Thông tin giá cả thị trường số 5/2017

12:00 AM 05/05/2017 |   Lượt xem: 3127 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Phú Yên: Đậu đỏ giảm giá, nông dân thất thu

Đậu đỏ (đỗ gạo) là cây trồng phổ biến, không chỉ ở các xã miền núi mà các xã ven biển của tỉnh Phú Yên nông dân cũng trồng đậu đỏ. Năm nay, giá đậu đỏ xuống thấp, thậm chí không có người mua khiến nông dân thất thu.

Hiện nay, thương lái thu mua đậu đỏ với giá 12.000 đồng/kg, trong khi cũng vào thời điểm này năm ngoái giá bán là 24.000 đồng/kg. Mặc dù giá bán thấp nhưng thương lái không mặn mà thu mua do chất lượng không đồng đều. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên năm nay, toàn huyện thu hoạch 650 héc-ta đậu đỏ, năng suất ước đạt 6 tạ/héc-ta, giảm một nửa so với năm ngoái. Mấy năm trước, đậu đỏ tăng giá, nhiều nông dân có thu nhập cao. Năm nay, nông dân trồng đậu đỏ thiệt hại “kép” vì không những đậu đỏ rớt giá mà năng suất cũng giảm. Theo tính toán sơ bộ, năng suất đậu đỏ vụ này chỉ đạt 7,4 tạ/héc-ta, trong khi năm ngoái, năng suất đạt 15 tạ/héc-ta. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của thời tiết, phần khác do chuột cắn phá. Thời gian trước đây, nắng hạn kéo dài làm cho cây trồng thiếu nước tưới, đặc biệt là khu vực miền núi nên cây đậu đỏ được bà con trồng nhiều. Đây cũng là loại cây dễ sống, không kén đất, rất phù hợp trong việc chuyển đổi cây trồng ở các vùng đất thiếu nước tưới do nắng hạn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, thời tiết bất lợi, bên cạnh đó bị chuột cắn phá nên năng suất đậu đỏ giảm hơn một nửa so với năm ngoái.Tại huyện Sông Hinh, đậu đỏ là cây trồng truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số các xã: Đức Bình Tây, Ea Bia, Ea Trol, Ea Lâm, Ea Ly. Đậu đỏ dễ trồng, không kén đất nên được trồng nhiều trên các vùng gò đồi bị xói mòn. Tuy nhiên, năm nay, đậu đỏ tiêu thụ chậm nên bà con thất thu.

Lâm Đồng: Cẩn Trọng khi Trồng Cây đinh lăng

Tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), thời gian gần đây, phong trào trồng đinh lăng lan rộng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thương lái xuất sang Trung Quốc.

Tại xã N’ Thôl Hạ, huyện Đức Trọng, người dân vẫn trồng đinh lăng quanh bờ rào, sau vườn để dùng mỗi khi có việc. Thời gian gần đây, thương lái thường vào xã thu mua cây đinh lăng với số lượng lớn. Hiện trên địa bàn, đinh lăng được thu mua cả lá, thân, cành và rễ. Lá tươi có giá 7.000 đồng/kg, lá khô 30.000 đồng/kg; thân làm giống 40.000 đồng/kg; rễ loại 4 - 6 kg có giá 200.000 - 250.000 đồng/kg, rễ trên 10 kg dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg. Thậm chí với những cây lâu năm, gốc to, thương lái trả giá cả triệu đồng một gốc. Chính vì vậy, nhiều nông dân trong huyện Đức Trọng đã nhân giống, trồng diện rộng loại cây này.

Theo thông tin từ Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng, hiện nay cây đinh lăng vẫn trong quá trình trồng thử nghiệm trên đất Đức Trọng. Qua theo dõi, số cây được trồng thử nghiệm ban đầu có triệu chứng thối rễ, thối thân và chết. Một số cây còn sống sót bị nấm ở lá, tiến hành phun thuốc để trị bệnh thì cây rụng dần hết lá, thân cây phát triển không được mạnh. Vì vậy, bà con nông dân cần thận trọng khi trồng đinh lăng trên diện tích lớn. Bởi đây là loại cây trồng mới nên cần phải có quá trình trồng thử nghiệm để có số liệu về mức độ thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, hàm lượng tinh dầu, mức phát triển sinh khối của cây… Trước đây, người dân trồng một, hai cây để làm kiểng thì rất dễ nhưng nếu đưa vào trồng đại trà, nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn. Bên cạnh đó, đinh lăng là cây trồng lâu niên nên lợi nhuận về kinh tế so với các cây trồng khác phải tính toán rất cẩn thận. Giá thu mua đinh lăng cũng không ổn định, chỉ những gốc cây nhiều năm tuổi mới bán được giá cao.

