TIÊU ĐIỂM |
Phân bón giả kém chất lượng: Tiếp tục “bủa vây” người nông dân
Gạo thơm (còn gọi là gạo Lài) của Campuchia đã 3 lần trình làng tại Hội chợ Thương mại lương thực quốc tế và được xếp hạng gạo ngon nhất thế giới. Có được danh hiệu này là do Campuchia đã nghiêm túc thực hiện quy trình sử dụng phân bón hữu cơ khép kín và các quy chuẩn về phân bón hợp lý. Cách Campuchia có một con sông, tại sao Việt Nam lại chưa làm được điều này?
Thật – giả khó lường
Cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, sản xuất phân bón trong nước luôn có tốc độ tăng trưởng mạnh. Mỗi năm có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh phân bón đăng ký mới. Kéo theo đó là hàng chục triệu tấn phân bón với hàng ngàn chủng loại, nhãn hiệu được tung ra thị trường. Trong số này, các cơ quan chuyên môn và nhiều địa phương phát hiện có đến 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu, chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì, đặc biệt đối với phân bón hỗn hợp NPK. “Thị trường hiện có đến vài ngàn chủng loại, nhãn hiệu phân bón, khiến nông dân như rơi vào “ma trận” khi lựa chọn. Nhớ và hiểu được tác dụng của các loại phân bón đã khó; nhận biết, phân biệt được phân bón thật – giả lại càng khó hơn”- ông Lương Quốc Cường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam bức xúc.
Theo ông Lê Quốc Phong – Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền: Các công ty sản xuất phân bón chân chính hiện đang điên đầu với việc bị làm giả bao bì. Không chỉ giả về công dụng, chất lượng, giả nhãn mác của các doanh nghiệp uy tín, nhiều cơ sở sản xuất còn in bừa bãi các chỉ số trên bao bì, các chỉ số này đều lớn hơn nhiều so với chất lượng của sản phẩm bên trong. Nhiều cơ sở còn ghi hạn sử dụng vô lối, không theo một quy chuẩn cụ thể nào. Trắng trợn hơn, có bao bì còn in logo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, kèm theo dòng chữ “Sản phẩm được Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyên dùng”.
Kết quả điều tra trên 80% tỉnh, thành phố trong cả nước từ tháng 8/2015 đến quý 1/2016 của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đưa ra con số báo động: Có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón bằng “công nghệ cuốc xẻng”, xe trộn bê tông và không có phòng thí nghiệm. Việc tổ chức cung ứng phân bón vẫn chồng chéo, phân bón trong Nam đưa ra Bắc, phân bón ngoài Bắc chuyển vào Nam, hệ thống đại lý thì nhiều cấp, khiến giá bán đội lên trông thấy… Rõ ràng, phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang “bủa vây” người nông dân; móc túi người nông dân bằng những vụ mùa thất bát…
Nông dân nghèo gánh hậu quả
Điều đáng nói là, đối tượng mà các cơ sở sản xuất – kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhắm đến chính là bà con nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cũng như đời sống còn khó khăn của bà con, các cơ sở sản xuất – kinh doanh này đã sử dụng chiêu trò: Chiết khấu tỷ lệ cao cho đại lý, áp dụng chính sách bán thiếu, trả chậm; tung ra bán nhiều nơi với số lượng nhỏ nhằm tiêu thụ nhanh, tránh việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. Trong quá trình tiêu thụ,nếu bị kiểm tra, phát hiện, các cơ sở sản xuất vi phạm này sẵn sàng bỏ hết và cho ra sản phẩm mới, nhãn hàng khác tiếp tục lừa người nông dân.
Về phía người nông dân, do không có nhiều vốn để đầu tư cho sản xuất nên không có điều kiện chọn mua các loại phân bón của các doanh nghiệp lớn, uy tín. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất – kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng lại ra sức chào mời mua phân với hình thức trả chậm. Chỉ đến khi bón cho cây trồng, lúc thu hoạch cây cho năng suất thấp, thậm chí chết yểu, người nông dân mới hiểu cái giá của việc mua phân bón giả, phân bón kém chất lượng là quá đắt đỏ. Người dân vốn nghèo, vì những mất mát này lại càng nghèo hơn…
Thực tế này cho thấy, thời gian tới, cùng với việc rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật để lập lại thị trường phân bón của các cơ quan chức năng, bản thân người nông dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc chọn mua và sử dụng phân bón. Có như vậy, mới góp phần hạn chế những hậu quả do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra; mới mong có được những sản phẩm nông sản được xếp hạng trên thế giới.
