Người nặng lòng với nhạc cụ dân tộc

11:23 AM 03/12/2015 |   Lượt xem: 2002 |   In bài viết | 

Quê của nghệ nhân Danh Yên ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú. Năm 12 tuổi ông theo thầy trong đội nhạc cụ Tum Pók Sók (Tam Sóc) để học. Ông Danh Yên tâm sự: “Đúng là tôi có duyên với nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Trong một đêm thầy dạy 5 bài nhạc, tôi đều nhớ và chơi rất rành. Đầu tiên thầy cho tôi cầm đàn cò, về sau thấy tôi có năng khiếu nên đã dạy cách chơi các loại đàn khác và cho theo đội nhạc đi phục vụ khắp phum sóc. Vừa theo đội nhạc chơi, vừa học nên không bao lâu tất cả những bài hát tôi đều biết chơi”.

Ông cho biết thêm, khi đó trong đội nhạc cụ Tum Pók Sók đa số là những người lớn tuổi, chỉ có ông được xem là tay chơi nhạc “nhí” của đội. Được thầy tận tình “truyền lửa”, nên chỉ sau một thời gian, ông đã trở thành hạt nhân của đội. Không chỉ biết chơi nhạc cụ truyền thống như đờn cò mà ông còn biết chơi đờn cha-pay-đon-veang.

Khi những nghệ nhân trong đội nhạc cụ Tum Pók Sók già và mất đi, ông là người tiếp tục truyền nghề cho thế hệ sau và giữ gìn đội nhạc nổi tiếng đến ngày nay. Ông Danh Yên cũng đã thành lập câu lạc bộ nhạc cụ ở xã Lâm Tân và tham gia nhiều kỳ thi của huyện, tỉnh và khu vực. Các kỳ tham gia hội diễn, liên hoan văn nghệ, ông đều đoạt giải, đặc biệt tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục Khmer tỉnh năm 2014, ông Danh Yên đã đoạt giải cá nhân xuất sắc với bài “Vùng quê Lâm Tân bây giờ”. Mới đây, tại Liên hoan dân ca Việt Nam lần thứ VI-2015 khu vực Nam Bộ, ông đã giành giải C.

Không chỉ biết chơi nhạc, nghệ nhân Danh Yên còn biết làm các loại đàn như đờn cò, pì-o, cha-pay-đon-veang, sko (trống)… để phục vụ cho đội nhạc. Hơn 40 năm gắn bó với nhạc cụ truyền thống, điều mà ông trăn trở nhất hiện nay là không có người kế thừa. Ông bộc bạch, “Nhạc cụ truyền thống dễ chơi, vì có nốt nhạc và bài hát đàng hoàng. Đờn Cha-pay-đon-veang khó hơn, vì vừa hát vừa đờn không theo sự sáng tác, nhịp điệu, người chơi chỉ biết nội dung, rồi sẽ dùng từ ngữ diễn đạt cho có ý nghĩa nên phải biết chữ Khmer. Bây giờ, đội nhạc cụ Tum Pók Sók và Lâm Tân đều là những tay chơi nhạc có tuổi đời ngoài 50 và chưa tìm được lớp trẻ nào để đào tạo và gắn bó lâu dài nên tôi rất lo trong tương lai sẽ bị mai một”.

Theo: Thạch Pích (Nguồn: Báo Văn hóa)