Việc hôn nhân của các cặp nam - nữ thanh niên khi trưởng thành, đã trở thành quy luật và nguyên tắc chung của toàn xã hội nói chung, người Thái Mường Lò nói riêng.
Hôn nhân của người Thái đen là hôn nhân theo kiểu phụ hệ. Nguyên tắc cơ bản của hôn nhân người Thái đen Mường Lò là ngoại hôn dòng họ và hôn nhân một vợ một chồng bền vững. Xưa kia người Thái chỉ kết hôn với người Thái, nhưng ngày nay việc lấy vợ lấy chồng dân tộc khác cũng được chấp nhận với điều kiện: Dâu, rể của các dân tộc khác phải tôn trọng phong tục tập quán của người Thái.
Một đám cưới cổ của người Thái Mường Lò được tổ chức qua 6 bước: “Chóm pạư” - Thăm dò, “Pay tham pạư” - Đi ăn hỏi, “Khắt mák pú nợ” - Cắm lá trầu bé, “Khắt mák pú luông” - Cắm lá trầu lớn, “Tỏn pạư” - Đón dâu, “Ngái hua păn chường khá”- Tiệc đầu nhận lễ. Trong đó lễ đón dâu rất được coi trọng. Đây là bước quan trọng nhất, được cả nhà trai và nhà gái tiến hành rất thận trọng, bởi từ giây phút trọng đại này, cô dâu chính thức trở thành một thành viên của nhà trai, từ đây hai gia đình đều chung tay giữ gìn cho bếp lửa gia đình đôi trẻ mãi nồng ấm.
Nhà trai đem lễ vật sang nhà gái, còn nhà gái cũng chuẩn bị lễ vật cho nhà trai.
Bước tiếp theo là: “Khửn cẩu” hay còn gọi là: “Tằng cẩu” tức là búi tóc. Lễ này tiến hành tại nhà gái trước khi diễn ra lễ đón dâu vài giờ. Trước đó cô dâu gội đầu bằng nước vo gạo nếp cùng các loại lá thơm. Khi gội cô dâu được hai cô phù dâu giúp, xõa tóc thả xuống dòng nước gội đầu, vừa như ước mong mọi điều rủi ro sẽ trôi đi, chỉ còn lại trên đầu con vía tốt lành - “khuôn hua”. Gội xong, cô dâu được các cô phù dâu dìu về ngồi ngay ngắn trên sàn nhà, quay về phía mặt trời mọc, người dì (em mẹ chồng) khỏe mạnh, đức độ tằng cẩu cho cháu dâu (người tằng cẩu gọi là “nai cẩu”) trước sự chứng kiến của hai họ. Búi xong “nai cẩu” gài trâm vào búi tóc và hát: “Mái tóc dài, chải cho mượt/ Búi ngược lên thành “Tằng cẩu”/ Từ nay về sau, người đã có chồng/ Nước không đổi dòng/ Lòng không đổi hướng, con ơi”. (trong lễ vật của nhà trai, bao giờ cũng có hai búi tóc của bà, của mẹ chồng lựa gom sau mỗi lần chải cùng một chiếc trâm bạc, lúc này được búi cùng tóc của cô dâu. Từ nay cô dâu chỉ buông tóc xuống khi gội, ai tự ý thả xuống bị cộng đồng cho là người hư hỏng. Trách nhiệm, đạo lý mang tính truyền thống được trao cho cô dâu mới được biểu đạt vô cùng tinh tế).
Lúc này nhà trai làm tiếp các thủ tục như: Trải chăn đệm cho đôi vợ chồng trẻ - “sú phả”, nộp tiền công ở rể - “nộp ngướn công khươi”, bày mâm để trao tặng đôi vòng bạc cho bố mẹ vợ - “tánh khảu khen”, vải tặng mẹ vợ có ý biết ơn công mang nặng đẻ đau, nuôi dạy người vợ thân yêu của mình - “phả tốm kháư tốm ưn”, xin của cải nhà gái - “so sính so khong”, giao rể - “nộp khươi” và mời nhà gái sang nhà trai dự mừng vía - “so lúng ta tom khảu tám khuôn”... Đại diện nhà trai hát bài: “Chốm pạư” - mừng dâu.
