Bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác dân tộc
10:02 AM 09/09/2020 | Lượt xem: 2586 In bài viết |Nhằm tiếp tục thúc đẩy công tác giảm nghèo, từ ngày 07 - 11/9, Học viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước tổ chức khóa bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức đang làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng 3, đối tượng 4 hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đối tượng 4 không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức có 90 cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện như: trực tiếp theo dõi công tác dân tộc, chuyên trách làm công tác dân tộc; công tác tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; lực lượng vũ trang tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước…
Cán bộ, công chức, viên chức sẽ được bồi dưỡng các nhóm kiến thức chuyên đề về các vấn đề: Tổng quan các dân tộc thiểu số Việt Nam; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc; công tác quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số; pháp luật và chính sách của nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh ở vùng dân tộc thiểu số; công tác quốc phòng an ninh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 41 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc S’tiêng, Khmer, Tày, Nùng, M’nông chiếm số lượng lớn trong các dân tộc thiểu số. Về công tác dân tộc trong những năm qua, Bình Phước cũng đã tạo điều kiện, có nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ người dân tộc được thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn còn một số đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các vùng dân tộc thiểu số ít được cập nhật, tiếp cận về kiến thức dân tộc, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Nguyễn Lương Nhân, việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết và thiết thực. Công tác này góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết cho cán bộ trong quá trình công tác tại cơ sở; tạo đột phá trong việc nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác, tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; đồng thời, giúp người dân xây dựng kế hoạch giảm nghèo, thoát nghèo bền vững; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo ở địa phương.
(baotintuc.vn)