Trích - Nghị quyết của Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương
02:53 PM 31/10/2015 | Lượt xem: 6901 In bài viết |Trích - Nghị quyết của Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương
NGHỊ QUYẾT VỀ CÔNG TÁC TRONG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
I. SINH HOẠT KINH TẾ CHÍNH TRỊ VÀ XÃ HỘI CỦA DÂN CHÚNG LAO ĐỘNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
Đông-dương gồm 5 xứ (1), ước độ 22 triệu người, trong đó dân tộc Việt-nam ở 3 kỳ: Trung, Nam, Bắc choán 18 triệu, còn độ 4 triệu thì người Cao-miên hơn 2 triệu, Ai-lao độ 80 vạn, còn độ 1 triệu chia ra các dân tộc nhỏ khác rải rác ra các vùng Trung, Nam, Bắc-kỳ như: Thổ, Mường, Nùng, Mèo, Mán, Thái, Giao, Lô-lô v.v. (Bắc-kỳ) và Thượng, Kha, Chàm, Ra-đê v.v... Các điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội các xứ và các và các miền dân tộc thiểu số đều khác nhau. Đại khái có thể chia ra làm 3 thứ:
1. Sinh hoạt khai thuỷ tự nhiên (như dân Thượng ở Thượng Đồng-nai); một bộ phận nhân dân còn theo lối du mục, năm nay ở chỗ này năm sau rời đi chỗ khác (Mán, Mèo Bắc-kỳ).
2. Sinh hoạt phong kiến, những di tích bộ lạc cũ còn (Mường, Thái, Kha), những chỗ này giai cấp phân hoá trong nông dân chưa rõ rệt, kinh tế bán bộ lạc, bán phong kiến.
3. Đã bắt đầu theo lối tư bản nhưng di tích phong kiến choán đa số (Cao-miên, Lào, Lạng-sơn, Cao-bằng v.v), những nơi này vô sản, kỹ nghệ đã có, nhưng số lượng còn kém ở Việt-nam nhiều. Đã có thợ mỏ, cu ly (2) đồn điền, vận tải, điện, v.v... Vô sản nông nghiệp đã thành một đội quân khá đông, khá quan trọng. Trong thôn quê giai cấp phân hoá đã rõ rệt, có phú, trung, bần và cố nông (tức công nhân nông nghiệp). Tuy cấu tạo kinh tế mỗi dân tộc một khác, nhưng cứ vẫn là một bộ phận hệ thống kinh tế trong toàn xứ Đông-dương, hệ thống bóc lột của đế quốc phong kiến. Nông dân bị sưu cao (ở Công-tum, Ban-mê-thuột con nít 14 tuổi đã phải chịu sưu), thuế nặng, công ích bề bộn, nợ nần đầy đầu, đầy cổ. Cuộc kinh tế khủng hoảng lại làm cho phần nhiều nông dân bị phá sản, công nhân kỹ nghệ và nông nghiệp hoàn toàn theo lối tiền tư bản, không có giờ nghỉ ngơi, tiền công cực rẻ, có nhiều chỗ bọn chủ lại trả tiền công bằng hoá vật (vải, diêm, muối), các lớp tiểu tư sản và các lớp trí thức nghèo cũng bần cùng hoá. Quyền chính trị hoàn toàn vào tay đế quốc Pháp, chúng lợi dụng duy trì liên hệ phong kiến, chúng cướp giật đất đai, phần thì bọn tư bản thương mại bóc lột. Đế quốc giao một phần quyền chính trị cho bọn vua quan, tù trưởng, quan lang, lý hào để bóc lột nhân dân lao động. Đế quốc Pháp lại còn dùng chính sách chia rẽ lao động các dân tộc, nên còn cho bọn quan lại Việt-nam tới các xứ, các vùng dân tộc thiểu số thống trị một cách ác nghiệt, dã man. Đế quốc Pháp còn đem lính Việt-nam tới đóng các vùng dân tộc thiểu số ở Ai-lao, Cao-miên và các chỗ khác; mở thêm các trường tầu bay Lào, Cao-miên, Thượng Đồng-nai, làm thêm đường xe lửa, v.v. đề phòng khi dân tộc này có phong trào cách mạng thì kéo lính dân tộc khác tới đàn áp cho chóng. Những đảng phái quốc gia cải lương dưới quyền bảo hộ của đế quốc Pháp, đã tổ chức ra để lừa gạt quần chúng, cổ động hợp tác giai cấp, đề huề với đế quốc Pháp, nhưng kịch liệt chống "chủ nghĩa đế quốc Việt-nam".