Do vậy, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng khuyến cáo người dân địa phương không nên vì cái lợi trước mắt mà trồng đại trà cây đinh lăng. Nếu trồng đinh lăng chỉ nên trồng với số lượng nhỏ và trồng xen với các cây trồng khác. Đặc biệt, đinh lăng rất mẫn cảm với các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhất là trên những nền đất có phun thuốc diệt cỏ. 

Bến Tre: Bưởi da xanh không đủ hàng xuất khẩu

Bưởi da xanh là loại cây có khả năng chống chịu với hạn mặn nên được nhiều nông dân tỉnh Bbến Tre lựa chọn để trồng. Trong những năm gần đây, tuy thị trường xuất khẩu đã mở rộng, nhưng số lượng bưởi da xanh ở Bến Tre vẫn không đủ đáp ứng đơn hàng.

Bến Tre hiện trồng hơn 5.500 héc-ta bưởi da xanh, sản lượng đạt gần 48.000 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện: Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và một số xã thuộc thành phố Bến Tre.Với mức giá ổn định từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, những vườn bưởi cho năng suất 20 tấn/héc-ta, nông dân thu nhập về gần 1 tỷ đồng/năm. Tỉnh Bến Tre hiện có 3 tổ hợp tác và hợp tác xã chuyên canh bưởi da xanh đạt chuẩn xuất khẩu với sản lượng gần 500 tấn. Thông thường, bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlolGAP được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg. Ngoài những thị trường quen thuộc như: Đức, Hà Lan, Canada, Nga, Trung Quốc, năm nay bưởi da xanh Bến Tre vừa có thêm đơn đặt hàng mới từ Pháp và Nhật Bản. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với bà con bởi đây là 2 thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao. Trong khi đó, sản lượng của tỉnh nhiều khi vẫn chưa đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn. Thực tế thời gian qua, nhiều đối tác muốn liên doanh, liên kết để đưa bưởi da xanh xuất khẩu với nhu cầu mỗi năm trên 1.500 tấn nhưng địa phương chưa đáp ứng được. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện số lượng bưởi xuất khẩu ở Bến Tre mới chỉ đạt gần 500 tấn/năm. 

Kon Tum: Trồng cỏ nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao

Trước tình hình thời tiết bất thường, ngành nông nghiệp xã Sa Bbình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kkon Tum đã chủ động hướng dẫn bà con chuyển đổi gần 18 héc-ta đất trồng lúa nước thường xuyên thiếu nước vào mùa khô sang trồng cỏ nuôi bò. Cách làm này đã giải quyết được những bất lợi do ảnh hưởng của thời tiết và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trên địa bàn xã Sa Bình, người dân hay nuôi bò vỗ béo. Khác với bò cỏ, bò vỗ béo không được chăn thả mà nuôi tại chuồng. Mỗi ngày, ngoài các chất dinh dưỡng, một con bò ăn từ 25 – 30 kg cỏ. Vì vậy, khi chưa trồng cỏ, người dân nơi đây chỉ nuôi bò vào mùa mưa để dễ kiếm thức ăn, còn vào mùa khô, không có cỏ nên bà con không nuôi dù giá bò vào thời điểm này thường cao. Dựa vào tình hình thực tế, xã đã hướng cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều diện tích lúa không hiệu quả đã được chuyển sang trồng cỏ để nuôi bò. Với một số hộ không chăn nuôi, xã hướng dẫn chuyển đổi diện tích lúa không hiệu quả sang trồng mì. Từ vài hộ ban đầu, đến nay, trên địa bàn xã đã có hơn 100 hộ chuyển đổi gần 18 héc-ta đất ruộng sang trồng cỏ nuôi bò. Ngoài việc trồng cỏ tại đất ruộng, bà con cũng tận dụng đất trong vườn, quanh nhà để trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho bò. Đến nay, trên địa bàn xã phát triển được 1.700 con bò, trong đó có 700 con bò vỗ béo. Mỗi con bò vỗ béo nuôi sau 3 tháng được xuất chuồng, đem lại thu nhập cao cho người dân.Từ những hiệu quả kinh tế mà người dân thu được, có thể thấy việc chuyển đổi diện tích đất lúa bị thiếu nước sang trồng cỏ là hợp lý và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. 

