Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2030
02:43 PM 04/10/2019 | Lượt xem: 3363 In bài viết |Ngày 04/10/2019, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2030”. TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có TS. Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình CTDT/16-20; các thành viên Hội đồng; đại diện Văn phòng Chương trình Dân tộc, Vụ Tổng hợp, Học viện Dân tộc, Ban Chủ nhiệm đề tài và một số nhà khoa học.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế của công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ngày 14/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, trong đó giao UBDT nhiệm vụ “Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 4 nhóm đối tượng”. Để thực hiện nhiệm vụ, UBDT đã giao Học viện Dân tộc chủ trì Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2030”; Mã số CTDT.28.17/16-20.
Mục tiêu của đề tài là hệ thống hóa cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức. Đề xuất chương trình, phương pháp giảng dạy, giải pháp, cơ chế chính sách tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2030.
Từ phương pháp phân tích, đánh giá, điều tra, phỏng vấn, có thể thấy chưa có bất kỳ một chương trình bồi dưỡng nào về kiến thức dân tộc, kiến thức công tác dân tộc đầy đủ và đáp ứng yêu cầu của các ban, bộ, ngành và địa phương. Ngoài ra, cần phải quan tâm giải quyết một số nội dung cơ bản như: Đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên, báo cáo viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đảm nhiệm tốt công tác biên soạn chương trình, tài liệu và tổ chức giảng dạy các chương trình bồi dưỡng; Chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc, công tác dân tộc đáp ứng yêu cầu của công tác dân tộc trong giai đoạn hiện nay; Cơ sở vật chất, nguồn lực phục vụ cho tổ chức hoạt động bồi dưỡng; và hoàn thiện cơ chế, chính sách…
Qua các công tác nghiên cứu thực trạng, đề tài đã đề xuất nội dung chương trình và một số giải pháp về xây dựng chương trình bồi dưỡng; xây dựng đội ngũ giảng viên; đầu tư cơ sở vật chất; công tác phối hợp; tăng cường truyền thông; nâng cao vai trò của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường hợp tác quốc tế…
Đánh giá cao các kết quả nghiên cứu, đề xuất và các sản phẩm của đề tài, các thành viên Hội đồng thống nhất về cơ bản đề tài hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra. Để hoàn thiện tốt hơn các kết quả của đề tài, các thành viên Hội đồng đề nghị: Mô tả kỹ hơn quá trình thu thập, khảo sát, phân tích dữ liệu; làm rõ các kiến thức cơ bản và nâng cao cho từng nhóm đối tượng, lồng ghép các nội dung bồi dưỡng vào các chương trình hiện có; phương án huy động các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu để tận dụng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất; đánh giá chất lượng công tác bồi dưỡng; đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao tính tự chủ; làm rõ hơn căn cứ và tính thực tiễn để đưa ra khuyến nghị…
TS. Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá: các nội dung góp ý của các thành viên Hội đồng rất xác đáng, khách quan và cụ thể, góp phần quan trọng để Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu và hoàn thiện đề tài. Đây cũng là cơ hội để Học viện Dân tộc gắn với các nội dung thực tiễn để hoàn thành việc triển khai Đề án "Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025" (Đề án 771). Ngoài ra, cũng góp phần tăng tính ứng dụng, nâng cao năng lực nghiên cứu của cơ quan chủ trì đề tài nghiên cứu. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, hoàn thiện các sản phẩm của đề tài theo đúng quy định.
Phát biểu kết luận phiên họp, TS. Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Ban Chủ nhiệm để hoàn thành đề tài nghiên cứu, đáp ứng cơ bản về chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Quá trình nghiên cứu đã được Ban Chủ nhiệm đề tài triển khai bài bản, công phu, tích cực, một số sản phẩm hoàn thành và vượt yêu cầu đặt ra. Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Học viện Dân tộc ứng dụng luôn vào thực tiễn, trong công tác thí điểm bồi dưỡng tại một số cơ sở.
Để hoàn thiện các nội dung nghiên cứu, TS. Nguyễn Lâm Thành đề nghị Ban Chủ nhiệm làm rõ hơn một số nội dung như: tổng quan nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu, trong đó có khung lý thuyết để định hướng nghiên cứu; các tiêu chí điều tra, khảo sát; một số nội dung liên quan đến lý thuyết phát triển, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong bối cảnh mới, đặc biệt là công tác dự báo; phân tích nhu cầu cụ thể của từng nhóm đối tượng, để từ đó xây dựng nội dung, phương pháp, chính sách cụ thể. Các nội dung đề xuất phải gắn với nội dung phân tích để có những khuyến nghị cụ thể, tăng tính khả thi của các đề xuất.