MUA GÌ |
Đồng bằng sông Cửu Long: Giá cá linh tăng mạnh
Đến thời điểm này Đồng bằng sông Cửu Long đã giữa mùa lũ, loại cá đặc sản chỉ xuất hiện nhiều nhất trong mùa này là cá linh. Nhưng vì năm nay lũ nhỏ, cá linh xuất hiện rất ít, sản lượng giảm khoảng 50 - 60% so với các năm trước. Chính vì cá ít, nên giá cá linh khá cao. Theo tiểu thương ở chợ Tân An, TP. Cần Thơ, cho biết giá hiện tại cá lớn bằng ngón trỏ từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, còn cá linh non bằng đầu đũa ăn giá từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Giá cao nhưng hiện tại loại cá này không đủ hàng bán ở các nhà hàng.
Giá thu mua heo hơi giảm
Trong tháng 9/2016, giá thu mua heo hơi giảm so với tháng trước đó. Cụ thể giá thu mua heo hơi tại Đồng Nai giảm khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg, hiện dao động quanh mốc 42.000 - 43.000 đồng/kg. Giá heo ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg, còn dưới 42.000 đồng/kg. Cùng chiều với giá heo hơi, giá thu mua gia cầm cũng đang có xu hướng giảm so với tháng trước. Hiện giá thu mua gà ta tại Đồng Nai giảm 3.000 - 5.000 đồng/kg, còn khoảng 65.000 đồng/kg; gà công nghiệp lông màu giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg xuống mức 33.000 - 35.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh khiến người nuôi chỉ có thể hòa vốn hoặc lỗ với giá bán hiện nay.
Theo các trang trại chăn nuôi, giá heo hơi giảm chủ yếu do thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng nhập heo hơi qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, nếu giá heo hơi tiếp tục giảm nữa, người chăn nuôi sẽ gặp khó khăn. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế thả giống, tăng đàn tại thời điểm hiện nay. Nhất là trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng và giá heo giống vẫn đứng ở mức cao.
Vú sữa bơ hồng giá cao gấp 2 lần loại khác
Các nhà vườn miền Tây đang bắt đầu thu hoạch vú sữa bơ hồng và bán với giá từ 40.000đ – 45.000 đồng/kg, gấp 2 lần giá bình thường. Ưu điểm của vú sữa bơ hồng là trái to, tròn, sai quả, bình quân 3 trái/kg, thịt ngon, ngọt thanh, mềm và có vị béo giống như bơ. Sở dĩ vú sữa bơ hồng giá cao là nhờ loại này năm nào cũng chín sớm hơn các loại vú sữa khác như: Vú sữa Lò Rèn, vú sữa tím, vú sữa cà na 1 tháng nên thị trường tiêu thụ rất mạnh, các thương lái đến tận nhà vườn thu mua. Đến mùa chín rộ, giá thấp nhất cũng ở mức 25.000 đồng/kg, cao gấp rưỡi các loại vú sữa khác. Đánh giá của các nhà vườn, vú sữa bơ hồng là giống có triển vọng với các ưu điểm ngọt hơn vú sữa Lò Rèn, năng suất cao, cần được quan tâm khảo nghiệm nhân giống. Theo Hiệp hội trái cây Việt Nam, vú sữa là một trong 11 chủng loại có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam được Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn khuyến cáo phát triển hướng đến xuất khẩu. Nhờ trái chín sớm, giá cả ổn định và năng suất cao nên gần đây nhiều bà con nông dân đã chuyển đổi sang trồng vú sữa bơ hồng và bơ xanh khá nhiều.