MUA GÌ? - BÁN GÌ?

Giá thanh long ruột đỏ và ruột trắng tăng mạnh

Hiện nay, giá thanh long ruột đỏ và ruột trắng ở Tiền Giang đang tăng mạnh trở lại giúp nông dân vùng chuyên canh thu lãi khá. Giá thanh long ruột đỏ thương lái thu mua dao động trong khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, tăng hơn tháng trước khoảng 15.000 đồng/kg. Tương tự, giá thanh long ruột trắng đạt 15.000 - 17.000 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với tháng trước.

Thanh long được xác định là cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang. Sản lượng hàng năm đạt hàng trăm nghìn tấn quả phục vụ nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Thời gian qua, địa phương đã xây dựng được vùng trồng chuyên canh thanh long tại huyện Chợ Gạo với diện tích trên 4.000 héc-ta

Huyện Si Mma Cai (Lào Cai):Tam thất tiêu thụ tốt

Sau hơn 2 năm trồng và chăm sóc, một số hộ dân tại xã Mản Thẩn và Nàn Sán (huyện Si Ma Cai) đã thu hoạch củ tam thất tươi với năng suất đạt khoảng 3 tấn củ/héc-ta. Ngay khi thu hoạch, củ tam thất đã có thị trường tiêu thụ tốt, nhiều khách hàng ở xa đặt mua. Giá bán bình quân đạt 350.000 đồng/kg củ tươi. Từ giá trị kinh tế cây tam thất đem lại, đã có nhiều hộ dân dự định trồng loại cây này ngay trong vụ tới.Để giúp người dân tiêu thụ củ tam thất, ngành nông nghiệp huyện Si Ma Cai đang tích cực quảng bá sản phẩm củ tam thất tươi sau thu hoạch. Tỉnh Lào Cai cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp cùng bà con dân tộc đầu tư trồng cây tam thất với các ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập .

Khánh Hòa: Nông dân được mùa tỏi

Hiện nay, giá tỏi tươi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt 40.000 - 45.000 đồng/kg (loại 1) và 30.000 - 35.000 đồng/kg (loại 2) - mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân trồng tỏi lãi khoảng 20 triệu đồng/sào (1.000 m²). Nguyên nhân giá tỏi tăng là do năm ngoái tỏi mất mùa nên nguồn cung cuối vụ và đầu vụ khan hiếm, cộng với năm nay diện tích tỏi ít do mưa lũ. Bên cạnh đó, tỏi được mùa nên nông dân rất phấn khởi.

Năm nay, phần lớn diện tích tỏi ở địa phương đều sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, ít sâu bệnh hơn nên sản lượng thu hoạch cao, có hộ đạt 11 - 12 tấn/héc-ta. Mặc dù giá tăng cao nhưng số lượng hộ thu hoạch tỏi vẫn còn ít bởi hầu hết người trồng tỏi xuống giống muộn do mưa nhiều.

Vĩnh Long: Chôm chôm nghịch vụ sản lượng giảm, giá giảm

Năm nay, ảnh hưởng thời tiết bất lợi nên người dân các xã cù lao huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long gặp khó khi xử lý chôm chôm ra trái nghịch vụ. Tuy nhiên, dù sản lượng chôm chôm nghịch vụ giảm, nhưng giá vẫn thấp hơn so cùng kỳ năm trước. Hiện nay, chôm chôm java dao động từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, chôm chôm đường khoảng 22.000 - 30.000 đồng/kg và chôm chôm Thái từ 30.000 - 39.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg tùy loại. Hiện chôm chôm thu hoạch đã giảm so với hồi đầu tháng hai. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ hơn 70% sản lượng. Hiện việc đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn ổn định nhưng giá không cao do lượng tiêu thụ giảm. Bên cạnh đó, thu hoạch chôm chôm nghịch vụ tại tỉnh Vĩnh Long lại trùng với các địa phương khác như: Hậu Giang, Đồng Nai, Bến Tre... nên cung lớn hơn cầu.

