Bổ sung tội danh mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin
03:20 PM 03/10/2015 | Lượt xem: 4918 In bài viết |Ngoài việc sửa đổi một số điều, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bổ sung 5 tội danh mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, internet. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất giữa các điều luật, dự thảo cần bổ sung việc xác định yếu tố “tội phạm công nghệ cao” và điều chỉnh một số thuật ngữ tương thích với một số Luật hiện hành.
Ngoài việc sửa đổi một số điều, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bổ sung 5 tội danh mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, internet. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất giữa các điều luật, dự thảo cần bổ sung việc xác định yếu tố “tội phạm công nghệ cao” và điều chỉnh một số thuật ngữ tương thích với một số Luật hiện hành.
Không giám định được hậu quả, không thể truy cứu
Đại diện Cục Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an (C50) phản ánh, tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục phát triển nhanh, một số hành vi gây nguy hiểm cho xã hội xảy ra trên internet, viễn thông chưa được hình sự hóa hoặc được vận dụng xử lý theo các điều luật thuộc lĩnh vực khác như hành vi kinh doanh trái phép vàng tài khoản; hành vi mua bán trái phép các loại tiền điện tử; hành vi huy động vốn theo kiểu đa cấp; hành vi thiết lập, cung cấp trái phép các dịch vụ internet, viễn thông… Đặc biệt, một số tội phạm truyền thống như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy… với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin đã ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn.
Trong số 5 hành vi đã được luật hóa tại Bộ luật Hình sự, thì đa số các hành vi được truy tố theo Điều 226b “Tội sử dụng máy tính mạng, mạng viễn thông, internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; một số hành vi được khởi tố theo Điều 226, Điều 226a bao gồm các hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng; hoặc truy cập bất hợp pháp… Còn các hành vi quy định tại các Điều 224, 225 hầu như chưa khởi tố. Lý giải thực tế này, đại diện C50, Bộ Công an cho biết, việc làm rõ đối tượng sử dụng công nghệ cao để tấn công vào các website, cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng viễn thông, internet làm rối loại, tê liệt hoạt động là rất khó. Hơn nữa các Điều 224, 225, 226 đều có cấu thành vật chất (gây hậu quả nghiêm trọng), trong khi đó việc giám định để kết luận thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra theo quy định tại các điều luật này rất khó giám định vì hầu hết các thiệt hại này không thể đánh giá hết, đầy đủ: thiệt hại về danh dự, giảm lượt truy cập... Do không đánh giá được hậu quả nên không thể truy cứu hình sự.
Sẽ có thêm 5 tội danh mới
Góp ý vào Dự thảo Bộ luật đang lấy ý kiến nhân dân, đại diện C50, Bộ Công an cho rằng, bên cạnh việc quy định thành một Chương riêng thì cần sửa đổi các điều luật hiện hành theo hướng quy định cấu thành hình thức, quy định lượng tiền gây thiệt hại, xác định yếu tố “sử dụng công nghệ cao” là tình tiết tăng nặng.
Theo dự thảo lấy ý kiến nhân dân, có 5 tội danh mới được quy định tại các Điều 294, 300, 304, 305, 306. Bình luận về sự bổ sung này, ông Triệu Mạnh Tùng, C50, Bộ Công an cho biết, hiện nay các loại tiền được sử dụng như một phương thức thanh toán thay thế tiền mặt hoặc sử dụng tài khoản ngân hàng với các ưu thế như thanh toán nhanh, gọn, tính ẩn danh cao, không đòi hỏi thủ tục phức tạp… Do đó, người sử dụng internet liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật, chủ yếu sử dụng tiền điện tử để mua bán, trao đổi, thanh toán với nhau. Ngoài các loại tiền điện tử MoneyBookers (Anh), Liberty Reserve (Costa Rica), E - gold (Malaysia)…, tại Việt Nam trên internet xuất hiện rất nhiều các website hoạt động (có phép hoặc không phép) kinh doanh trò chơi trực tuyến như đánh bạc, cá độ bóng đá… Theo đó, những người chơi đều phải nộp tiền mặt vào tài khoản ngân hàng hoặc nạp mã số thẻ điện thoại để quy đổi ra một dạng tiền điện tử và sử dụng tiền ảo đó để giao dịch. Đây là những dấu hiệu hành vi của tội thiết lập, quản trị, điều hành web để kinh doanh trái phép tiền điện tử, dịch vụ, hàng hóa trên mạng máy tính (Điều 306 - mới).
Thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao còn cho thấy nhiều website thương mại điện tử tồn tại lỗ hổíng bảo mật bị các hacker lợi dụng tấn công thu thập trái phép thông tin thẻ ngân hàng của khách hàng đã mua hàng trực tuyến. Sau khi đánh cắp thu thập thông tin tài khoản, có đối tượng trực tiếp sử dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của chủ thẻ, có đối tượng mua bán thông tin này để kiếm lời. Hiện nay, việc mua các thông tin tài khoản khá dễ dàng, dao động từ 1 - 2 USD đã có thể mua được thẻ VISA, MASTER; từ 5 - 10 USD đã có thể mua các loại thẻ như AMEX, DISCOVERY. Đây chính là những hành vi được các nhà làm luật hình sự hóa tại Điều 304 về Tội thu nhập tàng trữ, trao đổi mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng.
Với những sửa đổi này, dự thảo đã luật hóa được những diễn biến mới của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất, sự tương thích những quy định mới, cần bổ sung yếu tố “sử dụng công nghệ cao để phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội danh tại những điều như: Điều 172 (Tội trộm cắp tài sản), Điều 173 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), Điều 212 (Tội làm tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, công cụ chuyển nhượng giả, các giấy tờ có giá giả khác), Điều 332 (Tội đánh bạc), Điều 333 (Tội tổ chức đánh bạc), Điều 336 (Tội rửa tiền)… Đồng thời có sự điều chỉnh các thuật ngữ cho phù hợp với quy định của Luật Công nghệ thông tin và Luật Viễn thông hiện hành.
Phùng Hương (daibieunhandan.vn)