Nhà gái hát bài: “Chốm khuôn” - mừng hồn vía dâu rể: Bên nhà trai hát xin của; bên gái lịch sự hát cho của, nhà gái nhún mình kêu nghèo khó, nhưng rồi cũng sẽ lo liệu đầy đủ những gì nhà trai yêu cầu.
Cuối cùng nhà trai hát mời ông bà thông gia cùng đến nhà trai mừng dâu rể.
Đúng giờ tốt lễ đưa dâu tiến hành, nhà trai cử người khiêng lễ vật nhà gái tặng. Trước khi đưa dâu, bà mối của nhà trai đưa cho bà mối của nhà gái số tiền tương đương với 50.000 đồng ngày nay, tiền này khi cô dâu đến nhà trai sẽ được đặt vào mâm cúng, gọi là tiền mừng vía dâu rể - “ngớt tám khảu”. Khi đoàn người đón, đưa dâu tới nơi, nhà trai trải chiếu bên trong cửa chính, trên có mâm với những chén rượu đã rót đầy, mỗi người đưa dâu của nhà gái đều được mời cạn một chén và ăn một miếng trầu để tỏ tình thân thiện rồi mới được vào nhà, tục này gọi là “Lảu suối tin” - rượu rửa chân, mang ý nghĩa từ nay hai nhà coi nhau như ruột thịt, mọi người khỏe mạnh, không đau gối chồn chân, những bụi bặm đời thường được rửa sạch để từ nay chung tay xây dựng cuộc sống mới.
Khi cô dâu vào nhà, bà mối hai bên cùng đưa cô dâu đến quỳ trước bàn thờ tổ tiên khấn lạy ba vái để báo cáo, rồi đi lạy từng mâm cỗ, những người đến dự ở từng mâm nhẹ nhàng chúc tụng và khuyên bảo đôi vợ chồng trẻ điều hay, lẽ phải, tục này gọi là: “Paự ók nả ro quám bok quam son” - ra mắt xin lời dạy bảo. Sau khi lạy hết các mâm, hai vợ chồng lại đi lạy từng mâm rượu lần nữa, với mục đích xin con xin cái - “So nó so nin”, có nghĩa là: Xin măng xin chàm, ngụ ý xin con. Khi dâu rể lạy xong những người ngồi mâm rượu uống mỗi người một chén rồi bỏ tiền mừng vào một chiếc đĩa kèm theo bốn chén rượu, đưa dâu rể uống mỗi người một chén để lấy lộc sinh con, hai bà mo cũng uống, mọi người vui vẻ chúc mừng dâu rể.
Gian nhà ngủ của dâu rể được sắp sẵn hai mâm cỗ, mâm trên bày thức ăn đã chế biến, mâm dưới là thủ lợn, bốn chân giò, tim, gan… một chiếc vòng cổ bằng bạc đặt vào thủ lợn - chiếc vòng cổ này của mẹ chồng cho dâu sau khi cúng xong. Có hai ngọn nến được thắp lên, hai nén hương cắm vào bát gạo, bà mo bắt đầu cúng hồn vía cho dâu rể, mâm này được gọi là: “Pán khuôn” - mâm cúng hồn vía. Ngồi mâm này gồm có anh em họ hàng thân cận nhất của hai bên thông gia. Họ bên trai ngồi trong mâm phải bỏ tiền vào đĩa để mừng vía, số tiền này theo khả năng từng người, gọi là tiền mừng vía dâu rể - “Chốm khuôn pạư”. (Người Thái quan niệm hai ngọn nến cháy hết và thẳng hoặc nghiêng vào nhau là điềm lành, ngược lại hai vợ chồng trẻ sẽ trải qua nhiều khó khăn, trở ngại).
Tiệc vui tiếp tục, bên trai hát bài “chốm pạư” - mừng dâu và các bài “chốm khuôn” - mừng hồn vía dâu rể, “đa nén” - xem số thọ… Bên gái hát bài “chốm đa nén” - cảm ơn lời cầu và nhiều bài giao duyên khác. Những lời hát nhẹ nhàng, tinh tế, đầy ẩn ý với những triết lý nhân sinh được đúc rút từ ngàn đời làm cho mỗi người thêm thấm hơn nghĩa vụ và trách nhiệm trước cuộc sống.
Trần Vân Hạc (baotintuc.vn)