Kỳ họp thứ 10: Quốc hội thông qua 16 luật

12:14 PM 10/10/2015 |   Lượt xem: 3370 |   In bài viết | 

Dự kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thông qua 16 dự án luật, trong đó có một số đạo luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Phí, lệ phí...

Sáng 14/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, phiên họp thứ 39 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Theo Tờ trình do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, dự kiến tại kỳ họp thứ 10 dài 28 ngày. Quốc hội sẽ dành 18 ngày cho công tác xây dựng pháp luật, trong đó thông qua 16 dự án luật, đồng thời xem xét, thảo luận các vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng như thông lệ.

Cụ thể, kỳ họp sẽ thông qua một số đạo luật quan trọng, liên quan tới đời sống xã hội và người dân như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Phí, lệ phí...

Các ý kiến tại phiên họp tập trung thảo luận vào những hoạt động quan trọng của Quốc hội, đặc biệt là phiên chất vấn sẽ xem xét việc tổng kết thực hiện các Nghị quyết đã được thông qua tại các kỳ họp. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Báo cáo tổng kết hoạt động Quốc hội của toàn khóa.

Tương tự, do khối lượng xây dựng luật rất nặng, nên yêu cầu đặt ra là các dự án luật chuẩn bị kỹ càng, đảm bảo bao quát hết nội dung điều chỉnh, tránh trùng lặp. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nếu dự luật nào chưa đạt được các điều kiện thì có thể để lùi lại chưa xem xét, thảo luận hoặc thông qua.

Kỳ họp thứ 9 vừa qua được đánh giá kết thúc tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Công tác lập pháp được đẩy mạnh với việc Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận, xem xét, thông qua 11 luật, 9 nghị quyết và cho ý kiến về 15 dự án luật khác nhằm tiếp tục triển khai thi hành, thể chế hoá Hiến pháp. Trong đó, các dự án luật quan trọng về tổ chức bộ máy đã tạo cở sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về Tờ trình của của Chánh án TANDTC về việc thành lập tòa án nhân dân một số huyện, thị xã thuộc tỉnh; Tờ trình của Viện trưởng Viện KSNDTC về chế độ phụ cấp lãnh đạo, quản lý; bổ sung biên chế, chế độ tiền lương và phụ cấp của chức danh pháp lý; chế độ cấp phát và sử dụng trang phục của Viện KSND; việc thành lập viện kiểm sát nhân dân ở một số đơn vị hành chính cấp huyện vừa được chia tách, thành lập mới.

Nguyên Linh (chinhphu.vn)