Bản Vệ xóa nghèo

09:50 AM 27/10/2015 |   Lượt xem: 2400 |   In bài viết | 

Mô hình trồng cà chua của gia đình anh Hoàng Minh Bắc, bình quân mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.
Từng một trong những thôn nghèo của xã Nghĩa An do tập quán lạc hậu, thiếu hiểu biết khoa học kỹ thuật, sản xuất chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền đời của ông cha, nhưng từ khi có sự đầu tư lớn từ Chương trình 135 đã tạo động lực để người dân Bản Vệ vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Do đặc thù về địa hình nên kinh tế mũi nhọn ở đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Chi bộ thôn đã vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, chuyển từ ruộng 1 vụ sang cấy 2 vụ lúa và 1 vụ ngô đông, kết hợp trồng thêm các loại rau màu, chăn nuôi gia súc lấy sức kéo và phân bón cho đồng ruộng.

Đồng thời, Đảng bộ xã cùng với Chi bộ thôn đã xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế phù hợp với những lợi thế của địa phương; phối hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Năm 2014, năng suất lúa ở Bản Vệ đã đạt 12,6 tấn/ha; 100% diện tích được gieo cấy hết đảm bảo đúng khung thời vụ, tập trung chuyển dịch cơ cấu giống lúa năng suất sang giống lúa chất lượng cao.

Bên cạnh cây lương thực chủ yếu, hàng năm Bản Vệ còn trồng 12 ha ngô đông và 2 ha rau màu. Năm 2014, Phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ mở lớp tập huấn trồng rau sạch nhằm đưa các tiến bộ khoa học giúp bà con trong thôn nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng uy tín trên thị trường. Nhờ áp dụng triển khai hiệu quả vào sản xuất, giá trị 1ha canh tác trên địa bàn đã đạt 115 triệu đồng.

Song song với đẩy mạnh các phong trào về phát triển kinh tế, thôn đã phối hợp với ngân hàng thành lập 2 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng số vốn vay trên 1 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi. Đến nay, trong thôn có trên 30 con trâu, bò, bình quân mỗi hộ có 3 con lợn trở lên, không có hộ trống chuồng. Năm 2014, số hộ nghèo trong thôn là 23 hộ, giảm đáng kể so với các năm trước, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu.

Nổi bật như gia đình anh Lò Văn Giai, đầu tư phát triển chăn nuôi trên 30 con lợn kết hợp với kinh doanh lương thực, làm dịch vụ xay xát, thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng. Gia đình anh Hoàng Minh Bắc, phát triển mô hình trồng cà chua với diện tích trên 4.000m2, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ, vừa không mất nhiều công chăm sóc lại đạt hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng giúp cho gia đình luôn có thu nhập ổn định.

Nhờ có sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư cây con giống phục vụ phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa. Tiêu biểu như hộ anh Lường Văn Huynh, trước đây là hộ nghèo, được sự giúp đỡ từ Nhà nước anh đã vay 30 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển nông nghiệp, đến nay gia đình anh không những vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành hộ có thu nhập khá.

Cũng như hộ anh Huynh, anh Lò Văn Sức và Đinh Công Chức đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế hàng hóa, dịch vụ như mở cửa hàng ăn, xay xát, nấu rượu… nhờ đó, đời sống vật chất của gia đình ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Từ một thôn nghèo, Bản Vệ đã và đang nỗ lực không ngừng để thoát nghèo bền vững và làm giàu. Giờ đây, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa kiên cố, con em đến độ tuổi đi học được cắp sách đến trường, 100% được sử dụng điện và nước sạch, nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “3 sạch” theo chuẩn y tế quốc gia.

Ông Đồng Văn Nghĩa - Trưởng thôn Bản Vệ phấn khởi khẳng định: “Tuy chưa phải là thôn giàu, số hộ nghèo vẫn còn nhiều nhưng so với trước đây Bản Vệ đã thay đổi, tiến bộ hơn nhiều. Quan trọng hơn, thôn đã biết tận dụng nội lực vốn có, đoàn kết các dân tộc, thay đổi cách nghĩ cách làm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây chính là tiền đề vững chắc để người dân Bản Vệ vươn lên làm giàu bền vững trong nay mai”.

Theo: Hoài Anh (Nguồn: Báo Yên Bái)