Cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập

02:21 PM 09/10/2015 |   Lượt xem: 12222 |   In bài viết | 

(Chinhphu.vn) - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; ban hành các quy định về điều hành, thực hiện dự toán để địa phương chủ động thực hiện.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời cử tri tỉnh Hải Dương như sau:

Về đề nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập

Cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Trên cơ sở tổng kết đánh giá thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, thực hiện chương trình xây dựng văn bản, Bộ Tài chính được giao xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định, sửa đổi Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ theo hướng quy định các vấn đề chung, làm căn cứ cho các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng các Nghị định riêng quy định đối với từng lĩnh vực cụ thể.

Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ); trong đó tại Điều 22 quy định Nghị định này làm căn cứ để các Bộ (Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Khoa học và Công nghệ) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Tiếp đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/3/2015 của Chính phủ; trong đó quy định trong Quý III/2015 các Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; khoa học và công nghệ; thông tin truyền thông; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (Quý II/2015). Đồng thời trong Quý III-IV/2015 các Bộ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực trên.

Đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 89/TTr-BTC ngày 26/6/2015 trình Chính phủ về ban hành Nghị định này.

Trong khi chưa ban hành hoặc sửa đổi Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực cụ thể nêu trên, các đơn vị sự nghiệp công lập được tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Về ban hành các quy định về điều hành, thực hiện dự toán để địa phương chủ động thực hiện

Hàng năm căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính ban hành Quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho địa phương với những hướng dẫn cụ thể về nội dung nhiệm vụ chi và kinh phí thực hiện tương ứng, đồng thời ban hành Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước.

Các quy định hướng dẫn này ngoài một số nguyên tắc buộc phải theo quy định của pháp luật hiện hành (Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khoa học và công nghệ, Nghị quyết của Quốc hội, các quy định về thời gian giao dự toán, báo cáo tình hình thực hiện ...) thì đều được xây dựng theo hướng giao quyền chủ động cho địa phương thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội cụ thể.

Do vậy, thời gian và nội dung quy định về điều hành, thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước đều được thực hiện trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ban biên tập (Chinhphu.vn)