Xây dựng bộ tài liệu “Tiếp cận nhân học trong công tác dân tộc ở Việt Nam”
05:17 PM 28/06/2016 | Lượt xem: 6793 In bài viết |Tham dự Hội thảo có đại diện Hội đồng dân tộc Quốc hội; các nhà khoa học; đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam; Lãnh đạo, chuyên viên một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT và đại diện Ban Dân tộc một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong những năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Tuy tình trạng nghèo tuyệt đối đã giảm đáng kể nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức độ nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn phổ biến. Mặc dù Nhà nước đã dành một nguồn ngân sách không nhỏ cho việc giảm nghèo ở vùng DTTS tuy nhiên đây vẫn là nhóm dân số chịu nhiều thiệt thòi về mặt kinh tế - xã hội. Thực tế này cho thấy sự cần thiết phải rà soát các chương trình, chính sách giảm nghèo để giải quyết tốt hơn những vấn đề đa diện của nghèo đói ở vùng DTTS và đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Toàn cảnh Hội thảo
Việc xây dựng Bộ tài liệu “Tiếp cận nhân học trong công tác dân tộc ở Việt Nam” nằm trong chương trình hỗ trợ của tổ chức UNESCO cho UBDT trong việc cụ thể hóa cách tiếp cận nhân học và phù hợp văn hóa trong phát triển.Việc ứng dụng cách tiếp cận đa chiều lấy con người làm trung tâm này sẽ giúp cho các chương trình chính sách gắn liền với thực tế phát triển và đảm bảo mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng được hưởng lợi. Đồng thời việc tiếp cận từ quan điểm nhân học cũng giúp cho người làm chính sách tại địa phương có thể linh hoạt, sáng tạo trong cách triển khai chính sách cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa người dân sinh sống tại địa phương. Từ đó, có thể đánh giá đầy đủ, chính xác về hiệu quả của chính sách.
Các chuyên đề trong bộ tài liệu tập huấn bao gồm: Đa dạng văn hóa và phát triển; sự tham gia của người dân trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc; tri thức địa phương và phát triển bền vững; phát triển cộng đồng dựa vào nguồn lực địa phương và chương trình điền dã để thực hành các kiến thức thu nhận được trong suốt khóa tập huấn. Hội thảo lần này tập trung thảo luận, góp ý đối với 3 chuyên đề: Đổi mới công tác truyền thông phát triển ở cộng đồng; văn hóa vùng và phát triển; phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của cộng đồng.
Sau khi nghe các giảng viên Trường Cán bộ dân tộc (UBDT) trình bày nội dung các chuyên đề bổ sung trong bộ tài liệu, các chuyên gia, các đại biểu tham dự đã đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực vào dự thảo bộ tài liệu, một số ý kiến cho rằng: Cần tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát về nhu cầu của người học để biên soạn nội dung bài giảng tránh sự trùng lặp; nên thay đổi tên gọi chuyên đề “Đổi mới công tác truyền thông phát triển ở cộng đồng” cho phù hợp hơn; việc đổi mới truyền thông cần phải gắn với văn hóa đồng bào dân tộc; cần tiếp cận cụ thể hơn việc phân tích đặc điểm của từng vùng miền trong chuyên đề “Văn hóa vùng và phát triển”; nên đưa ra các tiêu chí đánh giá phát triển của mỗi vùng; xác định mục tiêu đánh giá cho phù hợp đối với chuyên đề “Phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của cộng đồng”…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu cũng như sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ biên soạn và các nhà khoa học trong việc xây dựng và hoàn thiện bộ tài liệu. Trong quá trình hoàn thiện bộ tài liệu, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị Trường Cán bộ Dân tộc cần chú ý gắn việc tiếp cận nhân học với công tác dân tộc, chính sách dân tộc, vấn đề của các dân tộc đang diễn ra; thống nhất trong việc sử dụng các phương pháp tiếp cận; việc ứng dụng các chuyên đề phải đảm bảo mang lại hiệu quả đối với người học, người dùng, người làm công tác dân tộc; cần cụ thể hóa bộ tài liệu, có hướng dẫn sử dụng tài liệu theo những phương pháp khác nhau dành cho từng đối tượng khác nhau; đổi mới cách đánh giá bằng định lượng; việc tổ chức hội thảo cần khoa học hơn để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc.
Ngọc Ánh - Huyền Trang