Xúc tiến đầu tư và viện trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi

06:41 AM 10/12/2015 |   Lượt xem: 4557 |   In bài viết | 

Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, trong những năm qua, được sự giúp đỡ, hợp tác đầy thiện chí, trách nhiệm và hiệu quả của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, các Tổ chức phi chính phủ… Việt Nam đã có thêm nguồn lực quan trọng hỗ trợ, đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi. Sự ủng hộ, giúp đỡ đó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt xã hội, đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội miền núi và vùng DTTS. Song, do vùng dân tộc và miền núi Việt Nam có điểm xuất phát thấp, địa hình chia cắt, địa bàn đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ lớn nên các nguồn lực đã được đầu tư cho vùng trọng điểm này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhu cầu tiếp tục đầu tư và phát triển vẫn còn rất lớn để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng dân tộc và miền núi so với các vùng khác của đất nước. Vì thế, nguồn lực bổ sung trong nước và các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, các đối tác phát triển cho vùng dân tộc và miền núi là rất cần thiết.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị lần này là cơ hội tốt để đồng bào vùng dân tộc và miền núi đóng góp ý kiến, tiếng nói của mình đến các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tiếp tục hỗ trợ đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức cần thiết.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả 2 năm triển khai Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số" theo Quyết định 2214/QĐ-TTg; kết quả thực hiện Đề án và cam kết của các nhà tài trợ trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ cũng như tình hình công tác dân tộc, các chính sách đối với đồng bào DTTS trong năm qua.

Các đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham gia phát biểu tham luận về việc đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và định hướng giải pháp thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư, viện trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi cho giai đoạn 2016-2020.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến mong muốn trong giai đoạn tới, UBDT sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư đến từ các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để phát huy tốt nguồn đầu tư đó, UBDT và LHCTCHNVN cam kết sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thiết thực, triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn lực dành cho đồng bào các dân tộc và miền núi của Việt Nam; phối hợp với các tổ chức theo dõi chặt chẽ, thường xuyên, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện; xử lý kiên quyết những vi phạm nảy sinh trong quá trình thực hiện chương trình.

Đại diện các tổ chức quốc tế phát biểu tham luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đối tác phát triển chính thức, 182 tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết trong thời gian tới sẽ đầu tư, hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho vùng dân tộc và miền núi (cụ thể sẽ triển khai 261 chương trình, dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại 24 tỉnh có tỷ lệ người DTTS cao nhất cả nước với tổng ngân sách trên 209,4 triệu USD). Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ, một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong nước hưởng ứng đầu tư và hỗ trợ thực hiện tốt Chương trình an sinh xã hội cho vùng dân tộc và miền núi.

Trước sự hỗ trợ của các nước, các đối tác, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp, các cơ quan của Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với các các nhà tài trợ trong việc triển khai dự án tại khu vực đồng bào DTTS và miền núi, để những hỗ trợ này đến được với người hưởng lợi, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của chương trình và các dự án./.

Ngọc Ánh