Hoạt động này góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật Chầm-riêng Ch’pay - di sản
văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và đồng bào Khmer tỉnh
An Giang nói riêng.
Đây là lớp học thứ 2 được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang tổ
chức, do nghệ nhân aChau Hunh, 63 tuổi, ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn
trực tiếp truyền dạy. Các học viên sẽ được truyền dạy kiến thức cơ bản như cách
chơi đàn Ch’pay, các nốt nhạc cơ bản, cách bấm phím, đánh đàn, luyến láy theo
điệu nhạc…; đối với học viên học nâng cao sẽ học chuyên sâu về cách trình diễn
đàn Ch’pay theo đúng truyền thống của người Khmer An Giang. Theo ông Trương Bá
Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh An Giang, mục đích của
lớp dạy đàn Ch’pay là khơi dậy lòng đam mê nhạc cụ dân tộc trong cộng đồng bà
con Khmer An Giang, nhất là thế hệ trẻ; mong muốn những lớp kế cận sau này biết
và yêu tiếng đàn Ch’pay, bởi họ sẽ là những người kế thừa, bảo tồn, gìn giữ và
phát huy loại hình nghệ thuật diễn tấu độc đáo của người Khmer tỉnh An Giang, để
nó không bị mai một.
Chầm-riêng Ch’pay (Chầm riêng nghĩa là hát, Ch’pay tức là cây đàn Ch’pay), một
loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có từ lâu đời và phổ biến trong các
phum, sóc của đồng bào Khmer trước đây. Nghệ thuật chơi Chầm-riêng Ch’pay gọi là
đơn ca độc tấu hay "ca kể chuyện". Nhạc cụ chính là đàn Ch’pay. Ðàn Ch’pay
thường được làm bằng cây gỗ mít hoặc cây lành canh. Thùng đàn có mặt trước rộng
37 cm, mặt sau 30 cm. Trên đàn có bộ phận mắc dây đàn gọi là ngựa đàn được vuốt
cong vút, chạm trổ hoa văn độc đáo. Cần đàn dài 12 cm thường dùng gỗ hương, cẩm.
Đây là nhạc khí hai dây duy nhất trong nghệ thuật âm nhạc của đồng bào Khmer.
Ðàn có 12 phím theo hệ thống thang âm ngũ cung với đầy đủ sắc thái âm trầm ấm,
sâu lắng, đặc biệt phù hợp với thể loại nhạc tự sự, diễn ca lắng đọng.
Theo: NL (Nguồn: baotintuc.vn)