Hội thảo Thực trạng hướng nghiệp, dạy nghề và xây dựng Mô hình đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam Bộ

10:35 AM 11/03/2016 |   Lượt xem: 5945 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo, chuyên viên các Ban Dân tộc và các Sở, ngành thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh; UBND, các phòng, ban thuộc các huyện của tỉnh Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh.

Đề tài “Nghiên cứu mô hình đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn khu vực Tây Nam Bộ” đang được triển khai tại 03 tỉnh của Tây Nam Bộ, gồm Kiên Giang, An Giang và Trà Vinh. Trong năm 2015, Ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với Vụ Địa phương III, Ban Dân tộc và các Sở, ban ngành của tỉnh, UBND các huyện và các phòng, ban của huyện, UBND xã…thuộc 3 tỉnh tiến hành điều tra khảo sát về công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh nữ ở các trường THCS, PTDTNT huyện, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện, Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề huyện, Trung tâm học tập cộng đồng..., kinh nghiệm xây dựng mô hình đào tạo nghề cho phụ nữ DTTS tại các địa bàn nghiên cứu trong thời gian qua.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận nhận định: Công tác hướng nghiệp, tư vấn, đào tạo nghề cho người DTTS nói chung trong đó có học sinh nữ, phụ nữ DTTS nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và ban hành nhiều chính sách để khuyến khích học nghề như QĐ 1956/QĐ-TTg, 267/QĐ-TTg, 295/QĐ-TTg, 74/2008/QĐ-TTg, 29/2013/QĐ-TTg... Thực trạng công tác đào tạo nghề cho phụ nữ DTTS tại các địa phương đã đạt được một số thành tựu nhất định song còn nhiều hạn chế và khó khăn: Một số chính sách ban hành chưa phù hợp với thực tế ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; một số nơi tổ chức đào tạo nghề không phù hợp với nhu cầu lao động của doanh nghiệp ở địa phương và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó một số chị em phụ nữ DTTS học nghề rồi không có việc làm hoặc việc làm không đúng ngành nghề, dẫn đến lãng phí ngân sách đào tạo; công tác giáo dục hướng nghiệp cho các em nữ trong các trường học còn hạn chế, tâm lý phổ biến của học sinh và phụ huynh vẫn mong muốn học lên để lấy bằng đại học, cao đẳng chứ không muốn học nghề hoặc trung học chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo chưa có giáo viên chuyên trách về công tác hướng nghiệp...

Qua thực tế tại địa phương, các đại biểu cũng đề xuất cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp chính quyền cơ sở, trong đó tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nghề phải là một chỉ tiêu trong Nghị quyết của HĐND tỉnh; có chính sách kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp tại địa phương hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nữ, bổ sung chính sách đào tạo nghề cho phù hợp với tình hình địa phương, quan tâm hơn nữa đến vùng khó khăn trong đó đối tượng là nữ cần được ưu tiên...

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Ngô Quang Sơn, Viện trưởng Viện Dân tộc, Chủ nhiệm đề tài ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình đào tạo nghề cho phụ nữ DTTS ở các xã đặc biệt khó khăn khu vực Tây Nam Bộ. Ông cũng đề nghị, vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ DTTS cần được các cấp, các ngành ở địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa.

Phương Đoàn