II. VẬN ĐỘNG GIẢI PHÓNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
Các dân tộc thiểu số không phải nay mới bắt đầu ra tranh đấu chống đế quốc Pháp. Cuộc bất phục luôn luôn kế tiếp từ lúc đế quốc Pháp chiếm Đông-dương. Việc bạo động năm 1909, cuộc bạo động ở Hoà-bình chiếm tỉnh lỵ của dân tộc Mường, dân cày Cao-miên chống cướp đất (vụ giết tên công sứ Borsez). Nhưng nhất là gần đây vận động cách mạng của công nhân Việt-nam có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn trong đám lao động dân tộc thiểu số. Năm 1931 cố nông Thượng Công-tum đã hăng hái ủng hộ vận động xô-viết ở Nghệ-an. Vô sản kỹ nghệ Lào và Cao-miên đã biết nhiều phen bãi công bênh vực quyền lợi thiết thực hàng ngày của mình. Dân cày Ai-lao năm 1934 chống sưu thuế trong nhiều tỉnh, bắt buộc Chính phủ phải thu thuế bằng đồng bạc mới và cũ, các cuộc nông dân biểu tình chống địa tô, đòi khoai, lúa (Công-pông-chàm, Cao-miên), cuộc nổi dậy của dân Thượng Công-tum, Thượng Đồng-nai, Thương phơ-rông (Cao-miên) chống đế quốc xâm chiếm đất và quyền tự trị. Điều rất đặc sắc là cuộc tranh đấu của công nông người Thổ, người Nùng ở Cao-bằng, Lạng-sơn có tính chất tổ chức chu đáo và theo những khẩu hiệu cộng sản rất rõ rệt. Một điều thắng lợi cho chủ nghĩa cộng sản nữa là: công nông các dân tộc thiểu số chẳng những đã vào hàng ngũ Đảng cộng sản và các đoàn thể cách mạng khác do Đảng chỉ đạo mà thôi, mà họ đã giữ một địa vị rất quan trọng trong các cơ quan chỉ đạo từ hạ cấp tới thượng cấp (như xứ uỷ người Lào, người Thổ). Đại hội chắc chắn rằng ở các xứ và các miền dân tộc thiểu số đã có điều kiện khách quan sẵn sàng cho sự phát triển vận động cách mạng, Đảng cộng sản cần tổ chức công nông thêm vào hàng ngũ tranh đấu để nâng cao điều kiện chủ quan và để làm cho quá trình phát triển cách mạng ấy mau tới trình độ cao rộng thêm.
III. KHẨU HIỆU CHO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐƯỢC QUYỀN TỰ QUYẾT
Đại hội Đảng công nhân khẩu hiệu "cho các dân tộc thiểu số được quyền tự quyết" đã đề xướng năm 1932 trong chương trình hành động của Đảng và đã được Quốc tế cộng sản hoàn toàn đồng ý. Đại hội Đảng lại cân nhắc cho các đảng bộ sự cần thiết giải thích cho quần chúng lao động Việt-nam và các dân tộc thiểu số hiểu ý nghĩa quan trọng của khẩu hiệu ấy và sự quan trọng các dân tộc phải mật thiết liên hợp với nhau để chống đế quốc là cần thiết.