Tây Nguyên: Giá tiêu giảm mạnh

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào vụ thu hoạch tiêu. Tuy nhiên, giá tiêu đang giảm mạnh khiến bà con lao đao. Trong tuần, giá tiêu hạt giảm xuống chỉ còn 115.000 - 116.000 đồng/kg, giảm trên 100.000 đồng/kg so với đầu năm 2016 và giảm 15.000 - 16.000 đồng/kg so với đầu tuần. Dự báo, giá sẽ tiếp tục giảm do các hộ đang thu hoạch rộ. Mặc dù giá tiêu hạt giảm mạnh nhưng đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên vẫn mở rộng diện tích cây hồ tiêu. Bởi theo tính toán của các nông hộ trồng tiêu, tuy giá tiêu hạt đã giảm nhưng lợi nhuận từ cây tiêu vẫn cao gấp 3 - 4 lần so với trồng cà phê, điều, cao su và một số cây nông sản khác. Thực tế, hiện nay, các nông hộ ở Tây Nguyên bất chấp khuyến cáo của địa phương, ngành chức năng, đua nhau chuyển diện tích cà phê, điều, cao su, đất vườn tạp…. sang trồng tiêu. Thậm chí, nhiều nông hộ chạy theo phong trào đưa hàng loạt diện tích đất ở vùng trũng, vùng dễ bị ngập nước, đất không thích hợp vào trồng tiêu nên hàng nghìn héc-ta tiêu bị dịch bệnh, chết hàng loạt.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Trà Vinh: Tôm Chết hàng loạt

Hàng nghìn hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh bị thiệt hại nặng do thời tiết diễn biến phức tạp và dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, vụ nuôi tôm năm 2017 mới bắt đầu được hơn 2 tháng nhưng hàng nghìn hộ nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại hơn 100 triệu con giống do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa trái mùa. Đặc biệt, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao nên dịch bệnh trên tôm nuôi tăng đột biến và lây lan rộng.

Huyện Cầu Ngang là một trong những địa phương nuôi tôm trọng điểm của tỉnh bị thiệt hại nặng. Từ đầu vụ nuôi đến nay, toàn huyện có gần 1.000 hộ thả nuôi hơn 95 triệu con tôm sú giống trên diện tích hơn 497 héc-ta. Và khoảng 1.700 hộ thả nuôi hơn 350 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích 712 héc-ta. Tuy nhiên đã có 366 hộ thiệt hại với hơn 33 triệu con giống tôm sú trên diện tích 167 héc-ta, chiếm hơn 32% diện tích thả nuôi. Tôm thẻ chân trắng cũng có 309 hộ nuôi thiệt hại hơn 52 triệu con giống trên diện tích 106 héc-ta, chiếm 15% diện tích thả nuôi. Để hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi tôm, ngành nông nghiệp huyện Cầu Ngang vận động người dân tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi. Đồng thời, khuyến cáo bà con chỉ nên nuôi 1 vụ trong năm để từng bước cải tạo lại môi trường. Bên cạnh đó, các hộ nuôi nên chọn tôm giống chất lượng, thường xuyên vệ sinh khu vực nuôi, không vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường. Trường hợp phát hiện tôm nuôi bị dịch bệnh phải xử lý trước khi xả nước ra môi trường để hạn chế lây lan diện rộng. Khi cải tạo ao nuôi, chất thải phải được đưa vào ao chứa thải, tuyệt đối không thải thẳng ra môi trường.

Vụ nuôi tôm 2017, các vùng ngập mặn, ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch thả nuôi khoảng 1,9 tỷ con giống tôm sú và 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng. Đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được khoảng 305 triệu con tôm sú giống trên diện tích 5.000 héc-ta và 370 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích 715 héc-ta. 

Yên Bái: Trồng gừng thoát nghèo

Mô hình trồng gừng liên kết tại xã Llao Chải, huyện Mmù Cang Chải, tỉnh Yyên Bbái đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế kép cho đồng bào dân tộc thiểu số và doanh nghiệp.