Bến Tre: Dừa khô “sốt” giá
Gần đây tại Bến Tre, do thương lái Trung Quốc ráo riết thu gom với số lượng lớn khiến giá dừa khô tăng lên khoảng 35.000 - 50.000 đồng/chục và hiện đứng ở mức từ 85.000 - 110.000 đồng/chục. Một thương lái ở huyện Mỏ Cày Nam cho biết, tuy giá cao nhưng rất khó tìm mua dừa khô do nguồn cung ít. Phải mất 2 ngày gom từ tất cả các mối trên địa bàn huyện mới đủ 1 container chạy ra miền Bắc giao cho thương lái Trung Quốc. Việc giá dừa tăng cao khiến các doanh nghiệp chế biến dừa tại Bến Tre gặp rất nhiều khó khăn vì không thể cạnh tranh giá với thương lái Trung Quốc. Để có nguồn nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp phải tạm chấp nhận thu mua dừa trái nhỏ hơn. Người dân lại tranh thủ lúc giá cao mà thu hoạch triệt để vườn dừa để bán. Trước tình hình trên, mặc dù có diện tích dừa gần 70.000 héc-ta nhưng ngành chức năng Bến Tre đang rất lo khả năng sản lượng dừa nguyên liệu sẽ giảm nghiêm trọng vào đầu năm 2017, thêm vào đó phần diện tích dừa bị nhiễm mặn trong năm 2016 đến năm 2017 sẽ bị “treo đọt”.
BÁN GÌ |
Cà phê tiếp tục tăng giá
Giá cà phê trên thị trường đã bắt đầu tăng trở lại từ quý 2/2016 sau một thời gian giảm. Tuy nhiên, đến nay lượng cà phê trong doanh nghiệp, người nông dân không còn nhiều. Hiện nay, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên mức 40.000 - 41.000 đồng/kg nhưng bà con nông dân không còn nhiều hàng để bán bởi đã vào cuối vụ cà phê 2015 - 2016. Rút kinh nghiệm của niên vụ trước, năm nay, giá cà phê có dấu hiệu tăng là doanh nghiệp chốt giá để bán thay vì tiếp tục giữ lại để chờ giá lên. Thị trường đang chờ đợi những động thái mới của vụ cà phê 2016 - 2017 sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng 10 này. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp nên giới quan sát chưa đưa ra những dự báo cụ thể về diễn biến giá trong niên vụ mới.
Bà Rịa - Vũng Tàu : Trái cây Tết Nguyên đán sẽ khan hàng
Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, năm nay thời tiết bất lợi nên nhiều loại trái cây trên địa bàn tỉnh bị giảm năng suất. Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 8.300 héc-ta cây ăn quả, trong đó có hơn 80% diện tích cho thu hoạch. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hoạch gần 45.000 tấn trái cây các loại như: Xoài, sầu riêng, thanh long, măng cụt, chôm chôm và nhiều loại trái cây khác. Tính ra, bình quân cứ 1 héc-ta cây ăn quả cho nhà vườn thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Nhưng với các loại trái cây phục vụ Tết Nguyên đán 2017 như: Bưởi, cam, quýt lại sẽ khan hiếm hàng do tình trạng mất mùa tái diễn.
Giá thu mua hạt tiêu giảm
Trong tháng 9, giá thu mua hạt tiêu đen trong nước tiếp tục giảm so với tháng trước, đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Tính trung bình trong tháng 9, giá thu mua tiêu đen xô tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm giảm khoảng 7.000 đồng/kg so với trung bình tháng trước. Cụ thể, tại Gia Lai giá tiêu đạt 149.500 đồng/kg, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 152.900 đồng/kg, Đắk Lắk là 149.800 đồng/kg, Đồng Nai 150.800 đồng/kg. Sự sụt giảm này bắt nguồn từ bối cảnh ảm đạm của thị trường thế giới, đồng thời do ảnh hưởng bởi thông tin dự báo sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm tới ở mức cao.
