TIÊU ĐIỂM |
Vụ mía 2016 - 2017: Nông dân miền Trung thiệt đơn, thiệt kép
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tuy đã giữa vụ, nhưng chữ đường niên vụ 2016 - 2017 đang ở mức thấp. Đặc biệt, tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và Nam bộ, chữ đường đều dưới 10 CCS, nhiều nơi dưới 9 CCS. Nguyên nhân do bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề trong năm 2016 và mưa lụt liên tiếp trong nửa đầu vụ 2016 - 2017.
Chữ đường giảm
Viện Nghiên cứu Mía đường (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, chữ đường của mía ở các tỉnh từ miền Trung trở vào có thể giảm bình quân từ 1 - 1,5 CCS so với niên vụ trước. Mưa nhiều cũng làm đảo lộn kế hoạch sản xuất của nhiều nhà máy đường. Bởi nhiều ruộng mía, đường vào ruộng lầy lội, rất khó đi lại… Nhiều vùng mía đã trổ cờ nhưng nông dân chưa thể thu hoạch do ruộng mía vẫn còn ngập nước, xe chở mía không thể vào. Chính vì vậy, nhiều nhà máy đường đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng, cứ làm ít ngày lại phải tạm nghỉ vài ngày. Nhiều nhà máy phải lui thời gian vào vụ. Chẳng hạn, Nhà máy đường Khánh Hòa, mọi năm vào vụ trong tháng một, năm nay phải lùi sang tháng hai. Trong khi đó, tại thời điểm này, phần lớn diện tích mía trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được thu hoạch. Các ruộng mía đều chờ thời tiết nắng trở lại, ruộng mía khô hẳn thì xe vận chuyển mới vào được để thu hoạch mía. Vì vậy, hiện những hộđăng kýbán mía cho Công ty CP Đường Khánh Hòa vẫn chưa chặt mía.
Đặc biệt, những diện tích mía thu hoạch đầu vụ chữ đường rất thấp, cao nhất chỉ đạt 6 - 7 CCS. Chữ đường thấp là nguyên nhân chính khiến các nhà máy không muốn thu mua. Đây cũng là cái cớ để thương lái lợi dụng ép giá nông dân.
Chi phí sản xuất tăng
Dù vụ ép mía chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc nhưng phần lớn diện tích mía tại khu vực miền Trung vẫn chưa thể thu hoạch do thời tiết thất thường. Tình trạng này khiến nông dân trồng mía và các nhà máy đường đứng ngồi không yên.
Tại Khánh Hòa, hầu hết các ruộng mía đã trổ cờ, nhưng nhiều diện tích vẫn còn lầy lội do các đợt mưa vừa qua khiến người dân chưa thể thu hoạch. Do các ruộng mía bị ngập nước nên muốn thu hoạch, người trồng mía phải trung chuyển mía từ ruộng ra đường lớn để đưa lên xe, chi phí vận chuyển tăng thêm khoảng 100.000 đồng/tấn. Vì vậy, dù giáthu mua mía năm nay cónhỉnh hơn, nhưng nông dân phải chịu chi phítrung chuyển mía từruộng ra đường lớn nên thu nhập giảm. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư, công lao động tăng cao… khiến nông dân không có lãi.
Tại Bình Định, nhiều ruộng mía cũng đã trổ cờ nhưng diện tích mía được thu hoạch rất ít. Tại huyện Vĩnh Thạnh, đến thời điểm này, toàn huyện chỉ mới thu hoạch khoảng 50 héc-ta mía trong số hơn 166 héc-ta, một phần do việc vận chuyển khó khăn bởi đường sá bị tàn phá trong đợt lũ vừa qua, một phần do chữ đường giảm mạnh... Bên cạnh đó, do chữ đường giảm mạnh nên các nhàmáy trên địa bàn tỉnh không mặn màthu mua. Thông tin từ Nhàmáy Đường An Khê (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) cho biết, niên vụnày nhàmáy dự kiến mua 15.000 tấn mía tại Bình Định, nhưng đến nay chỉ mới mua được khoảng 3.000 tấn dù còn 2 tháng nữa làkết thúc niên vụép mía.
Các hộ trồng mía ở Phú Yên cũng nằm trong tình trạng tương tự. Nhiều hộ gia đình ở xã Ea Bar, huyện Sông Hinh; xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa… cho biết, họ vẫn chưa thu hoạch mía do ruộng còn lầy lội. Nếu xe tải chạy vào sẽ “cày” nát gốc mía, không thể lưu gốc cho vụ sau nên đành chờ trời nắng mới thuê nhân công thu hoạch dù biết để càng lâu chữ đường càng giảm.