Phát triển trồng gừng nơi đây có sự tác động tích cực của Ban Quản lý dự án giảm nghèo giai đoạn 2 của huyện và chính quyền xã. Ban Quản lý dự án giảm nghèo huyện Mù Cang Chải đã liên kết với Công ty THHH Đầu tư Dragon Việt Nam triển khai mô hình trồng gừng với các hộ dân dưới hình thức thành lập nhóm ký kết trồng giống gừng lai trên đất nương rẫy. Các hộ gia đình được cung ứng giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật từ khâu ủ giống, làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản đúng quy trình gừng thương phẩm.

Do được thành lập theo nhóm hộ nên trong quá trình chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, các thành viên trong nhóm đã cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Toàn bộ giống gừng được nhập về gieo trồng đều phù hợp với đất đai khí hậu vùng cao nên rất thích nghi với đất đồi tại địa phương.

Vì vậy, trong chu kỳ đầu, trồng gừng liên kết đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các hộ đồng bào dân tộc có thêm nguồn thu nhập từ trồng gừng. Qua nghiệm thu đánh giá năng suất và chất lượng cho thấy, trung bình mỗi gốc đạt từ 2 - 3 lạng gừng thương phẩm. Bình quân mỗi héc-ta nếu chăm bón tốt năng suất sẽ đạt trên 30 tấn. Theo giá công ty đã cam kết là 6.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta đạt giá trị khoảng 180 triệu đồng. Như vậy, mức thu nhập từ trồng gừng tăng gấp 5 - 6 lần so với cây ngô.

Năm 2016, xã Lao Chải đã trồng thí điểm hơn 24 héc-ta gừng tại các thôn với trên 50 hộ tham gia, tổng số vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng. Dự kiến các năm sau sẽ trồng trên 100 héc-ta để tăng thu nhập cho người dân và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với vùng cao Mù Cang Chải.

Thành công của mô hình liên kết tại xã Lao Chải sẽ giúp bà con tích cực chuyển đổi diện tích nương rẫy kém hiệu quả sang trồng gừng năng suất cao, từng bước đưa cây gừng thành cây chủ lực, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao.  

HÀNG VIỆT

Nỗ lực phát triển thương mại vùng sâu, vùng xa 

Thời gian qua, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kkon Tum đã chủ động đầu tư hệ thống thương mại, dịch vụ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dần hình thành kênh phân phối, tạo điều kiện cho người dân trao đổi hàng hoá, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi trên địa bàn.

Phát huy vai trò hạ tầng thương mại

Theo Sở Công Thương Kon Tum, hiện toàn tỉnh có 19 chợ và hàng trăm cửa hàng thương mại, cửa hàng bán buôn, bán lẻ ở khu vực nông thôn, miền núi. Để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá của người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, thời gian qua, hệ thống chợ, cửa hàng thương mại thường xuyên được đầu tư xây dựng, bổ sung và cải tạo, nâng cấp.

Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ cũng đã giúp doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thuận lợi hơn trong hoạt động cung ứng hàng hóa, mở rộng được thị phần, đưa hàng hoá, nhất là hàng Việt đến với người tiêu dùng nông thôn, miền núi.

Cùng với chợ, hệ thống cửa hàng thương mại tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng được quan tâm đầu tư, khôi phục, giúp nâng cao khả năng cung ứng hàng hoá và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp, phủ kín các thôn, làng, đã thực sự là yếu tố quan trọng góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, thúc đẩy trao đổi hàng hoá ở các làng quê.

Chị Y Thoăn (làng Đắk Xam, xã Đắk Môn, huyện Đắk Glei) chia sẻ, vài năm gần đây, việc mua sắm hàng hóa tại địa phương khá thuận lợi, chứ không còn khan hiếm hay phải đi xa mới mua được như trước. Không chỉ mua bán hàng hoá ở những điểm cố định, những người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng thường xuyên chở các loại hàng hóa, nông sản… đến các chợ, điểm bán hàng tập trung để trao đổi.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, xúc tiến mại

Ngoài các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa thường xuyên tại các chợ, cửa hàng, thời gian qua, để thúc đẩy giao thương, ngành Công Thương Kon Tum đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa, nhất là hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi, bằng nhiều hình thức, như: tổ chức các chuyến xe lưu động bán hàng Việt; tổ chức các phiên chợ hàng Việt; các chương trình bán hàng bình ổn giá gắn với việc đưa hàng Việt về nông thôn... Các hoạt động này đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận, mua sắm và nhận biết được hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả phù hợp.