Nhìn chung 9 tháng qua, thị trường hồ tiêu trong nước trải qua nhiều biến động, có thời điểm giảm mạnh xuống chỉ còn 130.000 đồng/kg vào giữa tháng 3 rồi lại tăng mạnh trở lại mức trên dưới 170.000 đồng/kg trong nửa đầu tháng 6 và liên tục giảm trong 3 tháng gần đây. M.L
Bình Định: Giá gỗ rừng trồng đang tăng
Từ đầu tháng 9 đến nay, mặt hàng dăm gỗ được thị trường Trung Quốc ăn mạnh trở lại, giá gỗ rừng trồng trên địa bàn Bình Định tăng cao, người trồng rừng phấn khởi. Theo Cty TNHH Sông Kôn, doanh nghiệp chuyên sản xuất dăm gỗ xuất khẩu đóng trên địa bàn khu công nghiệp Phú Tài (TP. Quy Nhơn), từ tháng 7/2016 đến nay, hàng trăm ngàn tấn dăm khô tồn đọng trong gần 20 nhà máy chuyên băm dăm gỗ xuất khẩu ở Bình Định đã được tiêu thụ. Hiện giá gỗ keo đang được nhà máy thu mua hơn 1,2 triệu đồng/tấn, giá gỗ bạch đàn thu mua hơn 1,1 triệu đồng/tấn. Còn bà con ở thôn Thuận Ninh, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) cho biết, gỗ rừng trồng được các nhà máy thu mua mạnh trở lại, giá lại tăng hơn 100.000 đồng/tấn. Với giá thu mua gỗ rừng trồng hiện nay, với mỗi héc-ta rừng trồng 5 - 7 năm tuổi, người trồng rừng thu hơn 130 triệu đồng/héc-ta, sau khi trừ mọi chi phí đầu tư suốt chu kỳ, sẽ còn lãi ròng 30 triệu đồng/héc-ta. P.V
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Hỗ trợ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô
Đã thành thông lệ, cứ vào vụ thu hoạch, giá ngô (bắp) lại có chiều hướng giảm khiến bà con nông dân lao đao. Đặc biệt, với bà con dân tộc ở miền núi, ngô được coi là cây lương thực chủ lực.
Ngô trong nước kém cạnh tranh
Nghịch lý thừa gạo, thiếu ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi đang diễn ra ở Việt Nam - một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, hiện nay nước ta có khoảng 1,2 triệu héc-ta ngô nhưng hằng năm vẫn phải nhập rất nhiều ngô. Nguyên nhân bởi giá thành ngô sản xuất trong nước cao hơn giá thành nhập vào khoảng 1.000 đồng/kg. Vì vậy, bài toán đặt ra làm thế nào chuyển đổi đất lúa sang làm ngô, thứ hai là giảm giá thành để giảm sức ép nhập khẩu ngô. Chuyển đổi sản xuất là điều không đơn giản trong ngày một ngày hai bởi đa phần nông dân trồng ngô thuộc vùng đồng bào dân tộc ít người. Bài toán thứ hai, muốn giảm giá thành cần tăng năng suất cây trồng, áp dụng kỹ thuật mới, các giống ngô năng suất cao… Hiện nay, theo mặt bằng chung, năng suất ngô Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ khoảng 4,8 tấn/héc-ta, so với năng suất tại Mỹ khoảng 10 - 12 tấn/héc-ta. Vì vậy, để giúp chuyển đổi ngô bền vững, thành công cần áp dụng các giải pháp về giống. Hiện nay đã có nhiều giống ngô lai, biến đổi gen đạt được năng suất cao đã được ứng dụng thành công ở Việt Nam. Năng suất tại các mô hình chuyển đổi ngô từ các giống ngô lai, ngô chuyển gen được Bộ NN&PTNT cấp phép đều đạt 6,1 - 7,2 tấn/héc-ta, hiệu quả kinh tế tăng 20 - 30% (tương đương 5 - 10 triệu đồng/héc-ta). Tuy nhiên, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các giống ngô này chưa được triển khai đại trà do diện tích đất canh tác còn lạc hậu, manh mún.