Trước tình hình này, UBND huyện Sơn Hòa - địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh Phú Yên đã phải chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn vận động nông dân thu hoạch sớm những diện tích mía gần đường lớn, khu dân cư, có khả năng xe tải vào được. Những diện tích mía nằm xa đường lớn, đường nội đồng bị lầy lội có thể thu hoạch và chuyển mía bằng xe công nông, xe bò đến nơi khô ráo, sau đó thuê xe tải vận chuyển mía đến nhà máy đường. Với các giải quyết này, dù chi phí vận chuyển tăng nhưng vẫn còn hơn là để mía ngoài ruộng quá lứa, trổ bông, giảm năng suất.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Đắk Lắk: Lợi nhuận tăng nhờ sản xuất cà phê có chứng nhận
Huyện Cư M’gar là vùng trọng điểm sản xuất cà phê vối của tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay, gần một nửa diện tích cà phê đã chuyển sang sản xuất cà phê có chứng nhận nên cho năng suất và lợi nhuận cao hơn.
Lượng cà phê này không những đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới, lợi nhuận tăng thêm mà còn giúp môi trường sống tại các vùng sản xuất cà phê ngày càng được cải thiện.
Hiện có gần 10.000 nông hộ, với 15.000 héc-ta cà phê tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận Utz và 4C, chiếm 45% diện tích cà phê trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong 10 đơn vị được cấp quyền sử dụng “Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột” thì có 100% đơn vị tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận Utz, 4C và RFA. Đây cũng là địa phương có số nông hộ, diện tích, sản lượng cà phê tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận nhiều nhất trong cả nước.
Tham gia chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận, các nông hộ được tập huấn về bộ tiêu chuẩn, nguyên tắc của chứng nhận, xác nhận để canh tác bền vững trên vườn cà phê. Sau khi được tập huấn, các nông hộ đã tổ chức sản xuất một cách hợp lý, khoa học, tiết kiệm chi phí mua vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm được lượng nước tưới trong mùa khô… nhưng năng suất, sản lượng, chất lượng cà phê tăng. Đặc biệt, nếu bà con thực hành tốt các quy trình trình sản xuất cà phê sạch, bón phân cân đối, tận dụng thêm phân chuồng ủ, hoặc phân hữu cơ vi sinh, năng suất đạt gần 3,4 tấn cà phê nhân/héc-ta. Trong khi đó, trước đây, sản xuất cà phê theo kinh nghiệm, năng suất năm cao nhất cũng chỉ được 2,8 tấn cà phê nhân/héc-ta. Đáng lưu ý, sản xuất theo quy trình mới giúp giảm lượng nước tưới từ 600 lít xuống chỉ còn 200 - 300 lít nước/gốc/lần tưới vào mùa khô. Về giá, sản phẩm cà phê nhân có tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận cũng được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn từ 30 - 60 đô-la Mỹ/tấn so với cà phê không có chứng nhận, xác nhận.
Tỉnh Đắk Lắk đang khuyến khích các doanh nghiệp, nông hộ mở rộng diện tích sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận để không những tăng thêm thu nhập cho các nông hộ mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trên các vùng trồng cà phê.
Đồng Nai: Phát triển thương hiệu đặc sản tôm càng xanh
Xã miền núi Trà Cổ (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) được xem là “thủ phủ” nuôi tôm càng xanh với diện tích ao nuôi tập trung lớn nhất của tỉnh Đồng Nai.
Cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/héc-ta/năm, nghề nuôi tôm càng xanh ngày càng khẳng định được vị thế là vật nuôi làm giàu chủ lực của bà con xã miền núi Trà Cổ. Đặc biệt, vào những ngày lễ, tết, bà con xã miền núi Trà Cổ lại tất bật thu hoạch đặc sản tôm càng xanh để phục vụ thị trường.
Toàn xã Trà Cổ hiện có 42 hộ nuôi tôm càng xanh với tổng diện tích khoảng 45 héc-ta. Năm 2015, Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh của xã Trà Cổ được thành lập với 32 hộ, diện tích nuôi tôm đạt chuẩn VietGAP của xã đã lên tới hơn 30 héc-ta. Thổ nhưỡng của xã Trà Cổ chủ yếu là đá tổ ong, đá mồ côi, đất kém màu mỡ. Do trồng lúa và hoa màu không hiệu quả nên người dân đã chuyển sang đào ao nuôi cá. Từ năm 2001, tận dụng lợi thế có nguồn nước từ các hồ chứa, nước sạch trong vắt từ các đồi đá ở trong vùng rỉ ra, người dân xã Trà Cổ bắt đầu nuôi thử nghiệm tôm càng xanh và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Thấy hiệu quả kinh tế vượt trội so với các cây, con truyền thống ở địa phương, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn, đào ao, đầu tư nuôi tôm càng xanh.
