Trước khi các đại biểu Quốc hội thảo
luận về Dự thảo Luật phí, lệ phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc
hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật
phí , lệ phí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo giải trình khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan
chức năng nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội,
chỉnh lý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản, bảo đảm thống nhất nội dung giữa các điều,
khoản trong Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do mỗi khoản phí, lệ phí có tính chất, nội dung
kinh tế khá rộng... nên Dự thảo Luật quy định tối đa các chỉ tiêu hợp lý, đồng
thời giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể để bảo đảm tính khả thi và phù hợp
với thực tiễn, song phải đảm bảo không phát sinh tăng thêm khoản phí, lệ phí
trong Danh mục đã quy định trong Luật.
Thảo luận vấn đề này, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn Tiền Giang), đại biểu Nguyễn
Văn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) và một số đại biểu khác đề nghị, Danh mục phí, lệ phí cần
quy định chi tiết ngay trong Dự thảo Luật để đảm bảo sự tham gia giám sát của
các tổ chức đoàn thể, xã hội; đảm bảo quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng.
“Do có sự khác nhau giữa Danh mục phí với danh mục lệ phí về tiêu chí và cách
sắp xếp theo lĩnh vực, nên rất khó kiểm tra, kiểm soát” - đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Đoàn
Thái Bình) phân tích.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cũng đề nghị tiếp tục rà soát lại các khoản phí, lệ phí trong
Danh mục và cần có chú giải quy định trong các văn bản luật chuyên ngành.
Ngoài việc đồng tình với việc cần quy định chi tiết Danh mục phí, lệ phí, đại
biểu Nguyễn Thi Quyết Tâm ( Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) còn đề nghị: Hằng năm
Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Danh mục phí, lệ phí, trường
hợp cần thiết thì báo cáo Quốc hội cho ý kiến.
Theo Dự thảoLuật, các trường hợp thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí gồm: trẻ em;
hộ nghèo; người cao tuổi; người khuyến tật; người có công với cách mạng; đồng
bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật và một
số trường hợp đặc biệt khác. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm
đối với từng loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. Bộ Tài chính và Hội đồng nhân
dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ
phí được phân cấp trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật này.
Đồng tình với việc miễn, giảm phí, lệ phí, nhưng đại biểu Hà Sỹ Đồng ( Đoàn
Quảng Trị) và một số đại biểu khác cho rằng, quy định như Dự thảo Luật vẫn còn
chung chung, phải chi tiết hơn để tránh bị lợi dụng.
Ở góc độ khác, đại biểu Danh Út (Đoàn Kiên Giang) đề nghị cần có quy định giảm,
chứ không nên thực hiện việc miễn phí, lệ phí cho những đối tượng cận nghèo.
Dẫn chứng từ việc người dân đang phải chi trả với mức phí cao khi đi qua một số
trạm thu phí BT, BOT, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh)
đề nghị những con đường độc đạo thì Nhà nước phải làm, không để tư nhân làm rồi
thu phí quá cao. Chia sẻ với quan điểm này, đại biểu Danh Út còn đề nghị bỏ phí
sử dụng đường bộ với xe máy, vì nó liên quan đến sinh kế của người dân.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa
ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về Dự thảo Luật tiếp cận
thông tin; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo
cáo thẩm tra về Dự thảo Luật tiếp cận thông tin.
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 34 điều, sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều
ngày 14/11.
Theo: Đăng Dương (Nguồn: CPV)