Hỗ trợ 3 triệu đồng/héc-ta
Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành Quyết định 915/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Theo đó, bắt đầu từ vụ hè thu năm 2016, cho phép tất cả các vùng trên được chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô được hỗ trợ với mức là 3 triệu đồng/héc-ta. Đối tượng áp dụng là các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân (người sản xuất). Người sản xuất thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô được Ủy ban nhân dân xã xác nhận: Thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô trên diện tích đất trồng lúa các vụ trong năm từ vụ Hè Thu 2016 đến hết vụ Đông Xuân 2018 - 2019; diện tích chuyển đổi được hỗ trợ phải nằm trong quy hoạch (hoặc kế hoạch) chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài chính sách hỗ trợ trên, ưu tiên thực hiện một số chính sách để thực hiện hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô. Cụ thể, chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô trên đất trồng lúa; hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp…
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một chính sách tốt cho người sản xuất. Thứ nhất, giải quyết được bài toán giảm lương thực xuất khẩu đang dư thừa hiện nay. Thứ hai, nếu làm tốt việc giảm giá thành thì sẽ hạn chế tình trạng nhập siêu ngô từ nước ngoài. Vấn đề thứ ba, việc chuyển đổi linh hoạt như vậy sẽ đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân khi thực hiện chuyển đổi, tăng vụ. Ví dụ tại xã Nghi Kiều (Nghi Lộc, Nghệ An) để sản xuất vụ Đông năm nay được thắng lợi, ngay từ đầu vụ, xã đã chỉ đạo bà con nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa bị hạn hán. Đối với cây ngô, theo chỉ tiêu kế hoạch, vụ này toàn xã sẽ gieo trồng 335 héc-ta. Trong sản xuất canh tác, đối với những vùng đất do hạn hán không trồng được cây vừng Hè - Thu thì sản xuất càng sớm càng tốt, trường hợp có bão, lụt đến sớm thì ngô đã phát triển tốt. Nếu thiệt hại do mưa bão, cây ngô có thể dùng làm thức ăn gia súc hoặc cung ứng ra thị trường. Đối với vùng đất màu thấp và diện tích gieo lúa mùa sau khi thu hoạch, chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng ngô dày để làm thức ăn cho gia súc.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Nông dân trồng mía lãi lớn
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đề nghị các nhà máy đường, công ty kinh doanh mía đường cần ổn định giá bán, không được tạo tâm lý khan hiếm hàng để "làm giá" trong thời gian tới.
Tuần đầu tháng 9, giá đường tại một số địa phương trong cả nước dao động trong khoảng 15.200 – 16.700 đồng/kg, tăng khoảng 500 - 700 đồng/kg so với tuần trước. Dự báo, trong thời gian tới, giá đường trong nước sẽ tiếp tục tăng do giá thế giới có xu hướng tăng. Diễn biến này hoàn toàn có lợi cho người trồng mía bởi trên thực tế, ngay từ đầu vụ các doanh nghiệp đã thu mua mía với giá khá cao. Chính vì vậy, vào đầu vụ mía đường hay xảy ra hiện tượng tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường. Trước tình trạng này, VSSA đã có công văn gửi các doanh nghiệp hội viên yêu cầu các nhà máy đường trong vùng không tự nâng giá mua mía nguyên liệu khi chưa có sự thống nhất giữa các nhà máy đường khác nhằm tránh tình trạng tranh mua tranh bán, phá vỡ giá mua mía đã thống nhất trong vùng. Không phải ngẫu nhiên mà VSSA có công văn này vì thực tế, đầu vụ mía 2016 - 2017, giá mía nguyên đã tăng. Cụ thể, tại Đồng bằng sông Cửu Long mía được các nhà máy mía đường mua với giá 1,1 triệu đồng/tấn, tăng 240.000 – 300.000 đồng/tấn so với vụ mía trước. Với giá cao như vậy, trung bình 1 héc-ta trồng mía, nông dân lãi từ 50 - 60 triệu đồng. Thậm chí tại một số tỉnh do nước lũ chưa về nên nông dân có thể neo mía trên đồng giúp tăng chữ đường và trọng lượng nên giá bán mía có thể cao hơn. Ngoài ra, một số nhà máy còn áp dụng các chính sách ngoài giá như hỗ trợ vận chuyển, phân bón, vật tư… cho nông dân vào đầu vụ khoảng 5 triệu đồng/héc-ta. Sau khi thu hoạch mía sẽ trừ lại nên nông dân được tạo điều kiện và yên tâm trồng mía. Giáng My
Thừa Thiên Huế: Người trồng thanh trà điêu đứng
Trái thanh trà hay còn gọi là bưởi thanh trà ở Huế thường chín vào mùa thu và được thu hoạch trong vòng hai tháng. Năm nay, thương lái đến mua thanh trà tại Thủy Biều (Thừa Thiên Huế) đang điêu đứng vì thanh trà mất mùa nhưng giá lại không tăng so với mọi năm.