Tôm càng xanh Trà Cổ được thương lái thu mua để mang đi tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Tôm trong vùng có bao nhiêu đều được thương lái thu mua hết. Hiện nay, thương hiệu tôm càng xanh Trà Cổ được đánh giá cao về chất lượng và được thực khách ưa chuộng nên thị trường tiêu thụ rất lớn. Tuy nhiên, để giữ vững được thị trường và thương hiệu, bà con vùng nuôi tôm phải đảm bảo được chất lượng tôm sạch, đạt chuẩn VietGAP, không sử dụng kháng sinh.
MUA GÌ - BÁN GÌ |
Bình Thuận: Thanh long liên tục giữ ở mức giá cao
Từ sau tết đến nay, giá thanh long ở tỉnh Bình Thuận liên tục duy trì ở mức cao. Thanh long đạt chuẩn xuất khẩu thu mua tại vườn có giá trung bình từ 17.000 - 18.000 đồng/kg. Có thời điểm lên đến 20.000 đồng/kg. Với mức giá ổn định, các chủ vườn thanh long thu về lợi nhuận cao. Một lứa chong đèn (chừng 3 tháng), trừ chi phí, 1 héc-ta cho lãi hơn 100 triệu đồng.
Tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 26.500 héc-ta thanh long, sản lượng đạt 500.000 tấn/năm. Trong đó, hơn 80% là xuất khẩu qua Trung Quốc. Theo các chủ vựa thu mua, năm nay, thời tiết thất thường đã tác động đến sản lượng thu hoạch. Cung ít cầu nhiều dẫn đến giá bị đẩy lên mức cao trong thời gian dài.
Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa tăng mạnh
Vụ đông xuân ở một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: huyện Tam Nông, Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), huyện An Biên, Tân Biên (tỉnh Kiên Giang), tỉnh Sóc Trăng… đã bước vào đợt thu hoạch. Hiện nay, giá lúa nội địa vẫn có xu hướng tăng khá cao so với thời điểm trước tết. Trong 10 ngày đầu tháng 2/2017, giá lúa tươi tại ruộng IR50404 dao động từ 4.600 - 4.700 đồng/kg, tùy theo chất lượng và tăng khoảng 200 - 300 đồng/kg so với thời điểm trước tết. Giá lúa tươi OM5451 từ 5.200 - 5.300 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Lúa Jasmine 85 có giá 5.300 - 5.400 đồng/kg, tăng 50 - 100 đồng/kg. Riêng giá lúa OM4900 tăng khá cao, lên đến 5.300 - 5.400 đồng/kg. Giá gạo thu mua tại các nhà máy cũng tăng khá cao từ 200 - 500 đồng/kg, tùy từng chủng loại và chất lượng gạo.
Các doanh nghiệp cho biết, năng suất của trà lúa đông - xuân sớm năm nay giảm 30 - 40% so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết thay đổi thất thường khiến sâu bệnh nhiều hơn, ảnh hưởng đến năng suất lúa thu hoạch. Năng suất giảm là một trong những yếu tố khiến giá lúa gạo tăng.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 8/2, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống vụ đông xuân 2016 - 2017 ước khoảng 1,53 triệu héc-ta. Hiện đã có khoảng 230.000 héc-ta lúa đã được thu hoạch với năng suất trung bình đạt 5,9 tấn/héc-ta. Dự kiến, thu hoạch lúa đông xuân sẽ diễn ra từ nay đến hết tháng 3/2017. C.M
Tiền Giang: Mít được giá
Khoảng một tháng nay, giá mít trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng mạnh, nhà vườn trồng mít phấn khởi do thu được lãi cao. Hiện thương lái đến tận vườn thu mua mít Thái siêu sớm loại 1 (trọng lượng 9 kg/trái trở lên) với giá 27.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 20.000 đồng/kg, tăng 50% so với tháng trước. Giống mít Thái siêu sớm trồng chỉ 2 năm là đã cho thu hoạch, với năng suất dao động từ 35 - 40 tấn/héc-ta, kỹ thuật canh tác không quá khó, chi phí đầu tư thấp nên khá hấp dẫn nông dân. Với giá mít như hiện nay, mỗi năm nông dân trồng mít thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/héc-ta.