a) Đảng cộng sản thừa nhận các dân tộc được quyền tự do hoàn toàn. Đảng chống chế độ thuộc địa, chống hết các hình thức trực tiếp và gián tiếp đem dân tộc này đàn áp và bóc lột dân tộc khác.
b) Sau khi đánh đổ được ách đế quốc Pháp ra khỏi xứ Đông-dương rồi các dân tộc có quyền tự quyết nghĩa là tuỳ theo ý chí của họ, họ muốn theo Liên bang cộng hoà xô-viết Đông-ương, hoặc muốn lập ra Nhà nước độc lập, muốn theo chính thể nào cũng được, Chính phủ xô-viết công nông binh Đông-dương quyết không can thiệt và ngăn trở.
c) Đảng cộng sản quyết không bao giờ chủ trương bắt buộc các dân tộc thiểu số hoàn toàn thoát ly Liên bang cộng hoà xô-viết Đông-dương. Trái lại phải luôn luôn giải thích cho các dân tộc thiểu số sự cần thiết và lợi ích liên hợp huynh đệ các dân tộc ở Đông-dương với nhau để củng cố chính quyền xô-viết, tăng lực lượng cách mạng, chống các quân thù giai cấp, hợp tác kiến thiết kinh tế xô-viết, dự bị chuyển biến cuộc cách mạng tư sản dân quyền sang cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa để kiến thiết xã hội chủ nghĩa (là bước đầu của chủ nghĩa cộng sản).
d) Sự liên hợp huynh đệ phải lấy nguyên tắc chân thật, tự do và bình đẳng cách mạng mà làm căn bản, nghĩa là mọi dân tộc có quyền tự do vào hay ra Liên bang cộng hoà xô-viết chớ các dân tộc mạnh không được dùng võ lực ép các dân tộc yếu vào, ra.
Các dân tộc vào liên bang được hưởng quyền lợi và chịu trách nhiệm như nhau. Mỗi dân tộc trong liên bang lại có quyền tự trị, nghĩa là được giải quyết lấy vấn đề địa phương chỉ quan hệ đến dân tộc mình, được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế văn hoá của mình, được lấy rành người trong dân tộc mà quản lý lấy các cơ quan chính trị kinh tế.
IV. NHIỆM VỤ CẦN KÍP
Đại hội Đảng xét rằng lực lượng tranh đấu của các dân tộc thiểu số là một lực lượng lớn. Cuộc dân tộc giải phóng của họ là một bộ phận quan trọng trong cuộc cách mạng phản đế và điền địa ở Đông-dương, bộ phận của cuộc cách mạng thế giới. Cho nên sự miệt thị công tác trong các dân tộc thiểu số là một lầm lỗi chính trị rất to lớn, kết quả sự miệt thị ấy sẽ làm cho mặt trận phản đế lại yếu đuối, sẽ ngăn trở cuộc cách mạng Đông-dương mau thành công. Đại hội bắt buộc các đảng bộ phải thực hiện những nhiệm vụ như sau này:
1. Các đảng bộ cần đem các bản chương trình của Đảng, của Quốc tế cộng sản, của Tổng công hội đỏ Đông-dương và Liên hợp công hội thợ nông nghiệp và của thanh niên cộng sản đoàn phổ biến và thi hành trong các dân tộc thiểu số. Đại hội Đảng cần nhắc rằng những khẩu hiệu riêng và chung trong các bản chương trình ấy đều hoàn toàn thích hợp cho hết thảy quần chúng người lao động Việt-nam, Cao-miên, Lào, Thổ, Thượng, Mường, Mán, Mèo, Nùng, Kha, Chàm, v.v... Nhưng các đảng bộ phải nghiên cứu tình hình các dân tộc mà đề xướng thêm những khẩu hiệu mới cho thích hợp với tâm lý và sự nhu yếu thiết thực hàng ngày của họ.
