Hội nghị khoa học “Những vấn đề mới về tộc người và chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay”
09:57 PM 16/11/2018 | Lượt xem: 7901 In bài viết |Sáng 16/11, tại Hà Nội, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị Dân tộc học năm 2018 với chủ đề “Những vấn đề mới về tộc người và chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay”. PGS. TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các nhà quản lý, nhà khoa học, dân tộc học, giảng viên liên quan đến lĩnh vực dân tộc, đến từ một số cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương và các tổ chức nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS. TS. Bùi Nhật Quang nêu rõ: Cùng với nhiều kết quả đạt được thời gian qua, vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc ở nước ta còn tồn tại, nảy sinh nhiều nội dung mới cần được tiếp tục nghiên cứu, giải quyết kịp thời, hiệu quả hơn. Trong đó, đáng chú ý là: kinh tế phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững; năng suất lao động thấp; hiệu quả đầu tư chưa đạt như kỳ vọng; sự phân hóa xã hội và chênh lệch khoảng cách phát triển, nhất là mức độ giàu nghèo giữa các vùng miền, giữa các dân tộc; sự phân bố lại dân cư của các tộc người; văn hóa của các tộc người biến đổi nhanh chóng; tình trạng suy thoái tài nguyên thiên nhiên, tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai…
Trong khi đó, quá trình hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc còn một số hạn chế, bất cập nhất định, hiệu quả chưa cao, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển chung của đất nước và của các tộc người trong tình hình mới. Hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc còn chưa thực sự hoàn thiện, thống nhất ở các địa phương, dẫn đến công tác xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Trong bối cảnh như vậy, việc nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, bản chất, các yếu tố tác động và ảnh hưởng của những vấn đề lý luận và thực tiễn mới về tộc người và chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay, nhằm xây dựng cơ sở khoa học góp phần đổi mới việc hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc, giải quyết tốt hơn các vấn đề dân tộc ở nước ta, đồng thời góp phần phát triển bền vững các tộc người và xây dựng cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam trong bối cảnh mới, hội nhập quốc tế hiện nay có vai trò quan trọng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm và trao đổi một số nội dung trong các báo cáo nghiên cứu như: các bất cập của chính sách dân tộc trong thực tiễn (cách tiếp cận, chậm đổi mới, vai trò và sự tham gia của người dân…); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động của chính sách; phương thức tạo động lực để đồng bào tự nguyện thoát nghèo; bảo tồn văn hóa tộc người; ngôn ngữ và tên gọi của dân tộc, xác định thành phần dân tộc; giải pháp tạo sinh kế, giải quyết việc làm; phát triển nguồn nhân lực người DTTS; sự vận động và xu hướng phát triển của các yếu tố liên quan đến tộc người…
Từ 227 báo cáo nhận được, Hội nghị Dân tộc học năm 2018 đã chọn lọc và đưa vào danh mục 107 báo cáo tham luận trên nhiều lĩnh vực, từ các nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương, quan tâm đến vấn đề tộc người và chính sách dân tộc ở nước ta. Hội nghị đã góp phần nhận diện, cập nhật, đánh giá các vấn đề mới về tộc người và chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay, từ đó làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch nghiên cứu, đào tạo về dân tộc học. Đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện thành công chính sách dân tộc cũng như giải quyết tốt hơn vấn đề dân tộc, tộc người của nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Việt Cường