ mường
Xên khuồn: Cúng hồn, cúng vía
Xên khuồn pàng phươn: Cúng hồn cả nhà
Xên khuồn páo náng lam: Cúng hồn báo bà mụ
Xên hảng khuồn: Cúng động viên hồn
Xên kẻ: Cúng giải hạn cho tổ tiên
Xên kẻ khọk mướng: Cúng giải hạn cho mường
Xên kẻ khọk bản: Cúng giải hạn cho bản
Xên kẻ khọk hươn: Cúng giải hạn cho gia đình.
Xên kẻ khọk kinh: Cúng giải hạn cho cá nhân
Xên kẻ khọk kướt: Cúng giải hạn cho trẻ con
Xên khớ: Cúng giải vận
Xên khớ mà: Cúng giải vận mổ chó
Xên khớ bẻ: Cúng giải hạn mổ dê
Xên chuồng: Cúng ma người tình quấy nhiễu nhỏ
Xên chuồng luồng: Cúng ma người tình quấy nhiễu lớn
Xên phắn bẻ: chém dê sống
Xên cha: Cúng cầu may cho gia đình
Xên tống ký: Cúng cầu phúc cho cộng đồng
Xên pốt: Cúng giải oan, giải ác
Xên xội: Cúng giải tội giải tù
Xên choi xội: Cúng cho tội qua, họa biến
Xên bảu: Cúng bà mụ, cúng khuôn đúc người
Xên pành bảu: Cúng sửa khuôn đúc hồn
Xền pín bảu: Cúng xoay lại khuôn đúc hồn
Xên mùn bảu: Cúng kê lại khuôn đúc hồn
Xên tháy: Cúng chuộc lấy hồn
Xên tênh lam mưa bảu: Cúng cầu bà mụ phù hộ
Xên pướk pai: Cúng tà ma phụ nữ chết khi sinh đẻ
Xên pướk póp: Cúng tà ma đau bụng
Xên pướk phỗng: Cúng tà ma cà rồng
Xên phẵn mà: Cúng ma rừng, chém chó sống
Xên xò lụk: Cúng xin có con
Xên xo hăng, xò mi: Cúng xin giàu sang phú quí
Xên xo mẳn, xò dưn: Cúng xin mạnh khỏe, sống lâu
Xên kó ten: Cúng xin tăng tiến
Xên bùn: Cúng xin phúc lành
Xên xống hờng: Cúng tà ma ghen ghét
Xên xống khỏi: Cúng đưa tôi tớ cho trời
Xên liệng Căm Lẹt: Cúng Cầm Lẹt
Xên phì hay, phì na: Cúng ma ruông, ma nương
Xên phì khửn xửa: Cúng trả khất
Xên pàng phươn: Cúng cho gia đình yên ổn
Xên chút mát hạt họn: Cúng ốm đau đột xuất
Xên lảu nó: Cúng tổng kết thường kỳ của thầy cúng
Điểm qua những ngày cúng giỗ của người Thái Đen Tây Bắc ta thấy nhận thức về
nhân sinh quan và thế giới quan của người Thái cùng quan niệm về thiên, địa,
nhân trong đó chủ thể con người là trung tâm. Gạt bỏ những yếu tố mê tín dị đoan,
mọi lễ cúng đều nhằm cầu mong cho con người luôn mạnh khỏe, sống đoàn kết với
nhau, hòa đồng với tự nhiên cùng các thế lực siêu nhiên để có một cuộc sống
trường tồn ấm no và hạnh phúc.
Theo: Trần Vân Hạc (Nguồn: baotintuc.vn)