Tại vườn thanh trà của một hộ trồng lâu năm tại làng Lương Quán, phường Thủy Biều, rất nhiều thương lái đang tập trung để xếp thanh trà vào các bao. Tuy nhiên, do năm nay hạn hán kéo dài, cây bị nhện đỏ tấn công nên sản lượng giảm. Nhiều thương lái đã mua nguyên vườn thanh trà bị lỗ nặng vì sản lượng trái thấp, chỉ bằng 1/3 so với năm trước. Vì vậy, để đảm bảo đủ lượng tiêu thụ, thương lái phải thu gom từ rất nhiều vườn. Thủy Biều là địa phương có số hộ trồng thanh trà nhiều tại Thừa Thiên Huế. Thế nhưng, gần 800 hộ trồng thanh trà năm nay đều thua lỗ do thanh trà bị ảnh hưởng thời tiết và sâu bệnh.
Tuy mất mùa nhưng giá thanh trà hiện nay không chênh lệch nhiều so với mọi năm. Giá thanh trà mua sỉ tại vườn phân theo quả. Với những bao 50 trái, giá là 600.000 đồng/bao, 35 trái giá là 700.000 đồng/bao, riêng với những quả nhỏ giá 350.000 đồng/bao 70 quả. Năm nay, quả đạt chất lượng không nhiều, chủ yếu là quả loại 2. Chủ một vườn thanh trà ở xã Hương Vân, huyện Hương Trà cho biết, nhà chị có 3 vườn thanh trà, mỗi năm thu nhập tính khoảng từ 200 triệu đồng. Đủ ăn cả năm cho cả gia đình. Thế nhưng năm nay ước tính cả 3 vườn không thu được 50 triệu đồng nên không biết lấy tiền đâu để lo cho con cái học hành?...
Không chỉ Thủy Biều là vùng bị ảnh hưởng nặng, thanh trà tại các địa phương khác đều cho sản lượng thấp, gây thiệt hại từ 40 - 60% so với mọi năm.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Nghi Lộc – Nghệ An: Hỗ trợ nông dân trồng vụ Đông sớm
Là một trong những huyện bị hạn nặng, trong vụ Hè Thu năm nay, Nghi Lộc có khoảng 2.000 héc-ta diện tích không sản xuất được. Chính vì vậy, thời điểm này, Nghi Lộc đã triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân trồng vụ Đông sớm.
Vụ Đông năm nay, Nghi Lộc đẩy mạnh sản xuất theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng, phấn đấu gieo trồng trên 4.600 héc-ta. Trong đó, các cây trồng chủ lực là ngô với 3.300 héc-ta, lạc 450 héc-ta và rau, đậu đỗ các loại 900 héc-ta. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, có mưa, trên một số chân đất bị hạn nặng, nông dân Nghi Lộc đã triển khai mô hình nhân giống Lạc L14 nguyên chủng với diện tích gần 28 héc-ta. Bên cạnh đó, nhiều diện tích bị hạn đã được chuyển đổi sang trồng hành tăm với tổng diện tích được quy hoạch sản xuất vụ Đông năm nay của huyện gần 200 héc-ta. Đến nay, bà con đã sản xuất được khoảng 30%.
Đặc thù trên địa bàn huyện Nghi Lộc có một số trang trại nuôi bò, nên huyện quy hoạch diện tích trồng ngô giống hạt đỏ với gần 700 héc-ta, cung cấp cho các trang trại này. Năm nay, diện tích ngô giống hạt đỏ trên toàn huyện tăng gần gấp đôi diện tích ngô vụ Đông năm trước.
Năm nay, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện Nghi Lộc còn hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả do hạn hán, phải chuyển đổi diện tích lúa Hè Thu – Mùa không gieo cấy được sang làm ngô (lấy hạt) vụ Đông với mức 30.000 đồng/kg. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ 50% giá giống lạc L14 nguyên chủng sản xuất trong vụ Đông và nylon tủ luống lạc Thu – Đông với mức 10.000 đồng/kg nylon.
Diện tích nuôi tôm tăng
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến thời điểm cuối tháng 9 diện tích tôm sú của cả nước ước đạt 582.700 héc-ta, tăng 0,6% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 174.400 tấn. Trong số đó, diện tích tôm sú tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 562.501 héc-ta, tăng 1,3%, sản lượng ước đạt 169.012 tấn. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cả nước ước đạt 80.000 héc-ta, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước tính đạt 200.000 tấn, tăng 4,2%. Trong số đó, tại Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tôm thẻ chân trắng ước đạt 62.300 héc-ta, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 151.700 tấn, tăng 11,1%.
