Lâm Đồng: Tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên kéo điện về các thôn bản

03:43 AM 02/12/2015 |   Lượt xem: 2346 |   In bài viết | 

Đại diện Công ty Điện Lực tỉnh Lâm Đồng cho biết, đầu năm 2010, Lâm Đồng đã trở thành tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên hoàn thành kéo điện về 100% các thôn bản. Khi điện lưới quốc gia về đến tận thôn bản, nông dân có điều kiện để sinh hoạt, sản xuất, phát triển làng nghề thủ công nên cái nghèo cố hữu xưa nay dần dần được đẩy lùi. Từ đó kinh tế của không ít hộ dân khấm khá lên từng ngày. Cùng với chính sách trợ vốn, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng và hướng dẫn kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp, đồng bào dân tộc ở Lâm Đồng đa số đã chấm dứt tình trạng du canh du cư, chỉ chuyên tâm vào làm ăn.

Huyện Đức Trọng nằm ở phía Nam của tỉnh Lâm Đồng có hơn 30% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của đồng bào nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ có điện lưới quốc gia. Ông Vũ Thế Kỷ - Giám đốc Điện lực huyện Đức Trọng - cho biết, trước năm 2000, mạng lưới điện tại Đức Trọng chỉ đạt 75%, nhiều vùng không điện nhưng hiện nay 99% người dân đã có điện để dùng.

Thôn Pré, xã Phú Hội là vùng sâu của huyện Đức Trọng, người dân tộc Churu trước đây thường quen cách sống du cư, từ khi có điện bà con đồng bào không dời cư nữa mà bám bản chăm lo sản xuất. Ông Ya Lok, ngụ tại thôn Pré có 4 sào (4.000 m2) trồng ngô, mỗi vụ thu hoạch từ 2,5 - 3 tấn hạt. Ông Ya Lok nói, nhờ điện dùng để tưới nước và chạy máy tuốt, công ít đi, năng suất ngô lại cao hơn nên đủ tiền chăm lo cho mấy đứa nhỏ đi học cả năm.

Không chí có xã Phú Hội, nhiều vùng nông thôn có đông đồng bào dân tộc đang sinh sống tại huyện Đức Trọng như K’Long A, Nam Sơn, N’Thol Hạ, K’Rèng, khu dân tộc Finôm… dòng điện lưới quốc gia đã làm thay đổi bộ mặt đời sống văn hóa tinh thần và kinh tế ở đây.

Ông Cơ Liêng H’Thành, sinh sống tại thôn B’Neur C, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng hơn 20 năm qua bằng nghề nông rất vất vả. Cùng với sự hỗ trợ của ngành điện và chính quyền địa phương, ông H’Thành kéo đường dây điện về tận nhà. Có điện rồi ngoài tưới cà phê ông trồng thêm rau, nuôi heo và xóa hẳn việc vào rừng làm rẫy, lấy củi về đốt và trở thành hộ khá về kinh tế của thôn B’Neur C.

Phong trào sản xuất nông nghiệp theo khoa học kỹ thuật

Từ khi có điện lưới quốc gia, tại huyện Lạc Dương, người dân đã bỏ thói quen canh tác du canh du cư, đặc biệt một phong trào sản xuất nông nghiệp theo khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, nhiều mô hình trồng rau, dâu tây, các loại hoa đã được người đồng bào thi nhau học tập và áp dụng vào sản xuất.

Ông Cil Bri, ngụ tại xã Lát, huyện Lạc Dương hồi trước làm lúa, từ khi học kinh nghiệm của người Kinh và được nhà nước hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật trồng hoa màu nên cuộc sống của gia đình đã chấm dứt cảnh túng thiếu. Ông Cil Bri kể, trước kia dùng máy nổ để phục vụ sản xuất rất tốn kém, nay dùng điện chỉ tốn 200.000 - 300.000 đồng/tháng, năng suất của vườn rau, dâu tây và một số loài hoa đã tăng gấp đôi lại khỏe người ra. Nhờ vậy, ước mơ “nhà có cái ăn cái để” khi xưa bây giờ không còn là chuyện mơ ước nữa mà chỉ tính đến chuyện làm giàu thôi.

Nhiều bộ mặt thôn bản của người đồng bào dân tộc ở Lạc Dương ngày nay đã có nhiều thay đổi khi chính sách hỗ trợ cho người đồng bào của nhà nước đã đến với từng nhà và phát huy tác dụng. Nhiều căn nhà tranh tre của đồng bào bây giờ đã được tôn hóa, nhiều nhà xây mới đã được mọc lên ngay tại thôn bản. Trong nhà có ti vi, đài, nồi cơm điện, có hộ gia đình còn có tủ lạnh, tủ mát để đựng hàng hóa để phục vụ công việc kinh doanh… Chị Cơ Liêng K’Jiên, ngụ ở thôn B’Neur C, xã Lát, Lạc Dương nói, nhờ sự quan tâm của Nhà nước và Chính phủ, những chính sách hỗ trợ đã làm cho đồng bào “ưng cái bụng”, nhờ đó người dân không còn sống trong cảnh “nay đây mai đó” vất vả, bây giờ chỉ tính chuyện làm gì khỏe người mà lại có tiền thôi.

Theo: Thế Vĩnh (Nguồn: Báo Công Thương)