Kết thúc Lễ hội Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần II, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2015
10:48 AM 30/11/2015 | Lượt xem: 2019 In bài viết |Vào ngày 25/11, trên dòng sông Maspéro (TP. Sóc Trăng), đây là ngày thứ hai cũng là ngày cuối cùng của lễ hội đua ghe Ngo năm 2015, đến dự có các đồng chí: Sơn Minh Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Văn Thể - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Trung Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Văn Mẫn - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Văn Sum - Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, cùng hàng chục ngàn khán giả trong, ngoài tỉnh đến xem, cổ vũ cho các đội đua ghe Ngo năm nay.
Trong trận thi đấu năm nay có 45 đội ghe Ngo nam và
8 đội ghe Ngo nữ đến từ các tỉnh: Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc
Trăng. Trong đó, chủ nhà Sóc Trăng tham dự với 44 đội ghe. Sau 2 ngày tranh tài
thật sôi nổi, qua 89 trận thi đấu của đội ghe nam ở cự ly 1.200m, đội ghe Ngo
đến từ chùa Pi Sey Veraram - Càng Long (Trà Vinh) đã giành chiến thắng hạng nhất
và đội ghe Ngo chùa Pong Tứk Chắs của huyện Thạnh Trị đứng vị trí thứ nhì còn
lại đội ghe Ngo Bâng Tone Sa (Trần Đề) đứng vị trí thứ ba, đội ghe Ngo Chrui Tưm
Chắs (TP Sóc Trăng) đứng vị trí thứ tư. Riêng giải đua ghe Ngo nữ, qua 16 trận
đấu không kém phần hấp dẫn và quyết liệt; kết quả đội ghe Ngo Long Mỹ (Hậu Giang)
đã giành giải nhất, đội ghe Ngo Ngan Dừa giành giải nhì, đội ghe Ngo chùa Đơm Pô
(Trần Đề) đã giành giải ba và đội ghe Ngo chùa Kós Tung (Cù Lao Dung) giải thứ
tư.
Ban Tổ chức tiến hành trao giải thưởng cho các đội ghe Ngo đạt thành tích cao trong mùa lễ hội năm 2015. Đối với ghe Ngo nam lẫn nữ, giải nhất gồm: 50 triệu đồng, cúp, cờ, Bằng khen của UBND tỉnh; giải nhì 40 triệu đồng; giải ba 30 triệu đồng và giải tư 10 triệu đồng.
Đây là một sự kiện văn hóa lớn, mang tầm khu vực và quốc gia, thể hiện đậm nét loại hình văn hóa dân gian, đời sống tâm linh và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa ở Nam bộ, cần được tôn vinh, bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
Theo: Âu Hiền Đạt (Nguồn: Ban Dân tộc Sóc Trăng)