Nạn tảo hôn ở miền Tây Nghệ An

10:43 AM 19/09/2017 |   Lượt xem: 6989 |   In bài viết | 

Tuyên truyền về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và tình trạng tảo hôn cho người dân ở tỉnh Nghệ An

Hờ Y Xùa quê ở xã Nậm Cắn kể, trong lần xuống chợ Mường Xén gặp một chàng trai ở bản Phà Bún, xã Huồi Tụ, huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Chàng trai thấy ưng cái bụng, đã “bắt” Xùa về làm vợ. Năm đó, Xùa mới chớm tuổi 13. Năm Xùa 26 tuổi, đứa con gái đầu cũng vừa tròn 13, học lớp 7. Con gái của Xùa cũng yêu và lấy một chàng trai ở xã Nậm Cắn. Và Bá Chiển 22 tuổi, bản Huồi Ức 2, xã Huồi Tụ vào Tây Nguyên làm kinh tế mới đã cưới cô gái cùng dân tộc Mông Trịnh Thị Dợ, khi cô mới tròn 11 tuổi.

Nói chuyện tảo hôn, Trưởng bản Huồi Ức 2, ông Và Xỉ Mùa không vui khi kể, con gái thứ hai của ông cũng bị con trai Nậm Cắn “bắt” đi làm vợ lúc 12 tuổi. Theo ông Mùa, riêng bản Huồi Ức 2, mỗi năm có khoảng từ năm đến bảy cặp trẻ con lấy nhau. Thống kê của UBND xã Huồi Tụ, trung bình mỗi năm có khoảng hơn mười học sinh cấp 2 bỏ học để lấy chồng.

Huyện Tương Dương nằm trong diện Chương trình 30a, mỗi năm có hàng chục trường hợp tảo hôn, nhiều trường hợp kết hôn khi chỉ mới 13, 14 tuổi. Tại bản Phá Lõm tất cả người dân đều là đồng bào Mông, nhiều bé gái dù mới chỉ 13, 14 tuổi, đang ở độ tuổi cắp sách đến trường đã làm vợ, làm mẹ. Cặp vợ chồng Xồng Y Xua và Lầu Bá Kỷ là một trong 33 trường hợp tảo hôn ở xã Tam Hợp trong ba năm qua. Thời điểm kết hôn vào năm 2015, lúc đó Y Xua mới chỉ 14 tuổi, Lầu Bá Kỷ chồng của Y Xua cũng chưa đủ tuổi kết hôn, dù hơn vợ một tuổi. Y Xua cho biết, bỏ học năm lớp 7, rồi đi lấy chồng, hằng ngày, chồng đi rẫy với bố mẹ, còn Xua chỉ biết ở nhà trông con, nhiều việc chưa biết làm. Con nhỏ, lại ốm đau suốt, chỉ biết trông cậy vào ông bà nội ngoại, vất vả khổ sở đủ bề.

Nhìn Hờ Y Mỉ, không ai nghĩ đã kết hôn bởi em chưa đến 12 tuổi, Lầu Bá Chống, chồng Y Mỉ cũng chỉ vừa tròn 16 tuổi. Còn rất nhiều trường hợp như Y Mỉ, Y Xua, Y Chò, Y Dở... lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn. Danh sách những cặp vợ chồng tảo hôn ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương hiện vẫn đang tiếp tục nối dài. Không chỉ có xã Tam Hợp là điểm nóng tảo hôn, các xã Lượng Minh, Xá Lượng, Nga My, Lưu Kiền, Mai Sơn..., tình trạng tảo hôn cũng đang tiếp tục gia tăng. Chỉ trong ba năm, huyện Tương Dương có tới 97 trường hợp tảo hôn. Chỉ tính riêng năm 2016 và sáu tháng đầu năm 2017 đã có hơn 84 cặp tảo hôn.

Về các xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm của huyện Quỳ Châu, đây cũng là những xã có hầu hết người Thái sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo hơn 60%. Tới bản Đôm, xã Châu Phong, nhắc đến câu chuyện của vợ chồng Vi Thị T và Sầm Văn C thì ai cũng biết. 14 tuổi, đang là học sinh lớp 9 của trường huyện nhưng sau khi nghỉ Tết, T không đến trường nữa vì lý do phải lấy chồng là C (16 tuổi) ở bản kế bên. Đến nay, tuổi chưa đến 20 nhưng vợ chồng T và C đã có với nhau hai con.

Ở huyện Quỳ Hợp, nạn tảo hôn khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường thậm chí đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với các thầy cô và đoàn thể xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có khoảng hơn 40 cặp vợ chồng tảo hôn. Nhiều xã hiện nay, tình trạng tảo hôn còn cao như Châu Thành, Liên Hợp, Châu Hồng, Châu Quang... Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp đã ra Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tảo hôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 - 2020.

Chủ tịch UBND xã Tam Hợp Nguyễn Anh Minh cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng nêu trên là do chính quyền xã chưa có biện pháp xử lý về mặt pháp luật, mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động đối với các trường hợp này. Một số cán bộ, đảng viên còn chưa thật sự gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật về hôn nhân gia đình, một số con em cán bộ, đảng viên vẫn còn tảo hôn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động cũng chưa thật sự hiệu quả. Mặc dù quan hệ hôn nhân không được pháp luật thừa nhận nhưng hiện tại xã chưa tiến hành xử phạt được trường hợp nào.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Để thực hiện hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 1-10-2015, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Kế hoạch 599/KH-UBND về “Kế hoạch thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Theo đó, UBND tỉnh đã trực tiếp giao cho các Sở, ban, ngành nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể địa phương… thực hiện hiệu quả Kế hoạch 599/KH-UBND trên địa bàn. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An là một trong những đơn vị có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch dài hạn để tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Qua đó, việc xây dựng và nhân rộng mô hình làm tốt công tác này cũng đã được triển khai trên địa bàn trong những năm qua.

Việc xóa bỏ nạn tảo hôn cần sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, cần chú trọng, nhân rộng hơn nữa các mô hình làm tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để các gia đình hiểu rõ hơn về hệ quả của việc ép con cái lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

PV

Tin khác