Những năm gần đây, mít Thái siêu sớm được xem là loại cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đến nay, tỉnh có gần 1.200 héc-ta mít Thái siêu sớm, tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã Thanh Hòa, Long Khánh, thị xã Cai Lậy. p.v
Phú Yên: Ngư dân trúng đậm cá ngừ
Sau nhiều ngày bám biển ăn tết và đánh bắt thủy sản, hàng chục tàu cá của ngư dân tỉnh Phú Yên đã cập Cảng cá Đông Tác (thành phố Tuy Hòa) với hàng trăm tấn cá ngừ đại dương.
Trung bình mỗi tàu đạt sản lượng từ 1,8 - 2,5 tấn cá. Với giá cá ngừ dao động từ 110.000 – 130.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng so với trước Tết Đinh Dậu, nên hầu hết các tàu đều có lãi từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng.
Được “lộc biển” đầu năm, hiện mỗi ngày có khoảng 10 tàu cá của ngư dân thành phố Tuy Hòa đăng ký với các đồn biên phòng vươn khơi đánh bắt xa bờ. Nhiều tàu cá khác cũng đang khẩn trương tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, đá ướp lạnh chuẩn bị xuất bến.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, từ đầu tháng 1/2017 đến nay, ngư dân đã khai thác được hơn 6.000 tấn hải sản; trong đó cá ngừ đại dương trên 200 tấn, tăng gần 10% so cùng kỳ năm trước.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Tăng nguồn cung tôm giống phục vụ sản xuất
Nhằm đáp ứng nhu cầu về giống, phục vụ tốt việc thả tôm vụ 1 năm 2017 cho các hộ nuôi, thời điểm này, các cơ sở giống thủy sản trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đang triển khai công tác sản xuất và cung cấp tôm giống, nhất là nguồn giống tôm thẻ chân trắng.
Hiện nay, toàn huyện Quỳnh Lưu có 650 héc-ta nuôi tôm thâm canh, tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương, An Hòa… Với diện tích đó, mỗi năm nhu cầu về nguồn tôm giống là rất lớn. Những năm trước, người nuôi tôm chủyếu phụthuộc vào nguồn cung giống từ các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, ĐàNẵng. Nhưng do vận chuyển đường dài với mật độ cao nên tôm giống bị yếu, tỷ lệ hao hụt lớn, khó kiểm soát mầm bệnh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, cơ sở trong tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng để sản xuất giống tại chỗ. Nhờ được kiểm dịch một cách chặt chẽ từ tôm bố mẹ cho đến khi có tôm giống xuất bán nên tỷ lệ sống thường đạt rất cao. Hơn nữa, các trại sản xuất còn thường xuyên lấy mẫu nước để xác định độ mặn, độ PH của từng vùng để phân loại và thuần hóa tôm giống. Nhờ vậy, khi đưa giống ra thả đảm bảo độ an toàn nên người dân rất phấn khởi.
Tuy đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống, nhưng hiện nay, huyện mới chỉ đáp ứng hơn một nửa nhu cầu về nguồn giống trên địa bàn. Đặc biệt, tình trạng khan hàng vào dịp cao điểm thả giống vẫn là vấn đề gây bức xúc cho người nuôi.
Để khắc phục các bất cập trên, thời gian tới, tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Quỳnh Lưu nói riêng chủ trương tiếp tục nâng cao chất lượng con giống. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp và mở rộng các cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn, lợ trên địa bàn toàn tỉnh, ngoài cung cấp cho vùng nuôi Nghệ An còn cung cấp cho các tỉnh phía Bắc. Mục tiêu là đưa Nghệ An trở thành Trung tâm giống thủy sản của khu vực Bắc miền Trung và các tỉnh phía Bắc.
Tiền Giang: Thương lái ép giá cá diêu hồng
Mô hình nuôi cá bè trên sông Tiền ở tỉnh Tiền Giang thường xuyên lâm vào cảnh giá cả bấp bênh khiến ngư dân chịu thiệt.