2. Trung ương, các xứ uỷ và các tỉnh uỷ (trong những tỉnh có dân tộc thiểu số) phải cử ra một số người chuyên môn nghiên cứu và chỉ đạo công tác vận động trong các dân tộc thiểu số. Phải nỗ lực tổ chức quần chúng lao động các dân tộc ấy vào Đảng, Công hội, Nông hội, Phản đế liên minh, v.v. cho đông. Các cơ quan chỉ đạo của Đảng, của đoàn thể cách mạng ở Ai-lao, Cao-miên, các tỉnh (như Ban-mê-thuột, Công-tum, Cao-bằng, Lang-sơn, v.v.) các phủ, huyện, châu, quận (như Bái-thượng ở Thanh-hoá, Quỳ-châu Nghệ-an) các tổng xã của các dân tộc thiểu số thì phải thiết pháp đem các phần tử hăng hái hơn hết trong đám người dân tộc thiểu số vào choán đại đa số.
3. Các xứ uỷ Ai-lao, Cao-miên và các tỉnh có người dân tộc thiểu số phải dùng đủ phương pháp mà xuất bản báo chương, truyền đơn và các tài liệu khác bằng chữ dân tộc thiểu số.
4. Cần tổ chức và chỉ đạo công nông và các lớp lao động khác trong các dân tộc thiểu số, bênh vực quyền lợi hàng ngày của họ. Kịch liệt chống sách lược áp bức và bóc lột của đế quốc, vua quan Việt-nam, Cao-miên, Ai-lao, các bọn lãnh tụ và bọn tù trưởng bộ lạc, các quan lang, lý hào trong các dân tộc thiểu số. Liên lạc vận động giải phóng trong các dân tộc thiểu số với những nhiệm vụ cách mạng phản đế và địa Đông-dương, ủng hộ cuộc chiến tranh dân tộc Thượng đương chống chính sách xâm lược của đến quốc Pháp. Phổ biến và ủng hộ cuộc đấu tranh oanh liệt của dân tộc Thổ, Nùng ở Thượng-du Bắc-kỳ, chống khủng bố trắng của đến quốc Pháp đàn áp cuộc vận động cách mạng người Thổ, Nùng và Thượng. Củng cố tình cảm và giây liên lạc của lao động Việt-nam với lao động dân tộc thiểu số. Luôn luôn gỡ mặt nạ bọn phản động (như bọn Phetsarath) trong các dân tộc thiểu số, phá ảnh hưởng của chúng, kéo quần chúng dưới quyền chỉ đạo của chúng sang phe cộng sản.
5. Kịch liệt khuếch trương cuộc tranh đấu hai mặt trận về vấn đề dân tộc trong hàng ngũ cộng sản, chống địa phương chủ nghĩa trong các đồng chí người dân tộc thiểu số (nhất là người Thổ), miệt thị sự liên lạc vận động người Thổ với cuộc tranh đấu của các dân tộc khác ở xứ Đông-dương, ít thấy rõ tinh thần quốc tế. Chống xu hướng vị chủng (chauvinisme de grande race) của các đồng chí Việt-nam ở Lào, Cao-miên, miệt thị người lao động dân tộc thiểu số, ít chịu để ý tổ chức họ vào hàng ngũ cách mạng, ít biết đem họ vào các cơ quan chỉ đạo, cần phổ biến và nâng cao ngọn cờ của chủ nghĩa Mác-Lê nin trong dân chúng lao khổ người dân tộc thiểu số.
Công nhận tại Đại hội lần thứ nhất của
Đảng Cộng sản Đông-dương
Ngày 28 - 3 – 1935
(1) - Thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, thực dân Pháp đã chia Việt-nam thành 3 xứ riêng biệt. Mỗi xứ được coi như một thành viên trong Đông-dương.
(2) - Công nhân.
Ban biên tập (Văn kiện của Đảng về Chính sách Dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 8-15.)