Thảo luận về dự án Luật đấu giá tài sản

04:07 AM 13/10/2015 |   Lượt xem: 2784 |   In bài viết | 

Làm rõ nhập siêu trở lại

Đầu giờ chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020.

Thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với đánh giá 9 tháng đầu năm kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy vậy nền kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Hoạt động của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa do khả năng cạnh tranh thấp; an ninh trật tự ở một số khu vực nông thôn còn nhiều bất ổn; đời sống nhân dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...

Góp ý vào báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị Chính phủ cần quan tâm thêm đến thị trường lao động. Cụ thể bà đề nghị làm rõ thêm quy luật cung cầu, điều hành chưa nhịp nhàng nên một số học sinh sinh viên ra trường chưa có việc làm; tình trạng lao động phổ thông dịch chuyển nhanh gây khó khăn cho quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó là vấn đề tiền lương đang tăng nhanh hơn năng suất, nhưng tiền lương tối thiểu lại chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Về vấn đề an sinh xã hội, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng có hai vấn đề trọng điểm mà báo cáo phải đề cập là mở rộng đối tượng thụ hưởng an sinh và nâng cao chất lượng an sinh.

Quan tâm tới vấn đề ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo của cơ quan thẩm tra vẫn thể hiện bội chi ngân sách ở mức cũ 5% trong khi Trung ương sẽ có chỉ đạo mới là bội chi phải dưới 5%. Do vậy ông đề nghị phải tính lại, dưới 5% là bao nhiêu?

Tại phiên họp, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại năm 2015 đã nhập siêu trở lại sau 3 năm 2012-1014 xuất siêu. Cụ thể, năm 2012 xuất siêu 780 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 9,4 triệu USD, năm 2014 xuất siêu 2,1 tỷ USD, tuy nhiên 9 tháng năm 2015 ước tính nhập siêu 3,9 tỷ USD, cả năm ước nhập siêu 6 tỷ USD. Mặt khác, Khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu (giai đoạn 2011-2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD), trong khi đó khu ực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu, đóng góp của một số doanh nghiệp FDI có quy mô lớn tạo nguồn ngoại tệ dồi dào tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô.

Kết luận phần thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị báo cáo cần làm rõ thêm các vấn đề như: sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm mạnh; giá dầu thô giảm mạnh trong khi sản lượng tăng; sau 3 năm xuất siêu thì nhập siêu trở lại; tình trạng nợ thuế, trốn thuế...

Quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản

Cũng trong chiều nay, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật đấu giá tài sản.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, dự thảo Luật gồm 8 chương, 77 điều. Trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến đối với dự án luật, còn 2 vấn đề có ý kiến khác nhau: mối quan hệ giữa Luật đấu giá tài sản và các luật khác; về hình thức doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Trong đó, về mối quan hệ giữa Luật đấu giá tài sản và các luật khác hiện có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật đấu giá tài sản áp dụng chung, thống nhất cho các loại tài sản mà theo quy định của pháp luật được xử lý theo hình thức đấu giá, bao gồm tài sản mà luật nội dung có quy định dẫn chiếu về trình tự, thủ tục đấu giá sang Luật đấu giá tài sản và tài sản mà luật có quy định về trình tự, thủ tục đấu giá riêng. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật đấu giá tài sản với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật đấu giá tài sản.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng Luật đấu giá tài sản chỉ áp dụng đối với những loại tài sản mà các luật về nội dung có quy định dẫn chiếu về trình tự, thủ tục đấu giá sang pháp luật về đấu giá tài sản như Luật đất đai, Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật thi hành án dân sự... Đối với tài sản mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về trình tự, thủ tục đấu giá riêng như Luật thương mại thì áp dụng theo trình tự, thủ tục đó.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, với quan điểm chỉ đạo của việc xây dựng dự án Luật là xây dựng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá thì việc quy định trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật đấu giá tài sản với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật đấu giá tài sản là khả thi, phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản. Chính phủ đồng tình với với loại ý kiến thứ nhất và dự thảo Luật được thể hiện theo loại ý kiến này.

Về hình thức doanh nghiệp đấu giá tài sản, hiện có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng việc dự thảo Luật quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh mà không cho phép thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần là phù hợp. Loại ý kiến thứ hai cho rằng ngoài hình thức doanh nghiệp đấu giá tài sản là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh thì cần bổ sung hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần vì phần lớn các doanh nghiệp đấu giá tài sản hiện nay đang hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

Chính phủ đồng tình với loại ý kiến thứ nhất và dự thảo Luật được thể hiện theo loại ý kiến này.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đều tán thành sự cần thiết phải ban hành luật và tán thành với những nội dung được Chính phủ đề xuất.

Các ý kiến cho rằng việc xây dựng dự án luật là nhằm tạo lập nguyên tắc, trình tự chung thống nhất cho việc đấu giá các loại tài sản, trừ một số tài sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Do luật đấu giá tài sản ban hành sau nên sẽ xảy ra sự khác biệt về trình tự, thủ tục giữa Luật đấu giá tài sản và luật khác thì áp dụng quy định của Luật đấu giá tài sản để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Về doanh nghiệp đấu giá tài sản, các ý kiến cho rằng quy định về đăng ký hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản tại dự án luật này là phù hợp với những quy định cụ thể và áp dụng trực tiếp cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Đây là một hoạt động đầu tư kinh doanh mang tính chất đặc thù, một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp được xã hội hóa nhưng vẫn phải đảm bảo đáp ứng những điều kiện nhất định. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét cho phép các doanh nghiệp đấu giá tài sản được đồng thời thực hiện một số hoạt động khác liên quan đến đấu giá tài sản./.

Theo: Phạm Thanh (Nguồn: CPV)