Tỉnh Tiền Giang có hơn 1.300 lồng bè cá, đa số là nuôi cá diêu hồng. Hầu hết các lồng, bè cá nuôi theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng các mô hình VietGap nên chủ yếu tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều lồng bè cá đang tới giai đoạn thu hoạch nhưng thương lái chưa chịu thu mua, ép giá khiến người nuôi cá bè như ngồi trên “đống lửa”. Hiện giá cá diêu hồng nuôi lồng bè ở khu vực cồn Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho đã giảm xuống còn 28.000 - 29.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu trừ chi phí, người nuôi thua lỗ khoảng 3.000 đồng/kg, tính cả bè cá sẽ lỗ khoảng 3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thương lái còn ép giá, khiến người nuôi lâm vào cảnh điêu đứng. Chủ một hộ nuôi 7 lồng, bè cá ở cồn Thới Sơn cho biết, hiện nay gia đình ông đang tập trung thu hoạch cá nhưng chưa bán được vì giá giảm mạnh trong khi thương lái kỳ kèo, không chịu đặt cọc. Nguyên nhân khiến giá giảm mạnh là do tình trạng cung vượt cầu do các lồng, bè đang vào vụ thu hoạch. Trong khi đó, giá thức ăn cho cá và thuốc thú y thủy sản đều tăng hơn 5% so với năm ngoái. Với mức giá này, nhiều người nuôi cá bè không dám tái đàn. Ngoài ra, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch cũng là nguyên nhân khiến cá chết nhiều.
Để ngư dân đảm bảo có lãi và gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè, bên cạnh việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng mô hình an toàn sinh học VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng đàn cá thương phẩm, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cần xây dựng chuỗi liên kết, tạo đầu ra thuận lợi, ổn định cho bà con.
HÀNG VIỆT |
Lào Cai: Gìn giữ giống vịt quý
Nhiều năm nay, vịt Sín Chéng đã và đang trở thành đặc sản nổi tiếng của huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Mang lại giá trị kinh tế lớn, giống vịt này đang được địa phương gìn giữ giống gen, bảo tồn và nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định.
Từ lâu, giống vịt Sín Chéng đã thành thương hiệu gắn liền với mảnh đất Si Ma Cai. Theo UBND xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, hiện nay, hầu hết các thôn trong xã đều chăn nuôi vịt, tập trung nhiều nhất tại thôn Bản Giáng và thôn Sín Chải. Hợp điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của địa phương nên giống vịt này đang mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Giống vịt Sín Chéng có nhiều đặc điểm nổi trội như: dễ nuôi, thịt ngọt, ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đẻ trứng đều. Bình thường, vịt đẻ liên tục khoảng 3 tháng thì ngừng đẻ 20 - 30 ngày, sau đó lại tiếp tục đẻ đợt tiếp theo. Vịt đẻ trứng quả to, tỷ lệ lòng đỏ cao và nhiều quả có vỏ màu xanh, người dân gọi là trứng vịt xanh Sín Chéng. Giá trị kinh tế của vịt Sín Chéng khá cao khi giá trứng cao hơn giống vịt thường từ 2.000 - 3.000 đồng/quả, vào khoảng 6.000 – 7.000 đồng/quả; giá thịt cao hơn khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg, vào khoảng 120.000 đồng/kg.
Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng vịt Sín Chéng có một số nhược điểm, gây khó khăn cho việc nhân rộng đàn. Đó là, phải nuôi ở vùng có nhiều nước, thời gian nuôi lâu hơn so với các giống vịt lai, sản lượng không đều nên đầu ra bấp bênh… Do đó, một số địa phương trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã nhập giống vịt Trung Quốc về nuôi song song, dẫn đến tỷ lệ vịt lai tạp trên địa bàn tương đối lớn.
Nhận thức được việc phải giữ gìn giống vịt quý, năm 2012, Viện Chăn nuôi quốc gia đã quyết định đưa giống vịt Sín Chéng vào danh sách cần bảo tồn nguồn gen để nhân giống phát triển thành đàn gia cầm quốc gia. Năm 2013, vịt Sín Chéng được tỉnh Lai Châu công nhận là thương hiệu đặc sản của vùng cao này. Để bảo tồn và phát triển giống vịt quý, huyện Si Ma Cai đã và đang thúc đẩy tăng nhanh số đàn, tạo thị trường vững chắc cho tiêu thụ giống vịt Sín Chéng.
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai, việc bảo tồn và phát triển vịt Sín Chéng là một trong những hướng giúp bà con vùng cao Si Ma Cai có nguồn thu nhập ổn định, xóa nghèo và làm giàu. Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận nhằm tạo đầu ra tiêu thụ ổn định lâu dài cho bà con.
Với đàn vịt khoảng 100 con, mỗi năm, các hộ dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai thu lãi 30 – 40 triệu đồng.
