UBDT nghiệm thu đề tài cấp quốc gia: Đảm bảo quyền của các DTTS ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

06:28 PM 24/06/2020 |   Lượt xem: 1753 |   In bài viết | 

Quang cảnh phiên họp

Đề tài “Đảm bảo quyền của các DTTS ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” đã làm rõ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn về bảo đảm quyền của các DTTS trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; thực trạng bảo đảm quyền của các DTTS ở Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Nghiên cứu của Đề tài cho thấy, vẫn tồn tại nhiều bấp cập, hạn chế về chính sách, pháp luật cũng như vấn đề cơ chế thực thi và giám sát. Trên một số lĩnh vực chính sách, pháp luật chưa cung cấp được các biện pháp cần thiết, hiệu quả để bảo vệ các nhóm DTTS trước nhiều thách thức khác nhau, nhất là trước các tác động của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nhiều quyền về tham gia, sinh kế, việc làm, mức sống thỏa đáng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống… đã bị bỏ qua trong thực hiện các chương trình, dự án phát triển ở vùng DTTS; sự chồng chéo về chính sách, pháp luật đã làm tăng chi phí cho tiếp cận phổ cập, có chất lượng một số quyền kinh tế, xã hội. Khoảng cách giàu nghèo đang làm giảm cơ hội của các DTTS trong việc hưởng thụ công bằng thành quả đổi mới; một số thiết chế về dân chủ, các cơ quan hành chính, tư pháp các cấp, các tổ chức cung cấp dịch vụ công vùng DTTS hoạt động thiếu hiệu quả. Sự bấp cập này cùng với tình trạng chưa thực sự am hiểu văn hóa DTTS của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang là những trở ngại không nhỏ đối với mục tiêu hiện thực hóa quyền của các DTTS ở nước ta.

Hơn nữa, với sự tác động của các vấn đề mới trong quan hệ kinh tế quốc tế; quan hệ tôn giáo, dân tộc; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; tình trạng di cư trong nước và quốc tế… đang làm bộc lộ rõ hơn sự thiếu hụt các giải pháp bảo đảm hiệu quả quyền của các DTTS. Tình hình này đang làm cho quyền của họ vẫn thuộc nhóm quyền yếu thế trong tương quan với các quyền phổ biến của các nhóm xã hội khác ở Việt Nam. Khắc phục các bất cập, hạn chế nêu trên cùng những thách thức phức tạp, đan xen trong bảo đảm quyền của các DTTS ở Việt Nam tiếp tục là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

Đại diện Ban Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tóm tắt quá trình và kết quả nghiên cứu

Dựa trên phân tích, đánh giá tác động của các xu hướng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Đề tài đã luận giải một số quan điểm, nhóm giải pháp và kiến nghị nhằm bảo đảm hiệu quả hơn quyền của các DTTS ở Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Các nhóm giải pháp, kiến nghị bảo đảm quyền của các DTTS ở Việt Nam hiện nay tập trung vào các vấn đề cơ bản như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật; giáo dục và thông tin, truyền thông; hoạt động của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc; hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; hợp tác quốc tế; đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề quyền của các DTTS để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam. Tính khả thi của các giải pháp và kiến nghị đòi hỏi phải được triển khai một cách đồng thời, sáng tạo.  

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao các và sản phẩm của Đề tài. Các nghiên cứu đã triển khai bài bản, đầy đủ và toàn diện, nhận diện và luận giải với những bằng chứng rõ ràng. Các kiến nghị, giải pháp của Đề tài đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, góp phần đóng góp trong công tác xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới. Để hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu, cần phân tích sâu hơn về đối tượng, địa bàn nghiên cứu; cập nhật những tác động mới của truyền thông và cách mạng công nghệ 4.0; làm rõ hơn cơ sở khoa học mà các thế lực thù địch dựa vào để chống phá, từ đó có căn cứ để phản bác lại; tăng cường nội dung phản biện chính sách, tính dự báo từ các kết quả nghiên cứu...