Chọn lựa người có đức, có tài, có tâm, có tầm vào cơ quan dân cử
12:20 PM 05/10/2015 | Lượt xem: 2828 In bài viết |Thống nhất với ý kiến giải trình tiếp thu của UBTVQH về mô hình tổ chức CQĐP, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, đây là mô hình hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp mới được đa số ĐB Quốc hội kỳ vọng. Việc xác định mô hình tổ chức CQĐP là mô hình vàng để tiếp tục khẳng định củng cố, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện sâu sắc rõ nét bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thống nhất với ý kiến giải trình tiếp thu của UBTVQH về mô hình tổ chức CQĐP, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, đây là mô hình hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp mới được đa số ĐB Quốc hội kỳ vọng. Việc xác định mô hình tổ chức CQĐP là mô hình vàng để tiếp tục khẳng định củng cố, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện sâu sắc rõ nét bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh: Đây là phương án tối ưu vừa bảo đảm tính hợp hiến vừa thể hiện được bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, phù hợp với Điều 111 Hiến pháp 2013 đã quy định. Mặt khác, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, nếu bỏ HĐND cấp huyện, phường là vi hiến. Bởi theo Hiến pháp 2013, ngoài HĐND không có chủ thể nào nào được bầu UBND.
Trước ý kiến cho rằng hoạt động HĐND thời gian qua còn hình thức, theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), không phải do ĐB mà do chưa trao cho HĐND những cơ chế, công cụ, biện pháp đủ mạnh, sắc bén và hữu hiệu để thực hiện chức năng của mình. “Tôi đề nghị dự thảo Luật phải xác định rõ hiệu lực pháp luật của các Quyết định, Nghị quyết của HĐND và kết luận Nghị quyết về giám sát của HĐND là bắt buộc thực hiện đối với UBND các cơ quan thuộc UBND, Chính quyền cấp dưới và tổ chức cá nhân liên quan trên địa bàn địa phương. Xác định rõ các cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm và chế tài xử lý trách nhiệm trong tổ chức thực hiện kết luận Nghị quyết của HĐND”, ĐB Vinh nói.
Tán thành với UBTVQH đây là vấn đề khó, phức tạp, ý kiến còn khác nhau nên phải tiến hành một cách thận trọng, từng bước vững chắc và đặt trong tổng thể việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị, song ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, UBTVQH tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu về vấn đề đổi mới mô hình CQĐP để phù hợp với khoản 2 Điều 111 Hiến pháp.
Đồng thời, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng bày tỏ sự tiếc nuối, băn khoăn khi Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã thí điểm 6 năm, nhưng chỉ có Chính phủ tổng kết mà Quốc hội chưa có thời gian thảo luận để đánh giá thành công và thất bại ở điểm nào, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn…
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị, làm rõ mô hình tổ chức CQĐP như dự thảo Luật có gì mới so với mô hình hiện nay?
Tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Về đại biểu HĐND, nhiều ý kiến ĐB tán thành việc quy định số lượng và tiêu chuẩn đại biểu HĐND trong Luật tổ chức chính quyền địa phương tương tự như Luật tổ chức Quốc hội nhưng đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở một số cấp hành chính.
Chỉ ra thực tế hiện nay cho thấy, ĐB chuyên trách giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của HĐND, ĐB Nguyễn Thanh Thuỵ (Bình Định) đề nghị, cần quy định cụ thể hơn số lượng ĐB chuyên trách.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, đây là nguyên nhân đầu tiên có tính quyết định hiệu quả của HĐND. Thời gian qua, ĐB HĐND kiêm nhiệm quá nhiều dẫn dến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, nên hoạt động mang tính hình thức chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Chỉ ra theo tinh thần sửa đổi lần này Luật được sửa đổi theo hướng tăng số lượng ĐB hoạt động chuyên trách nhưng ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, trong dự thảo Luật này số lượng ĐB chuyên trách vẫn không thay đổi và dường như Ban soạn thảo né tránh vấn đề này. Dẫn chứng tại Khoản 3 Điều 18 quy định Trưởng các Ban có thể hoạt động chuyên trách, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, nếu không sửa đổi thì hiệu quả hoạt đông sẽ giới hạn ở hình thức, “đâu lại vào đấy”. Trên cơ sở đó, kiến nghị cần quy định trong dự thảo Luật tỷ lệ ĐB chuyên trách ở mỗi cấp, ít nhất là 30% ở cấp tỉnh, 20% cấp huyện, 15% cấp xã. Đồng thời, quy định hạn chế thấp nhất số lượng đại biểu HĐND đồng thời là lãnh đạo hoặc cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.
Mặt khác, theo ĐB Huỳnh Nghĩa, tuy mỗi cử tri ở nước ta có 4 cấp đại diện ở các cơ quan dân cử nhưng “ở đâu đó” tình trạng người dân có những việc oan trái vẫn cứ xảy ra, đặc biệt các nguyện vọng chính đáng, bức xúc của họ vẫn chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ, việc thực hiện quyền làm chủ còn nặng tính hình thức. Do đó, bên cạnh việc thông qua Luật tổ chức CQĐP sửa đổi lần này, cần sớm thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, tạo cơ chế giới thiệu người ra ứng cử thật sự dân chủ, chọn lựa người có đức, có tài, có tâm, có tầm vào cơ quan dân cử để đại biểu gần dân một cách thực chất.
Để nâng cao chất lượng hiệu quả của HĐND, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị, dự thảo Luật quy định cụ thể số lượng ĐB chuyên trách tối thiểu căn cứ vào số lượng các Ban HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện…
Thu Hằng (CPV)