An Giang: Nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam
Đến nay, Sở Công Thương An Giang đã hoàn thành kế hoạch xây dựng 12 điểm bán hàng Việt Nam, điểm bán hàng đặc sản An Giang với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Các hộ kinh doanh được Sở Công thương hướng dẫn, hỗ trợ quầy, kệ trưng bày hàng hóa ngay ngắn, sạch sẽ, gọn gàng, thuận tiện cho người tiêu dùng lựa chọn. Sản phẩm hàng hóa tham gia chương trình đảm bảo chất lượng, không sử dụng hàng tồn kho hay hết hạn, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Hàng hóa phải được niêm yết giá rõ ràng và bán đúng giá niêm yết.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện kế hoạch phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2015 - 2020 và thuộc nhóm kế hoạch hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững. Qua một năm thực hiện cho thấy, điểm bán hàng Việt đã đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các hàng hóa thiết yếu và hàng Việt Nam, đặc biệt hàng đặc sản trong tỉnh đến với người tiêu dùng.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Tăng cường quản lý giống, vật tư phân bón
Hiện nay, bà con ở các tỉnh miền núi đang tập trung mua giống lúa, ngô, phân bón, các mặt hàng vật tư nông nghiệp... để phục vụ sản xuất vụ xuân. Vì thế, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng giống, vật tư, phân bón; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là tình trạng bán giống, vật tư không bảo đảm chất lượng.
Giống cây trồng, vật nuôi không rõ nguồn gốc
Tại các chợ phiên ở vùng cao các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn… bà con có thể dễ dàng mua giống cây trồng, vật nuôi ở những cửa hàng lưu động. Các cửa hàng lưu động này thường chỉ là sạp nhỏ hay một ô nhỏ bày bán các loại giống cây trồng, vật nuôi… không ở một chỗ cố định mà đi rong khắp chợ. Các loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… lưu động được bán thoải mái tại các phiên chợ mà không có cơ quan nào kiểm tra, kiểm soát.
Tại phiên chợ xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn có nhiều thùng xe ô tô được sử dụng làm kho bán giống, vật tư phân bón lưu động. Nhiều loại giống cây trồng được bán tại đây và hầu hết đều là những giống rất mới, không có trong cơ cấu của tỉnh. Trong khi đó, các đại lý bán lẻ thuộc cửa hàng vật tư nông nghiệp huyện lại rất vắng khách. Lượng tiêu thụ giống, phân bón của đại lý có xu hướng ngày càng giảm do không cạnh tranh được với tư thương bên ngoài.
Trên thực tế, hầu hết các loại giống cây trồng, vật nuôi bán tại cửa hàng lưu động đều không rõ nguồn gốc. Nhiều loại giống, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống chưa được quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, bà con miền núi thường chủ quan, sợ tốn kém nên vẫn cố tình mua các giống cây trồng, vật nuôi giá rẻ, kém chất lượng về gieo trồng. Và hậu quả là “mất cả chì lẫn chài”. Đã có rất nhiều trường hợp giống cây không nảy mầm, gà, vịt chết hàng loại do chưa được tiêm phòng đầy đủ nhưng bà con không biết kêu ai.
Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp
Nhằm khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch “Năm cao điểm thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp”. Mục tiêu nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh. Theo đó, UBND các huyện, thành phố phải chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền người dân sử dụng giống, vật tư nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn để kịp thời phát hiện vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng hoặc không nằm trong danh mục giống, vật tư nông nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, ngoài tăng cường công tác kiểm tra việc kinh doanh giống, vật tư phân bón tại các đại lý thì công tác kiểm tra việc buôn bán của các tư thương ở phiên chợ cần được tăng cường hơn nữa, phát hiện và xử lý nghiêm. Có như vậy mới quản lý được chất lượng đầu vào của giống, phân bón, hạn chế rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, ngăn chặn và giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về: Sử dụng nguyên liệu kháng sinh không đúng mục đích, tập trung lĩnh vực thủy sản; hóa chất công nghiệp trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chất lượng vật tư nông nghiệp, tập trung vào thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn thủy sản, giống cây trồng, phân bón. Sản xuất, kinh doanh nước mắm không đảm bảo an toàn thực phẩm; bơm tạp chất vào tôm.
Đồng thời, chấm dứt các hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tập trung kiểm tra chất Cysteamine. Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh công tác phòng chống việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm, gây nguy hại đối với sức khỏe người người dân; ảnh hưởng thương hiệu nông sản Việt Nam.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)