Lý giải việc nuôi tôm thẻ chân trắng tăng mạnh so với đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do thời gian nuôi ngắn, năng suất đạt khá, giá bán ổn định nên nhiều hộ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng nên diện tích thả nuôi tăng mạnh. Nhiều vùng nuôi tôm nước lợ mau chóng phục hồi sau đợt hạn, mặn do người dân tiếp tục thả tôm giống nuôi và áp dụng công nghệ trong nuôi tôm nên diện tích nuôi tôm thiệt hại giảm. Hiện nay, giá tôm nguyên liệu tương đối ổn định, thời tiết khá thuận lợi, hứa hẹn mùa thu hoạch cuối năm sản lượng tôm sẽ khá hơn. Đây là tín hiệu tích cực về thị trường tiêu thụ, giá tôm nguyên liệu tăng do thị trường xuất khẩu có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là các tháng cuối năm, các doanh nghiệp tăng cường thu mua để phục vụ nhu cầu tiêu thụ.
CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN |
Hạt nêm trôi nổi, giá rẻ
Trên thị trường hiện đang bán các loại hạt nêm gia vị không bao bì nhãn mác, không hạn sử dụng, không nguồn gốc xuất xứ. Giá bán loại hạt nêm này chỉ trong khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg, rẻ hơn hàng chính hãng 50%. Đặc biệt, loại hạt nêm này được bán nhiều tại các chợ khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Hầu hết hạt nêm loại này đều được các chủ hàng đóng vào những túi nylon trắng, không bao bì, nhãn mác, không hạn sử dụng và cũng không ghi nguồn gốc xuất xứ. Mỗi túi có trọng lượng đóng sẵn từ 0,5 - 1kg hoặc chủ hàng sẽ sang chiết đóng gói theo đúng trọng lượng khách yêu cầu. Ở các chợ quê, người bán còn đóng những túi nhỏ hơn, chỉ 2 - 3 gram để bán cho bà con quanh vùng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, bà con không nên mua loại hạt nêm này bởi chúng không đảm bảo an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm. Trên thực tế, theo quy định, các loại hạt nêm tiêu thụ trên thị trường đều phải có hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng, thành phần, nhãn sản phẩm và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận công bố chất lượng. Tuy nhiên, các loại hạt nêm “3 không” đang bày bán trên thị trường không được kiểm soát bởi cơ quan quản lý nào và không có công ty nào chịu trách nhiệm về sản phẩm. Đối với các loại hạt nêm không có nguồn gốc xuất xứ, nếu sử dụng dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn và nhiễm tạp chất từ điều kiện đóng gói không đảm bảo hoặc do người sản xuất pha trộn tạp chất để tăng lợi nhuận. Nếu sử dụng các sản phẩm bị nhiễm những vi khuẩn đường ruột như E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng..., người dùng có thể bị tiêu chảy, nôn mửa. Đặc biệt, việc đưa vào cơ thể những tạp chất độc hại trong thời gian dài có thể gây bệnh mãn tính, thậm chí gây ung thư ở người sử dụng.
Tốt nhất, bà con nên lựa chọn các sản phẩm hạt nêm của các đơn vị sản xuất có uy tín, tuyệt đối tránh các sản phẩm trôi nổi để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Bình Thuận: Tăng cường kiểm tra liên ngành
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong tháng 9/2016, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên khâu lưu thông và địa bàn.
Đặc biệt, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng trọng tâm như: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, an toàn thực phẩm và các mặt hàng thuốc lá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về việc tiếp tục giữ ổn định giá bán một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực y, dược (khám chữa bệnh trái phép, buôn bán thuốc tân dược, thuốc không rõ nguồn gốc, quá hạn dùng...). Ngoài ra, tăng cường kiểm tra liên ngành về chất lượng, điều kiện sản xuất kinh doanh các mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi và giống cây trồng trên địa bàn tỉnh… Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung phản ánh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng ở các mặt hàng tiêu dùng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thái độ, thực hành đúng về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người quản lý, sản xuất, chế biến và tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)