Cùng với đó, Sở Công Thương cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm, các chương trình kết nối giao thương nhằm quảng bá hàng hoá nông sản của địa phương và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng. Nhờ đó, đã giúp thay đổi dần thói quen tiêu dùng của bà con và nhận thức của doanh nghiệp đối với thị trường nông thôn, miền núi.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bất cập, như: hệ thống chợ chưa được đầu tư đúng mức; các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, hàng hoá chưa dồi dào, vẫn có những mặt hàng chưa đảm bảo chất lượng... Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi còn ít, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giao lưu hàng hóa hai chiều.

Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại từ nguồn vốn ngân sách, ngành Công Thương Kon Tum sẽ huy động các nguồn lực xã hội khác để tăng nguồn đầu tư.

Bên cạnh đó, bám sát các chương trình, nhất là Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh việc đưa hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý đến các khu vực khó khăn, vùng sâu, xa trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ngành và doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo thu mua hết sản phẩm cho đồng bào với giá cả phù hợp.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Lạng Sơn: Chủ động ngăn chặn dịch cúm A/H7N9 từ biên giới

Trước những cảnh báo về nguy cơ lây lan của dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng, đặc biệt là ngành y tế tăng cường biện pháp kiểm soát, phát hiện sớm những trường hợp nghi lây nhiễm bệnh tại các cửa khẩu có lưu lượng người và phương tiện qua lại lớn, như: Hữu Nghị, ga Đồng Đăng, Tân Thanh, Cốc Nam…

Tập trung giám sát dịch bệnh

Theo thống kê của các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, từ đầu tháng 2/2017 đến nay, lượng khách nhập cảnh qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh gần 130.000 lượt. Do vậy, việc kiểm soát y tế từ cửa khẩu càng trở lên đặc biệt quan trọng. Hiện công tác giám sát dịch bệnh đang được Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Lạng Sơn và các lực lượng tại cửa khẩu đặt lên hàng đầu; từ việc giám sát dịch bệnh của hành khách nhập cảnh cho tới việc giám sát dịch bệnh trên gia cầm.

Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Lạng Sơn Lý Kim Soi cho biết, Trung tâm đã chỉ đạo các Tổ Kiểm dịch y tế cửa khẩu tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh khu vực biên giới và các cửa khẩu. Trung tâm cũng bố trí cán bộ trực thường xuyên theo dõi thân nhiệt khách nhập cảnh qua máy đo thân nhiệt từ xa nhằm phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân để tổ chức khám, cách ly và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Kết quả kiểm tra sau đó sẽ được chia sẻ với các đơn vị liên quan làm việc tại cửa khẩu, nhất là cơ quan Kiểm dịch động vật để chủ động phối hợp triển khai công tác phòng, chống dịch.

Ngoài nhân lực, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9 cũng đã được tăng cường. Theo đó, ngoài 2 máy đo thân nhiệt bằng camera tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Trung tâm đã lắp đặt một số máy đo thân nhiệt tự động từ xa tại các cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam, ga Đồng Đăng... Đồng thời, bổ sung thêm một số máy test nhanh (đo nhiệt độ qua tai, đo trực tiếp qua trán) và chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các loại vật tư y tế như: quần áo, mũ, găng tay, thuốc khử trùng, thuốc kháng sinh…

Tiêu hủy sản phẩm động vật, gia cầm nhập lậu

Cùng với ngành y tế, các lực lượng chức năng khác làm việc tại khu vực cửa khẩu cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, đặc biệt là những hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm qua biên giới.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lý Vinh Quang, thời gian qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh Lạng Sơn tiếp tục được đẩy mạnh. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát biên giới, nỗ lực phòng chống dịch ở các đường mòn, ngõ tắt cũng như tại các cửa khẩu chính, có lượng người xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh nhiều như: Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma... ngăn chặn triệt để gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới, không hình thành đường dây, tụ điểm nóng về buôn lậu.

Cũng trong đợt cao điểm phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 này, tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu các đơn vị, lực lượng, trong đó có lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông, kiểm tra tại các tụ điểm nhạy cảm ở nội địa và tiến hành bắt giữ, tiêu hủy ngay những sản phẩm động vật, gia cầm nhập lậu và xử lý nghiêm những trường hợp nhập khẩu, buôn bán trái phép gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)