Tham vấn góp ý kết quả báo cáo những vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số

08:27 AM 12/11/2016 |   Lượt xem: 2338 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Tư - UVBCHTW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số UBDT, Giám đốc BQLDA nâng cao năng lực bình đẳng giới vùng DTTS; bà Nguyễn Thị Thúy – chuyên gia cấp cao UN Women cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên của Ban Dân Tộc các tỉnh khu vực phía Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo Chia sẻ nghĩa vụ quốc gia về Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước CEDAW) và thảo luận về nội dung báo cáo Tăng cường chính sách và pháp luật ở Việt Nam để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái DTTS; Báo cáo rà soát luật và chính sách về phụ nữ và trẻ em gái DTTS được nghiên cứu dựa trên việc phân tích khuôn khổ luật pháp và chính sách của Việt Nam, về quyền của nhóm đối tượng này từ các quan điểm của chuẩn mực quốc tế về nhân quyền; các khuyến nghị cụ thể có tính đến tình hình Việt Nam và thực trạng phụ nữ, trẻ em gái DTTS gặp nhiều thiếu thốn và bất bình đẳng; dự thảo báo cáo Nhìn nhận và đánh giá đối với 30 chỉ số về chính sách/pháp luật trên 5 lĩnh vực chủ yếu: Tiếp cận giáo dục; bạo lực trên cơ sở giới; tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; bình đẳng giới trong quan hệ hôn nhân và gia đình; tiếp cận đất đai (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của phụ nữ DTTS). 
 

Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ DTTS tham gia ý kiến tại Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng được tiếp cận một số vấn đề được phát hiện và những vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái DTTS như: Phụ nữ và trẻ em DTTS phải đối mặt với nhiều rào cản: Ít có khả năng được học hành, phải gánh phần lớn công việc không được trả lương và nhiều trẻ em gái DTTS có nguy cơ kết hôn sớm hoặc hôn nhân bị ép buộc. Họ cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử như: Chăm sóc y tế cơ bản và quyền sử dụng đất. Một loại hình phân biệt đối xử khác khó có thể nhìn thấy là nhiều phụ nữ DTTS bị gạt ra ngoài và bị mất quyền của mình. Phụ nữ và trẻ em gái DTTS ở Việt Nam cũng có những bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục có chất lượng giữa trẻ em người Kinh/Hoa và trẻ em DTTS. Trong các nhóm DTTS nói chung, các trẻ em gái bị thiệt thòi khi tính đến việc tiếp cận giáo dục tiểu học. Về chăm sóc y tế cho phụ nữ DTTS ở Việt Nam, chỉ có 33% người có thai đi khám thai bốn lần trong giai đoạn thai kỳ (theo thống kê từ 2013-2014). Tỉ lệ sinh sản tại nhà còn cao bởi nhiều lý do: Văn hóa và ngôn ngữ...

Ngoài ra, các đại biểu đã thảo luận về chỉ số bình đẳng giới trong gia đình; quyền sử dụng đất đối với phụ nữ DTTS của Việt Nam... thông qua đó nhấn mạnh tới việc cần thiết trong việc ban hành luật, chính sách đặc thù dành cho đối tượng này; bảo đảm các chương trình tiếp cận, hỗ trợ nâng cao nhận thức của người DTTS và các chiến dịch truyền thông thường xuyên đến tận các bản làng, thôn xóm, bao gồm cả các lãnh đạo địa phương, tôn giáo và cộng đồng, về các quyền của phụ nữ, trẻ em gái DTTS, với mục đích loại bỏ phân biệt đối xử cả trong ý thức và trong thực tế xã hội, nhất là các chương trình, các hoạt động nâng cao này được tiến hành bằng tiếng địa phương của từng dân tộc. 

Ngọc Huệ - Nguyên Quân