A Ja: Người ghi lại “Cuộc trò chuyện vĩnh cửu giữa đại ngàn”
09:00 AM 22/11/2010 | Lượt xem: 2804 In bài viết |Mồ côi mẹ từ tấm bé, khi đứng cao ngang miệng gùi, A Ja (xã Vinh Quang – TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã được người cha địu đi làm rẫy. Cha là người biết hát sử thi, kể chuyện cổ bản địa nên khi vừa tra hạt, làm cỏ, thu hoạch… đều hát cho Ja nghe. Mạch ru nhẹ nhàng, du dương hòa cùng tiếng gió, tiếng suối reo, thấm vào Ja từng câu, từng câu cho đến lúc cậu ngủ vùi trên lưng cha. Khi A Ja lên 10 tuổi, người cha về với Atâu (tổ tiên) khiến cái bụng Ja cứ buồn mãi. Ja bắt đầu đam mê sử thi, chuyện cổ. Bây giờ, tuổi, đã cao nhưng Ja vẫn tự đi sưu tầm, biên dịch cả một “núi” đồ sộ sử thi, chuyện cổ Tây Nguyên đang dần bị mai một…
“Kho sử thi sống” của Tây Nguyên
Dáng người nhỏ thó, tuổi ngoài 65, tóc đã bạc trắng, nhưng ông A Ja còn nhanh nhẹn như con sóc. Cũng có hôm người dân trong vùng mới thấy A Ja ở làng này, đến chiều đã lại thấy ông ở buôn khác. Tuy không được đào tạo bài bản, gia đình ông vốn thuần nông nhưng bỗng nhiên ông chuyển hẳn sang làm nghề biên dịch sử thi và chuyện cổ Tây Nguyên.
Theo thống kê, hiện nay, những người làm được việc này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay vì nhiều người tuổi cao đã lần lượt đem kho tàng văn học về với... Atâu. A Ja được coi là người phiên âm và biên dịch sử thi giỏi nhất Tây Nguyên. Theo ông thì “Bây giờ nhiều người quay lưng lại với sử thi, chuyện cổ bởi nền văn hoá các buôn làng Tây Nguyên đang dần bị lai căng. Trong khi đó, nếu không dồn toàn tâm, toàn sức cho việc biên dịch cả núi sử thi, chuyện cổ đồ sộ thì chẳng còn mấy ai làm được việc này. Mình cố hết sức để dịch cho đúng, cho trúng, giúp người dân hiểu và biết lưu giữ lại thứ văn hoá đặc sắc nhất của dân tộc mình...”. Đam mê và có năng khiếu bẩm sinh về hát sử thi, thông thạo 3 thứ tiếng (Xơ-đăng, Băhnar, Kinh), A Ja có thể hát sử thi suốt ngày đêm mà không thấy chán. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho việc “tác nghiệp”.
Tuy không được học ngành Văn, nhưng năm 1996, ông tự đi sưu tầm chuyện cổ về biên dịch thành sách (viết tay) rồi đọc và chép lại cho lũ con cháu trong vùng truyền tai nhau. Năm 2002, ông được nhiều người biết đến bởi khả năng đặc biệt. Rồi ông được Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian “rước” ra Hà Nội tập huấn 3 tháng về dịch sử thi và chuyện cổ Tây Nguyên. A Ja như được tiếp thêm lửa, suốt ngày đêm vùi đầu vào đống sử thi đồ sộ phía trước mặt. Với niềm đam mê và vốn kiến thức “trời cho” ấy, A Ja xác định “ôm” khối lượng sử thi đồ sộ vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ. Ông bộc bạch: “Cái khó là việc trước đây các cơ quan chức năng tổ chức đi điều tra, sưu tầm (ông không được đi cùng), xong rồi về giao lại cho tôi các cuốn băng để phiên âm, phiên dịch. Trong khi sử thi nguyên bản chủ yếu dùng từ cổ, nhưng qua truyền miệng trong dân gian thì có thể dùng từ cổ, có khi dùng từ pha tạp. Vì vậy, muốn dịch một từ, một câu chuẩn phải mất rất nhiều thời gian. Nhiều lần ông phải đạp xe đến tận nơi tìm gặp “nghệ nhân”, già làng... để được nghe phát âm chính xác để về dịch”. Có những lần, A Ja phải làm việc cật lực hơn 1 tuần mới dịch hết được 1 băng catset.
Thế mà chỉ trong vòng vài năm nay, A Ja đã dịch được hơn 20 bộ sử thi ra hai thứ tiếng Xơ- đăng (nhánh Tơ dră, Hơ Lăng, Ka Yong, Mơ Nâm)–Kinh. Trong mỗi bộ có hàng chục, thậm chí hàng trăm tác phẩm, trong đó tác phẩm dài nhất với hơn 600 trang. A Ja cũng đã dịch và xuất bản được hơn 10/20 bộ sử thi của người Băhnar – Kinh và tự đi sưu tầm, dịch được 50 truyện cổ.
“Nghệ nhân dân gian”... lang thang
Đam mê là vậy, khó khăn “tác nghiệp” là thế, nhưng cuộc sống gia đình ông thuộc diện “thiếu sáng, hụt chiều” bởi nguồn thu từ nhuận bút biên dịch, viết báo chẳng đáng là bao. Dù vợ A Ja (là Y Yưk) làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vinh Quang–TP. Kon Tum nhưng nguồn thu nhập 2 vợ chồng cộng lại chẳng thấm tháp gì so với việc chi phí sinh hoạt cho 5 người con trong gia đình. Hiện nay, khối tài sản của A Ja chỉ là một ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, đồ đạc trong nhà đáng giá nhất là chiếc xe máy mua năm 2009. Vẫn biết “vướng” vào nghiệp chướng “nghệ nhân dân gian” là gặp nhiều chông gai, nhưng niềm đam mê, nhiệt huyết của ông vẫn không hề thuyên giảm. Thấy chồng suốt ngày vùi đầu vào cái máy catset cũ kỹ tua qua, tua lại để nghe từng câu, từng từ, Y Yưk càng tỏ ra thông cảm hơn: “Thấy ông ấy ngồi cả đêm, cứ nghe rồi ghi chép cẩn thận vào một quyển vở. Nhiều khi lại bứt đầu, gãi tóc, ngồi thần người ra suy nghĩ khiến mình cũng chạnh lòng, nhưng vẫn thấy vui vì ông ấy đang được làm những điều yêu thích, thoả lòng đam mê. Cả gia đình tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ông có thể dịch và biên tập được thật nhiều sử thi, chuyện cổ lưu giữ lại cho muôn đời sau”.
Được biết, trong gần 10 năm qua (từ năm 2001 đến nay), Dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên được Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên triển khai đã gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, cái khó của việc triển khai Dự án là sử thi Tây Nguyên chủ yếu vẫn truyền miệng nên không thể thống kê chính xác có bao nhiêu tác phẩm sử thi còn lưu truyền trong dân gian. Đến nay, Viện Nghiên cứu Văn hoá Dân gian đã sưu tầm được hơn 800 tác phẩm sử thi truyền miệng, lưu giữ trong gần 6.000 băng ghi âm, tương ứng với gần 1.000 giờ trình diễn của các nghệ nhân. Viện cũng mới chỉ lựa chọn dịch và in được khoảng gần 100 tác phẩm trong Bộ kho tàng sử thi Tây Nguyên sang sách song ngữ (tiếng dân tộc và tiếng Kinh). Mỗi tập sách có độ dày trung bình 1.000 trang (loại khổ 16X24). Khối đồ sộ sử thi Tây Nguyên tiềm ẩn còn lại là rất lớn, nhưng vấn đề tìm kiếm được người phiêm âm, biên dịch được ra các thứ tiếng bản địa Tây Nguyên (Băh nar, Jrai, Ê-đê, Mạ, Mnông...) đang là một thử thách, vì hầu hết những người làm được việc này phần lớn tuổi, trí nhớ giảm dần...
Tìm được những người biết hát và kể sử thi đã là rất khó, nhưng để tìm được người vừa biết hát, vừa biết phiên âm, biên dịch sử thi và truyện cổ trong khối đồ sộ sử thi như A Ja đang như chuyện “tìm kim dưới đáy biển”. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm đặc biệt về mặt vật chất và tinh thần để những “nghệ nhân” dân gian như A Ja có thể yên tâm để làm người thư ký ghi lại “những cuộc trò chuyện vĩnh cửu giữa đại ngàn” cho muôn đời sau!
Vũ Đình Năm (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 88) [TT: H.T.N]